Lao động Việt Nam ở Libya, tháng 3/2011. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)
Sáng 19/7, tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với quỹ châu Á tại Việt Nam tổ chức Hội nghị triển khai Dự án “Tăng cường bảo vệ quyền cho lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc”. Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính chủ trì hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Mai Đức Chính cho biết, từ năm 2007 đến nay, bình quân mỗi năm, Việt Nam đưa từ 80.000 đến 90.000 người đi làm việc và thực tập tay nghề ở nước ngoài theo hợp đồng. Ước tính mỗi năm, đội ngũ lao động làm việc ở nước ngoài gửi về cho gia đình trên 2 tỷ USD. Điều này cho thấy, người lao động làm việc ở nước ngoài không chỉ đem lại giá trị kinh tế cho bản thân và gia đình, mà còn đóng góp một phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế trong nước và cả nước tiếp nhận lao động.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Mai Đức Chính khẳng định, những rủi ro đem lại cho lao động làm việc ở nước ngoài không ít, nhất là các đối tượng có tay nghề thấp, người nghèo, người dân tộc thiểu số… Đặc biệt, những đối tượng ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng cá nhân thường thiếu thông tin khi tiếp cận với dịch vụ lao động ngoài nước. Họ phải qua trung gian và tốn chi phí rất cao nhưng vẫn bị lừa gạt, thậm chí bị chủ lao động xâm hại quyền lợi mà không được bảo vệ, bị trả về nước trước thời hạn và lâm vào cảnh nợ nần không có khả năng chi trả. Không ít lao động sau khi trở về gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm công việc phù hợp với kỹ năng, tay nghề. Những rủi ro này làm giảm hiệu quả của hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, gây thiệt hại rất lớn cho chính bản thân người lao động.
Nhằm hạn chế tối đa rủi ro, bất lợi cho người lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với quỹ châu Á triển khai Dự án “Tăng cường bảo vệ quyền cho lao động Việt Nam ra nước ngoài làm” với 3 mục đích: Tăng cường bảo vệ quyền lao động cho những người chuẩn bị đi làm việc ở nước ngoài; tăng cường việc tiếp cận với các cơ hội việc làm cho những lao động trở về; vận động chính sách nhằm nâng cao nhận thức cho những nhà hoạch định chính sách và các bên liên quan về các vấn đề mà người lao động gặp phải.
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính nhấn mạnh, để Dự án đạt hiệu quả cao, việc triển khai phải được thực hiện khoa học, bài bản. Đặc biệt, công đoàn địa phương (cụ thể là xã, phường) phải trực tiếp hỗ trợ người lao động có được nguồn thông tin chính xác để trách rủi ro khi tiếp cận với dịch vụ này. Do vậy, cần nâng cao năng lực cho cán bộ công đoàn cơ sở về chính sách pháp luật và di cư an toàn để công tác hỗ trợ, tư vấn cho người lao động đạt kết quả cao.
Về cơ hội tiếp cận việc làm cho các lao động làm việc ở nước ngoài trở về, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và quỹ Châu Á sẽ phối hợp với Trung tâm giới thiệu việc làm tại 3 tỉnh Phú Thọ, Quảng Ngãi, Thanh Hóa để xây dựng các tài liệu truyền thông và tổ chức các cuộc định hướng việc làm, phiên giao dịch việc làm…
Ông Filip Graovac, Phó Trưởng Đại diện quỹ châu Á tại Việt Nam cho biết, số lượng người Việt Nam ra nước ngoài lao động ngày càng gia tăng trong những năm gần đây. Tuy nhiên, quá trình di cư của lao động Việt Nam ra nước ngoài còn nhiều gian nan, thậm chí có những trường hợp đã trở thành nạn nhân của tội phạm buôn bán người.
Trong khi đó, những lao động may mắn không gặp phải rủi ro trong quá trình làm việc tại nước ngoài lại thiếu thông tin về việc làm hoặc không thể áp dụng kỹ năng đã học được khi trở về Việt Nam. Việc nâng cao năng lực cho các tổ chức liên quan nhằm tư vấn, tăng cường tiếp cận thông tin di cư an toàn cho người lao động trước và sau khi lao động ở nước ngoài rất cần thiết trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người lao động Việt Nam./.
Đỗ Bình/TTXVN