Tiếng Việt | English

25/07/2022 - 18:54

Tuyển sinh đại học 2022: Thí sinh cẩn trọng để không trượt oan

Bắt buộc phải đăng ký xét tuyển trực tuyến lên hệ thống xét tuyển chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo dù đã đăng ký và đã trúng tuyển vào các trường là lưu ý của nhiều chuyên gia với thí sinh.


Thí sinh tham gia chương trình ngày hội tư vấn xét tuyển đại học. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)

Cần thực hiện đúng quy trình đăng ký xét tuyển để không biến đỗ thành trượt là nhấn mạnh của các chuyên gia với các thí sinh trong mùa tuyển sinh năm nay, khi có nhiều điểm mới trong cách thức đăng ký xét tuyển đại học so với mọi năm.

Đã đỗ, vẫn phải đăng ký xét tuyển lại

Dù Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa mới công bố điểm Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông nhưng với sự đa dạng phương thức xét tuyển của các trường, nhiều thí sinh đã đăng ký hồ sơ xét tuyển theo nhiều phương thức khác nhau.

Hiện nhiều trường đại học đã gửi giấy báo trúng tuyển sớm cho thí sinh với điều kiện các em phải đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông và phải đăng ký xét tuyển lên hệ thống tuyển sinh chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia.

Các năm trước, bộ chỉ thực hiện lọc ảo chung toàn hệ thống đại học ở phương thức xét tuyển theo điểm Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông nên thí sinh chỉ cần đăng ký trên hệ thống các nguyện vọng xét tuyển theo phương thức này. Tuy nhiên, năm nay, để hạn chế tình trạng thí sinh ảo, lần đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai hệ thống lọc ảo chung cho tất cả các phương thức xét tuyển.

Tư vấn cho thí sinh, phó giáo sư, tiến sỹ Huỳnh Thanh Hùng, quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh đây là quy định mới mà thí sinh cần đặc biệt lưu ý: Dù thí sinh đã đăng ký xét tuyển với các trường và đã đủ điều kiện trúng tuyển sớm ở nhiều trường bằng các phương thức khác nhau nhưng đây là trúng tuyển có điều kiện và thí sinh vẫn phải đăng ký lại các nguyện vọng xét tuyển này trên hệ thống chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong thời gian quy định là từ ngày 22/7 đến ngày 20/8.

“Nếu không thực hiện đúng quy trình đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống chung trong thời gian quy định, hạn cuối là ngày 20/8, thí sinh coi như không có nguyện vọng xét tuyển và không trúng tuyển đại học,” phó giáo sư Huỳnh Thanh Hùng nói.

Dù đã đăng ký trực tiếp với cơ sở đào tạo và được thông báo đỗ, thí sinh vẫn phải đăng ký lại trên cổng tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo. (Ảnh minh họa: PV/Vietnam+)

Không chỉ đăng ký nguyện vọng trực tuyến, thí sinh còn phải thực hiện đóng lệ phí xét tuyển theo đúng quy định.

Cụ thể, từ ngày 21/8 đến ngày 17 giờ ngày 28/8, thí sinh phải xác nhận số lượng, thứ tự nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống đồng thời nộp lệ phí xét tuyển theo số lượng nguyện vọng xét tuyển bằng hình thức trực tuyến. Quá thời hạn trên, hệ thống sẽ chưa chấp nhận việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển của thí sinh.

Không được ép thí sinh chọn nguyện vọng 1

Theo phương thức lọc ảo chung, mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển một nguyện vọng ở một phương thức, không còn hiện tượng một thí sinh có thể trúng tuyển nhiều nguyện vọng ở nhiều trường, nhiều ngành như mọi năm. Vì thế, việc đặt nguyện vọng xét tuyển như thế nào để đỗ vào ngành mình mong muốn và phù hợp với điểm số là điều nhiều thí sinh quan tâm.

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thí sinh được đăng ký không giới hạn số lượng nguyện vọng và sắp xếp các nguyện vọng theo thứ tự từ 1 đến hêt, trong đó nguyện vọng 1 là nguyện vọng ưu tiên cao nhất. Hệ thống sẽ xếp thí sinh đỗ nguyện vọng ưu tiên cao nhất khi đáp ứng được yêu cầu xét tuyển của trường.

Phó giáo sư Nguyễn Thanh Chương, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông Vận tải cho hay với cách thức xét tuyển như trên, những thí sinh đã trúng tuyển sớm vào ngành học, trường mình yêu thích và xác định theo học thì khi đăng ký cần đặt ngành đó ở vị trí cao nhất là nguyện vọng 1 để đảm bảo việc trúng tuyển.

Nếu ngành đã trúng tuyển không phải là nguyện vọng mong muốn theo học nhất, thí sinh nên xếp các ngành học, trường mình yêu thích lên vị trí nguyện vọng cao hơn và xếp ngành học đã trúng tuyến xuống vị trí nguyện vọng thấp hơn.

Sắp xếp ngành học yêu thích nhất lên nguyện vọng 1 cũng là lời khuyên của phó giáo sư Nguyễn Thu Thủy, vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học. Bà Thủy cũng nhấn mạnh việc các trường không được phép ép buộc, yêu cầu thí sinh phải cam kết đăng ký nguyện vọng 1. Các trường hợp yêu cầu thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 hoặc yêu cầu nhập học sớm, thí sinh có thể phản ánh về Bộ Giáo dục và Đào tạo./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết