Tiếng Việt | English

19/05/2016 - 10:25

Kỷ niệm 70 năm thành lập Trường Chính trị Long An (19/5/1946 – 19/5/2016):

Trường Chính trị Long An: Tiếp bước trên con đường phát triển

Trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra là bảo vệ thành quả cách mạng và chuẩn bị sẵn sàng cho công cuộc kháng chiến, chống lại sự xâm lược của kẻ thù, Tỉnh ủy Tân An, Chợ Lớn đặc biệt quan tâm và chủ trương thành lập Trường Đảng để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.


Dưới mái Trường Chính trị Long An, hàng ngàn lượt cán bộ, đảng viên được đào tạo, trưởng thành phục vụ cho sự nghiệp cách mạng, xây dựng tỉnh nhà

Ngày 19-5-1946, đúng dịp kỷ niệm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lớp học đầu tiên được tổ chức tại Rạch Bần do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy - Nguyễn Thành A (nguyên là cán bộ huấn luyện chính trị, ở nhà tù Côn Đảo, Thành ủy viên Sài Gòn - Chợ Lớn được Xứ ủy điều về Tân An) trực tiếp lên lớp, giảng bài. Đây được xem là mốc khởi đầu xây dựng nên truyền thống của Trường Đảng tỉnh về sau.

Tháng 9-1961, Trường Đảng Lê Hồng Phong ra đời theo Quyết định của Tỉnh ủy Kiến Tường. Việc ra đời của 2 Trường Đảng ở 2 tỉnh vào thời điểm đó, nói lên sự nhận thức đúng đắn của Tỉnh ủy về vị trí, vai trò của trường trong công tác huấn luyện, đào tạo cán bộ - việc gốc của cách mạng, có tính chất quyết định đến thắng lợi của sự nghiệp cách mạng trong mọi thời kỳ.

Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ

Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhất là trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, với một địa bàn xung yếu, chiến trường vô cùng ác liệt, cam go; việc ăn, ở, bám trụ, chiến đấu hết sức khó khăn, phức tạp thì việc thành lập trường, mở lớp huấn luyện, đào tạo cán bộ còn khó khăn, phức tạp hơn nhiều.


Ngày 28/8/2015, Trường Chính trị tỉnh Long An tổ chức tọa đàm Kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam. Ảnh: Kiên Định

Trong điều kiện chiến tranh ác liệt, trường phải thường xuyên di chuyển (do địch ném bom, càn quét); lớp phải chia nhỏ, có vách ngăn, mọi người đều che mặt để bảo đảm an toàn, bí mật; có lớp chỉ có 5 đến 7 học viên,… Nhưng Trường Đảng tỉnh Tân An và Trường Đảng tỉnh Kiến Tường vẫn kiên cường khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, vừa mở lớp huấn luyện cán bộ vừa tăng gia sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu.

Nhiều cán bộ, giáo viên, nhân viên và học viên của trường anh dũng hy sinh nhưng trường vẫn quyết tâm thực hiện việc mở lớp đào tạo, huấn luyện cán bộ trong mọi điều kiện, hoàn cảnh.

Với nội dung chương trình học tập, huấn luyện được biên soạn cụ thể, thiết thực, phù hợp yêu cầu thực tiễn cách mạng đang đặt ra; hình thức học tập linh hoạt, sáng tạo (chú trọng thảo luận, trao đổi); giảng viên đều là các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Tỉnh ủy, có kiến thức thực tiễn, bản lĩnh chính trị, kinh nghiệm chiến trường,… nhằm trang bị lý luận chính trị, quán triệt chủ trương, đường lối, Nghị quyết của Đảng, phương pháp đấu tranh cách mạng, công tác xây dựng chi bộ, khí tiết của người cộng sản, công tác vận động quần chúng cho cán bộ, đảng viên.

Kết quả đào tạo, huấn luyện đáp ứng được đội ngũ cán bộ cho 2 tỉnh Tân An, Kiến Tường và cho cả chiến trường trọng điểm Nam bộ, góp phần vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Đất nước hòa bình, chuyển sang giai đoạn cách mạng mới, thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược là xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Tỉnh Long An và tỉnh Kiến Tường được hợp nhất thành tỉnh Long An. 2 Trường Đảng của 2 tỉnh cũng được tổ chức lại thành Trường Đảng tỉnh Long An.

Bước vào thời kỳ đổi mới, với đường lối của Đại hội VI: "Phải tăng cường năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; phương hướng đổi mới trước hết là đổi mới tư duy, nâng cao phẩm chất cách mạng của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tiếp theo là đổi mới công tác tổ chức và cán bộ, kiện toàn các cơ quan lãnh đạo và quản lý; đổi mới phong cách làm việc, giữ vững nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng; nâng cao chất lượng đảng viên, đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực; nâng cao tính chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng; tăng cường sự đoàn kết, nhất trí trong Đảng".


