Tiếng Việt | English

22/09/2018 - 09:51

Trung thu xưa ấy

Ảnh minh họa: Internet

Ảnh minh họa: Internet

Ngọn gió lồng lộng ngoài sông Hậu thổi vào xua tan bầu không khí nóng bức, ngột ngạt của một thành phố phương Nam khi đêm về. Tôi dừng xe trước một cửa hàng nhỏ mua vài thứ, chị bán hàng vừa lom khom lấy hàng, vừa quạt xoành xoạch. Đang loay hoay, tôi bỗng trông thấy hai mẹ con người bán vé số đang đứng ngẩn ngơ trước cửa hàng bên cạnh. Cô bé nhỏ đòi mẹ sắm cho mình chiếc lồng đèn hình con gà treo ở phía trên cao, giữa lô nhô những chiếc lồng đèn xanh, đỏ. Người mẹ chần chừ một lúc rồi nói khẽ: “Thôi con, để vài bữa nữa có tiền mẹ sắm cho, heng!”. Cô bé gật đầu mà khuôn mặt thoáng buồn, dụi dụi vào tay mẹ. Hai mẹ con nhìn nhau rồi dắt díu đi bán tiếp xấp vé số trên tay. Hai chiếc bóng lờ mờ rồi mất hút giữa biển người xuôi ngược chốn thị thành...

Nhìn cô bé với người mẹ nghèo khổ kia, tôi bỗng nhớ biết bao cái thuở nhà tôi còn cơ hàn, vất vả. Mỗi mùa trăng tròn, chiếc đèn lồng với tôi là cả một niềm mơ ước.

Ngồi ở quán cà phê góc đường nhìn dòng người hối hả lướt qua nhau, những đứa trẻ tay níu tay mẹ, tay cầm lồng đèn, khuôn mặt rạng ngời, tôi thấy những đứa trẻ được sinh ra và lớn lên ở thành phố sao sung sướng quá. Nghĩ mà thương đám trẻ thôn quê cơ cực và thiếu thốn trăm bề. Ngày xưa, tôi cũng là đứa trẻ chốn quê nghèo sống quẩn quanh nơi làng mạc, tâm hồn hiền lành như đất, êm dịu như dòng sông chảy ngang qua trước nhà và bình yên như cánh đồng quê hương chạy dài tít tắp. Nhà tôi nghèo, vách lá, cột xiêu, nằm trên bờ sông, ngày hai lượt khói rơm thơm từ chái bếp cuộn lên nền trời biêng biếc. Tuổi thơ tôi nghèo cực mà chân tình, ngọt ngào và miên man mãi trong miền ký ức. Cứ mỗi mùa Trung thu đến là một mảng màu kỷ niệm đẹp đẽ, trong sáng, lung linh trong khoảng trời thơ ấu.

Nhớ lắm, mỗi mùa Trung thu, tôi lại tất bật chuẩn bị đèn lồng để đêm trăng rộn ràng rước đèn. Tôi thường đi rong ruổi khắp xóm, nhà nào tôi cũng ghé vào hỏi xin vài tờ giấy màu, loại giấy mà cô dâu thường dùng để gói ghém gối mền mang về nhà chồng ngày cưới. Thuở ấy nghèo, không đủ tiền mua giấy màu dán lồng đèn, càng không có tiền để sắm cho mình chiếc lồng đèn mới. Hôm theo má ra chợ huyện, nhìn thấy người ta treo đầy lồng đèn, đủ hình dạng,... tôi nhìn hoài, nhìn hoài. Má bảo: “Ráng năm nay, năm sau có tiền, má mua lồng đèn mới cho con”. Tôi gật đầu. Má ra vườn đốn tre, ngồi tỉ mẩn vót từng thanh tre xếp lại thành chiếc lồng đèn ông sao rồi dán giấy màu xung quanh. Ở giữa, má kê thanh tre nhỏ rồi tì sẵn đèn cầy vào đó. Sau cùng, má trang trí xung quanh, tôi khéo léo vẽ hình con gà, cánh chim, bông hoa hay một vật nào đó dễ thương quá đỗi, cắt ra rồi dán lên chiếc lồng đèn của mình. Trung thu, bầu trời quê hương như cao hơn, trăng tròn vàng lửng lơ như cái dĩa ai treo giữa nền trời thăm thẳm. Cơn gió thổi ngang qua cánh đồng ùa vào trong xóm mát rượi. Đêm đó, bọn trẻ chúng tôi: Thằng Duy, con Dân, con Diệu, thằng Chiểu thắp đèn lồng rồi xuống xuồng ba lá bơi ra vàm sông rước đèn. Bọn trẻ bơi chiếc xuồng đi trước. Người lớn bơi chiếc xuồng theo sau. Đêm Trung thu, cả xóm vui như hội. Nhà nào cũng thắp đèn sáng rực, có cả đèn lồng và mâm bánh quả để trước sân nhà cúng trăng. Chúng tôi thay nhau vừa bơi xuồng, vừa hát mừng trăng sáng. Trung thu miền sông nước vui lắm, chúng tôi - bọn trẻ quê quây quần bên nhau nói nói cười cười, hoặc chạy ròng rã trên cánh đồng, hoặc tinh nghịch đốt đống rơm rồi ngắm nhìn ngọn lửa giòn tan trong đêm rằm tháng tám.

