Tiếng Việt | English

11/10/2021 - 10:16

Trương Văn Bang - Nhà cách mạng, sĩ quan quân đội tài ba

Khu lưu niệm Trương Văn Bang ở thị trấn Cần Giuộc, huyện Cần Giuộc, gần bến phà Tân Thanh, là nơi thờ phụng nhà cách mạng kiên trung, người đảng viên bền bỉ vì sự nghiệp cách mạng - Trương Văn Bang. Khu lưu niệm cũng là nơi giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử hào hùng của quê hương.

Trương Văn Bang từng là Bí thư Xứ ủy Nam kỳ, sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong bài viết Luôn tiếp nối truyền thống vẻ vang của cha anh nói về đồng chí Trương Văn Bang, tác giả Long Thái nhận định: “Ông Trương Văn Bang thuộc lớp cán bộ lãnh đạo kỳ cựu, có nhiều công lao “khai sơn phá thạch” cho sự nghiệp cách mạng ở địa phương Long An và Nam bộ.”

Bị tra tấn 18 ngày đêm vẫn kiên trung

Tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của nhà cách mạng Trương Văn Bang mới thấy hết sự kiên trung của ông trong suốt quá trình hoạt động. Từ năm 13 tuổi, ông đã theo người dượng rể - Nguyễn An Ninh làm liên lạc cho hội kín. Trong môi trường đó, ông tiếp cận thầy giáo Hồ Văn Long, được truyền bá chủ nghĩa Cộng sản và kết nạp vào Đảng năm 19 tuổi. Cũng trong năm 1930, ông Trương Văn Bang cùng đồng chí Hồ Văn Long về thị trấn Cần Giuộc lập Quận ủy đầu tiên của quận Cần Giuộc. Cuối năm 1930, Xứ ủy phân công đồng chí Hồ Văn Long củng cố, khôi phục phong trào cách mạng và các cơ sở Đảng ở Gia Định - Chợ Lớn. Năm 1931, đồng chí Trương Văn Bang được bầu làm làm Bí thư Quận ủy Cần Giuộc, là Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Chợ Lớn.

Khu lưu niệm Trương Văn Bang nhìn ra bờ sông có nhiều tiềm năng phát triển du lịch nhằm giới thiệu đến du khách về bề dày lịch sử, những người con anh hùng của quê hương Long An trung dũng kiên cường

Đến cuối năm 1932, địch truy lùng, càn quét và bắt, giết cán bộ ta. Nhiều cơ sở bí mật bị phá. Phong trào cách mạng tạm lắng xuống. Tuy nhiên, điều đó không khuất phục được ý chí chiến đấu kiên cường của quân và dân ta. Các tổ chức cách mạng dần được thành lập lại dưới sự che chở của nhân dân. Trong bài viết Trương Văn Bang - Người đảng viên kiên trung, bền bỉ hoạt động vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc đăng trên www.thanhuytphcm.vn có đoạn chép: “Tháng 4 năm 1932, tại Sài Gòn, một số đồng chí đã lập lại Xứ ủy lâm thời do đồng chí Hồ Văn Long làm Bí thư. Thành ủy Sài Gòn cũng được lập lại do đồng chí Tạ Đức Đường làm Bí thư. Nhưng chỉ 5 tháng sau, tức là vào tháng 10/1932, do nội bộ có người bị bắt đã khai báo nên tất cả các thành viên Xứ ủy lâm thời và Thành ủy đều bị bắt.

Tháng 10/1932, đồng chí Trương Văn Bang làm Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn, kế đó phụ trách công tác tổ chức của Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn đến tháng 5/1933, cùng các đồng chí còn lại móc nối với nhau lập ra Xứ ủy lâm thời do đồng chí Trương Văn Bang làm Bí thư Xứ ủy, đồng thời kiêm luôn Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn”. Khi làm Bí thư Xứ ủy Nam kỳ, đồng chí Trương Văn Bang mới 21 tuổi.

