Tiếng Việt | English

25/11/2020 - 09:08

Trẻ em như búp trên cành...

“Trẻ em như búp trên cành. Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan” - hai câu thơ là lời Bác nhắn nhủ, nhắc nhở thế hệ kế thừa quan tâm, chăm lo cho trẻ em. Vậy mà, trong thực tế cuộc sống, nhiều em vì cảnh nghèo phải vào đời sớm, dở dang chuyện học hành. Có em, trên hành trình mưu sinh phụ giúp gia đình bị ngược đãi, bạo hành rất thương tâm. Đây cũng là thực trạng đáng báo động hiện nay mà đòi hỏi toàn xã hội phải vào cuộc, chung tay chăm sóc, bảo vệ trẻ em.

Câu chuyện cậu bé 14 tuổi tên T.Q.D. bị bà chủ tiệm bánh xèo miền Trung ở huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh bạo hành khiến nhiều người nhói lòng. Hai tháng làm thuê tại đây, em D. thường xuyên bị bà chủ chửi mắng, đánh đập, thậm chí dùng chảo chiên bánh xèo nóng gí vào cánh tay tra tấn, bị bỏ đói, phải ăn thức ăn thừa của khách. D. nhập viện trong tình trạng nhiều vết thương trên người, tinh thần hoảng loạn. Tại sao người lớn có thể ra tay dã man với một đứa trẻ như thế? Chưa kể, trong cuộc sống hiện nay, nhiều em bị cha mẹ ép buộc nghỉ học sớm để đi làm kiếm tiền, nhất là trẻ em gái vì quan niệm “con gái không cần học nhiều” vẫn tồn tại trong một số gia đình. Tình trạng bạo lực gia đình, phân biệt đối xử với phụ nữ, trẻ em gái xảy ra dưới nhiều hình thức khác nhau như vậy. Tại Long An, nhiều vụ xâm hại tình dục đối với trẻ em gái để lại hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần các em. Cụ thể, năm 2019, toàn tỉnh phát hiện 32 vụ, 6 tháng đầu năm 2020 phát hiện 1 vụ.

Trước thực trạng đó, Tháng hành động Vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới được tổ chức hàng năm từ ngày 15/11 đến 15/12 trên phạm vi toàn quốc là hoạt động góp phần ngăn chặn bạo lực, xóa bất bình đẳng về giới. Đây cũng là đợt cao điểm đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ, chăm lo cho phụ nữ và trẻ em.

Theo đó, ngoài hoạt động truyền thông, biểu dương những điển hình, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn còn được nhận quà, học bổng để có điều kiện tiếp tục cắp sách đến trường. Bên cạnh đó, thông qua các diễn đàn trẻ em, các em được nói lên tiếng nói, những nghĩ suy, tâm tư của mình về nhiều vấn đề trong cuộc sống. Đó là những băn khoăn về sự mất an toàn trên môi trường mạng, những tai nạn, thương tích, tình trạng xâm hại tình dục trẻ em,... hiện nay. Những trăn trở của các em cũng đặt ra cho các cấp, ngành, địa phương cần có những giải pháp thiết thực, hiệu quả hơn trong công tác trẻ em. Để hỗ trợ, giúp đỡ, chăm sóc, bảo vệ những “mầm non”, mô hình Ngôi nhà an toàn được thực hiện và duy trì, các lớp dạy bơi được mở trong nhà trường giúp các em trang bị kỹ năng phòng, chống tai nạn đuối nước.

Hay đó còn là những bài học giáo dục kỹ năng của nhà trường, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ,… giúp các em nhận diện nguy cơ bị xâm hại, từ đó có cách xử lý, ứng phó phù hợp. Hoạt động truyền thông cũng được thực hiện khá đa dạng qua nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về việc chung tay chăm lo, bảo vệ trẻ em, hạn chế những vụ ngược đãi, bạo hành xảy ra. Cùng với xã hội, nhà trường, gia đình là “lá chắn” đầu tiên bảo vệ các em. Phụ huynh nên dành thời gian quan tâm, giáo dục kỹ năng sống, giới tính cho con một cách khéo léo, phù hợp. Khi xảy ra xâm hại trẻ em, các gia đình phải mạnh dạn lên tiếng để pháp luật trừng trị nghiêm minh những kẻ vi phạm, tạo sự răn đe cho toàn xã hội.

“Chăm sóc, bảo vệ trẻ em không còn là trách nhiệm của riêng ai” là thông điệp trong công tác trẻ em hiện nay. Có sự chung tay ấy, các em sẽ được học hành đến nơi, đến chốn, được phát triển toàn diện trong môi trường an toàn, lành mạnh./.

Hà Vân

Chia sẻ bài viết