Sở Nội vụ phối hợp Sở Tư pháp, Trường Chính trị Long An tổ chức lớp bồi dưỡng công chức Tư pháp - Hộ tịch năm 2015 cho công chức 166 xã trên địa bàn tỉnh từ 5 đến 7/8/2015.  Ảnh: Phan Đức Bộ

Đảng bộ tỉnh Long An xác định công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ quan trọng, có tính chất quyết định đến sự thắng lợi theo đường lối đổi mới. Tỉnh ủy dành sự quan tâm sâu sát đối với công tác chính trị, tư tưởng, coi đây là công tác quan trọng hàng đầu, là chìa khóa của thắng lợi.

Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ VI (từ ngày 7 - 10-5-1996) chỉ rõ: "Trong thời kỳ mới, công tác cán bộ có ý nghĩa quyết định đối với công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH-HĐH), đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế của tỉnh, về công tác cán bộ; nhiệm vụ trọng tâm là phải xây dựng chiến lược cán bộ đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới, phải gắn chặt công tác đào tạo, bồi dưỡng với công tác quy hoạch cán bộ; khắc phục tình trạng đào tạo, bồi dưỡng không theo quy hoạch và không có quy hoạch; chú trọng đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng cán bộ toàn diện cả về phẩm chất, trình độ và năng lực; có chính sách khuyến khích cán bộ học tập nâng cao trình độ lý luận, chuyên môn, nghiệp vụ,... cần nâng cao trình độ, kiến thức, phẩm chất chính trị và bổ sung đội ngũ cán bộ giảng dạy, tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất Trường Chính trị để bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao".

Đây là định hướng cơ bản để Trường Chính trị Long An vận dụng sáng tạo, phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ đặt ra. Cùng với công tác đào tạo, bồi dưỡng, từ năm 1992, trường bắt đầu thực hiện nghiên cứu khoa học: Tham gia thực hiện đề tài khoa học cấp Nhà nước KX05 do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh thực hiện; thực hiện đề tài khoa học cấp tỉnh: “Xu hướng chuyển dịch của giai cấp công nhân trong thời kỳ CNH, HĐH ở Long An”, “Xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, HĐH ở Long An”, “Thực trạng cơ cấu và chất lượng bí thư, chủ tịch xã, phường, thị trấn ở tỉnh Long An” (năm 1993); nghiên cứu, biên soạn tài liệu chuyên đề “Con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam qua tổng kết 20 năm” (năm 2007); nghiên cứu, biên soạn tài liệu bồi dưỡng Các chuyên đề lý luận và thực tiễn theo văn kiện Đại hội XI của Đảng (năm 2012); “Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Long An trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế” (năm 2012).


Ngày 14/1/2016, Thường trực Tỉnh ủy làm việc với Trường Chính trị Long An về kết quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ năm 2015 và cho ý kiến kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học năm 2016. Ảnh: TH-Yến Ly

Được sự chấp thuận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh, trường chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện nhiều đề tài Xây dựng chương trình tài liệu tác nghiệp cho các chức danh cán bộ chủ chốt, các ban, ngành, đoàn thể cấp xã (Bí thư cấp ủy, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND, Chủ tịch MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hội Nông dân; Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ; Chủ tịch Công đoàn cơ sở; Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; Chủ tịch Công đoàn cơ sở doanh nghiệp ngoài Nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài); Xây dựng bộ chương trình tài liệu tác nghiệp cho Bí thư chi bộ trực thuộc Đảng bộ Khối Các cơ quan cấp tỉnh và Khối Doanh nghiệp của tỉnh; Xây dựng bộ chương trình tài liệu tác nghiệp cho cán bộ phụ trách khối vận cấp xã ở Long An. Năm 2016, trường thực hiện đề tài khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu giải pháp nâng cao hiệu quả bồi dưỡng chức danh cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp xã (Bí thư, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND) giai đoạn 2016-2020”.

Trải qua 70 năm xây dựng và phát triển với nhiều giai đoạn khác nhau, Trường Chính trị tỉnh Long An luôn nỗ lực phấn đấu góp phần đắc lực vào thành quả chung của sự nghiệp cách mạng của Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà. Trường đào tạo, bồi dưỡng hàng chục vạn lượt cán bộ, cung cấp cho Đảng đội ngũ cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, luôn kiên định mục tiêu, lý tưởng của Đảng, có phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng, có trình độ, kiến thức và năng lực công tác đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng, bảo vệ đất nước trong thời bình.