Một thời gian sau, ông bị bắt và kết án 5 năm tù. Ra tù nhờ phong trào đấu tranh của Mặt trận bình dân, ông tiếp tục hoạt động cách mạng và được bầu làm Bí thư Liên Tỉnh ủy Biên Hòa - Bà Rịa. Năm 1941, ông lại bị bắt do có người khai báo. Suốt 18 ngày đêm bị tra tấn dã man, địch vẫn không khai thác được bất kỳ thông tin gì từ người cách mạng kiên trung Trương Văn Bang. Dù đã dùng mọi thủ đoạn tàn ác khảo tra nhưng bọn địch vẫn không khuất phục được ông. Chúng đưa ông ra Tà Lài rồi Bà Rá. Trong suốt thời gian ở trong tù, ông vẫn tiếp tục đấu tranh bảo vệ quan điểm của Đảng.

Sĩ quan quân đội tài ba

Đầu năm 1945, ông vượt ngục về quê và tham gia lãnh đạo phong trào khởi nghĩa vào tháng 8-1945. Lúc đó, đồng chí Trương Văn Bang được bầu lại làm Bí thư Quận ủy Cần Giuộc, Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Chợ Lớn và là thành viên Ban Chỉ đạo khởi nghĩa của tỉnh, phụ trách quận Cần Giuộc và Cần Đước. Phong trào khởi nghĩa thành công, tháng 9-1945, ông được bầu làm Quận trưởng (Chủ tịch) đầu tiên của Cần Giuộc, Chỉ huy trưởng Quân sự quận Cần Giuộc, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 922 (sau đổi tên thành Tiểu đoàn Nguyễn An Ninh).

Ông Trương Văn Bang được thờ phụng tại Khu lưu niệm Trương Văn Bang ở thị trấn Cần Giuộc

Tiểu đoàn đã đánh thắng nhiều trận đánh, gây tiếng vang lớn lúc bấy giờ, trong đó có trận đánh Láng Le - Bàu Cò nổi tiếng năm 1948. Trong trận đánh này, lực lượng ta chiến đấu với 3.000 quân Pháp tinh nhuệ. Các chiến sĩ cách mạng trang bị vũ khí thô sơ, lực lượng nhỏ, chỉ có lòng dân và địa thế là ủng hộ quân ta. Dưới sự chỉ huy của Tiểu đoàn trưởng Trương Văn Bang, Tiểu đoàn Nguyễn An Ninh góp phần tạo nên chiến thắng vẻ vang của trận Láng Le - Bàu Cò. Quân ta từ thế bị bao vây đã chuyển hẳn sang chủ động tấn công và rút toàn bộ lực lượng về Rừng tràm Bà Vụ an toàn. Trận Láng Le - Bàu Cò được xem như câu trả lời của cách mạng đối với thực dân Pháp rằng chúng không thể thắng được dân tộc Việt Nam.

Từ năm 1948 về sau, ông từng trải qua nhiều vị trí quan trọng: Phân khu ủy viên Phân khu Duyên Hải, Bí thư Trung đoàn ủy Trung đoàn 308 - tỉnh Chợ Lớn, cán bộ Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Chính ủy Nông trường Lam Sơn,... Ông mất năm 1981 tại TP.HCM. Có thể nói, ông Trương Văn Bang đã dành cả cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng.

Ngày nay, tại huyện Cần Giuộc có con đường mang tên Trương Văn Bang (thị trấn Cần Giuộc), Trường THCS Trương Văn Bang (xã Tân Kim) và Khu lưu niệm Trương Văn Bang (thị trấn Cần Giuộc). Với khuôn viên đẹp, nhìn ra bờ sông lại là nơi tưởng nhớ một nhà cách mạng tài ba, khu lưu niệm có nhiều tiềm năng phát triển du lịch nhằm giới thiệu đến du khách về bề dày lịch sử, những người con anh hùng của quê hương Long An trung dũng kiên cường./.

Mộc Châu (tổng hợp)

Tài liệu tham khảo:

- Bài viết Chiến thắng Láng Le - Bàu Cò: Biểu tượng về lòng quả cảm của quân dân miền Đông, tác giả Văn Chình,

- Bài viết Trương Văn Bang - Người đảng viên kiên trung, bền bỉ hoạt động vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc đăng trên www.thanhuytphcm.vn,

- Bài viết Luôn tiếp nối truyền thống vẻ vang của cha anh, tác giả Long Thái.

Chia sẻ bài viết