Bà thường kể tôi nghe những câu chuyện cổ tích về vầng trăng, chú Cuội hiền lành và chị Hằng xinh đẹp mỗi độ Trung thu về. Thuở ấy, bà tôi còn trẻ trung, nhanh nhẹn. Đêm Trung thu, bà ra sân thắp nhang cúng trăng vàng, cúng đất trời rồi trải chiếu ra đó, bà ngồi giữa, đám con cháu ngồi xung quanh, cùng ăn bánh, uống trà, cùng chuyện trò vui vẻ. Trung thu là dịp để gia đình đoàn tụ, sum vầy, ngắm trăng thanh và kể nhau nghe chuyện cuộc đời vô lượng. Bánh trung thu thuở ấy là niềm mơ ước của tôi mỗi dịp Trung thu. Chiếc bánh nhỏ xíu, mỗi người chỉ được một miếng hơn ngón tay. Bao giờ má cũng dành phần của má cho tôi. Tôi ngô nghê hỏi sao má không ăn? Má cười cười: “Thôi, bánh này má không thích”. Tôi chau mày “má kỳ dữ hông, bánh ngon vầy mà đi chê!”. Mãi sau này tôi mới biết, không phải má chê mà là má nhường cho tôi ăn. Má luôn nhường nhịn những gì ngon ngọt nhất cho tôi, bữa cơm quê có thịt, có cá, má cũng nhường. Không ăn thịt thì má ăn rau luộc chấm nước tương. Thương má chịu nhiều gian khó, gồng gánh nhọc nhằn để tôi có cuộc sống bình yên. Thanh xuân má để ở đâu? Tôi không biết. Thanh xuân má đã qua rồi. Tôi dần lớn lên, còn má tôi thì nhận được gì ngoài tấm lưng còng và mái đầu bạc trắng?...

Trung thu này, tôi bỗng dưng muốn trở lại quê nhà. Tôi muốn được yêu thương, được cuộn tròn trong vòng tay bà, tay má. Đất quê ngọt ngào bình an. Đất quê lưu giữ cho tôi những yêu thương, những dịu dàng và đẹp đẽ. Tháng tám trăng tròn, miền quê xưa chắc buồn lắm khi thiếu vắng những đứa trẻ năm nào tinh nghịch nói cười, giờ đây mỗi đứa một phương, cánh chim ấy cứ bay mãi, bay mãi về phương trời nào xa xôi biền biệt...

Tôi thầm cảm ơn cuộc đời, cảm ơn miền quê nghèo mà bao dung, nhân hậu. Tôi tự hào vì mình được sinh ra và lớn lên ở chốn thôn dã hiền từ, được bà, được má, được đất quê dạy dỗ, chăm bồi, rót nước vào dòng sông mát lành chảy giữa tâm hồn tôi giữa muôn trùng năm tháng...

Trung thu này, tôi bỗng dưng muốn trở lại quê nhà. Tôi muốn được yêu thương, được cuộn tròn trong vòng tay bà, tay má. Đất quê ngọt ngào bình an. Đất quê lưu giữ cho tôi những yêu thương, những dịu dàng và đẹp đẽ./.

Hoàng Khánh Duy

Chia sẻ bài viết