Trường Chính trị Long An vừa phối hợp Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức bế giảng lớp đại học hệ vừa làm vừa học, ngành Xây dựng Đảng và chính quyền Nhà nước K31, niên khóa 2011-2015. Ảnh: Phong Nhã

Những thành tích mà trường đã đạt là sự tổng hợp của nhiều nhân tố, trong đó yếu tố có tính quyết định là trường luôn xác định được vị trí, vai trò, nhiệm vụ quan trọng của mình, đoàn kết nội bộ, quy tụ được lực lượng cán bộ giảng dạy (gồm giảng viên cơ hữu của trường và lực lượng giảng viên kiêm chức - là những đồng chí lãnh đạo chủ chốt của các ban, ngành, đoàn thể tỉnh, có kinh nghiệm thực tế, phương pháp truyền đạt tốt); tích cực tham mưu và được sự quan tâm lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về định hướng hoạt động cũng như đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị thiết yếu; được sự ủng hộ, tạo mọi điều kiện của các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương giúp trường hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Tiếp tục vươn lên đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới

Phát huy truyền thống “Trung dũng, kiên cường, toàn dân đánh giặc” của Đảng bộ và nhân dân Long An trong giai đoạn cách mạng mới; quyết tâm góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu tổng quát Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X (nhiệm kỳ 2015-2020): "Xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế; giải quyết hiệu quả các vấn đề xã hội bức xúc, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; tăng cường quốc phòng-an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự-an toàn xã hội; xây dựng nền tảng đảm bảo phát triển nhanh và bền vững".


Bế giảng lớp trung cấp lý luận chính trị khóa 85 (C85). Ảnh: Hùng Anh

Trường Chính trị tỉnh tiếp tục thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm trong thực hiện Đề án công tác cán bộ của tỉnh, Đề án quy hoạch, đào tạo cán bộ nguồn; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chính trị, tư tưởng, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng cùng với việc đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” gắn với tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phòng chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nội bộ.

Năm 2016 và những năm tiếp theo, Trường Chính trị tỉnh tập trung thực hiện tốt một số việc sau:

Thứ nhất, trường luôn quán triệt và bám sát yêu cầu, nhiệm vụ của công tác cán bộ của tỉnh; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan, tham mưu Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh xây dựng, thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo phân cấp kịp thời, đạt chất lượng, hiệu quả cao nhất.

Thứ hai, nội dung đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học của Trường Chính trị luôn hướng đến mục tiêu góp phần bảo đảm cho hệ thống chính trị của tỉnh có được đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn đạt chuẩn; kỹ năng thực hiện vị trí việc làm tốt; lập trường tư tưởng vững vàng, kiên định mục tiêu, lý tưởng của Đảng, có thái độ kiên quyết trong đấu tranh bảo vệ chủ nghĩa Mác-Lênin, cương lĩnh, đường lối, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phê phán, bác bỏ những luận điệu sai trái, xuyên tạc của kẻ thù; gương mẫu, trung thực, liêm khiết, “vị công, vô tư”, gần gũi, gắn bó và được quần chúng tin yêu. Thông qua đào tạo, bồi dưỡng, giúp đội ngũ cán bộ chủ chốt cơ sở nâng cao trình độ, năng lực tư duy, có khả năng nắm bắt, chủ động và sáng tạo trong việc vận dụng chủ trương, đường lối, Nghị quyết, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước vào điều kiện cụ thể của địa phương, đơn vị; lãnh đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị đạt hiệu quả cao nhất về phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Chú trọng hơn nữa việc đổi mới phương pháp giảng dạy, gắn kết chặt chẽ việc giảng dạy lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh với thực tiễn phong phú, sinh động ở địa phương, cơ sở. Tăng cường công tác quản lý học viên; cụ thể hóa Bộ Quy chế đào tạo của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh vào thực tiễn của tỉnh đạt hiệu quả cao nhất; kết hợp giáo dục về lý luận chính trị với tăng cường việc rèn luyện đạo đức, lối sống cho học viên nhằm thực hiện yêu cầu, mục tiêu: Dạy chữ (truyền đạt tri thức), dạy người (đào tạo cán bộ), dạy nghề (hướng dẫn nghiệp vụ công tác).

Thứ ba, quan tâm, chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên nhằm bổ sung vốn sống, kiến thức thực tiễn sinh động từ các tập thể, cá nhân, mô hình hay, cách làm hiệu quả trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, thực hiện công tác dân vận... ở địa phương, cơ sở. Ban giám hiệu trường quan tâm công tác xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ giảng viên có tâm, ngang tầm, thật sự xứng đáng là chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tuyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cương lĩnh, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; đoàn kết nội bộ, từ lãnh đạo đến toàn thể cán bộ, giảng viên, viên chức, người lao động trên tinh thần thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau; thường xuyên nghiêm túc tự phê và phê bình trên cơ sở bảo đảm các nguyên tắc, chế độ sinh hoạt của các tổ chức trong trường; quản lý, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất hiện có, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao./.

Nguyễn Thị Hiền - Tỉnh ủy viên, Hiệu trưởng Trường Chính trị Long An

Chia sẻ bài viết