Tiếng Việt | English

27/03/2023 - 19:11

Uống nước đá nhiều trong thời tiết nắng nóng, coi chừng mắc bệnh…

Trong thời tiết nắng nóng, việc uống nước đá sẽ giúp chúng ta giải tỏa được cơn khát, đem về cảm giác mát lạnh dễ chịu. Tuy nhiên, hành động này khiến cơ thể ít nhiều bị tổn thương.

Ngày nào cũng uống 3-4 ly đá lạnh

12 giờ trưa, dưới cái nóng như "đổ lửa", anh Nguyễn Hoài Sơn (24 tuổi), ngụ Q.8, TP.HCM, chạy xe ôm công nghệ đã ghé vào một quầy bán đồ uống trên đường Lý Thái Tổ, Q.10, TP.HCM, mua một ly nước cỡ to, đá nhiều để giải khát.

Mắt nhắm, hút một hơi thật sâu tận hưởng cái "cực mát lạnh" của ly nước, chàng trai 24 tuổi chia sẻ: “Ngày nào mình cũng uống 3 - 4 ly đá lạnh như vậy. Thời tiết nắng nóng mà có một ly nước giải khát như thế thì còn gì bằng”.

Không nên uống quá nhiều đá lạnh

Còn Trần Ngọc Cẩm Tiên, sinh viên Trường ĐH Sư Phạm TP.HCM, chia sẻ hơn 1 tuần nay sáng, trưa, chiều cô đều uống nước đá để “đánh tan” thời tiết nắng nóng ở TP.HCM.

“Sau khi đến trường, mình thường mua nước đóng chai và luôn đi kèm là 1-2 ly tẩy đá để tăng cảm giác giải khát. Lúc tan học, mình còn mua thêm vài ngàn đồng nước đá viên để về nhà dùng buổi tối vì những ngày qua thời tiết nắng nắng nóng, nhiệt độ trong phòng trọ của mình sau 22 giờ mới chịu hạ nhiệt”, Tiên cho hay.

Không riêng gì Tiên hay Sơn, hiện nay dưới cái nóng hầm hập của TP.HCM nhiều người trẻ đã uống nước đá để giải nhiệt, tuy nhiên ít ai biết rằng hành động này đã ảnh hưởng ít nhiều đến sức khỏe của họ.

“Cơ thể của bạn có thể bị rối loạn điện giải thậm chí sốc nhiệt và ngất xỉu”

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Xuân Huyền, Trưởng khoa dinh dưỡng lâm sàng tiết chế - Viện nghiên cứu và tư vấn dinh dưỡng TP.HCM cho hay đa số mọi người đều nghĩ rằng uống đồ lạnh sẽ giúp hạ nhiệt cơ thể. Tuy nhiên, điều này không đúng và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Theo bác sĩ Huyên khi đi nắng về bạn không được uống đồ lạnh ngay lập tức. Nước quá lạnh khiến cho các mao mạch và niêm mạc đường tiêu hóa co lại khó hấp thu được các chất và sự thẩm thấu của nước vào cơ thể. Do đó, sau khi uống đồ lạnh, cơn khát vẫn không được giải quyết. Việc uống nước lạnh trong lúc bạn đang “nóng” sẽ khiến cơ thể bị lạnh đột ngột, điểm trung tâm vùng nhiệt bị rối loạn.

Bác sĩ Nguyễn Thị Xuân Huyền khuyên mọi người không uống nước đá lạnh dưới thời tiết nắng nóng. NVCC

“Khi nước lạnh tiếp xúc với yết hầu, họng gần hệ thần kinh sẽ khiến điểm trung tâm vùng nhiệt rối loạn. Lúc này, cơ thể sinh lý sẽ đóng các tuyến mồ hôi, ngưng thoát mồ hôi, tim đang đập nhanh đột ngột chậm lại, trong khi thân nhiệt cơ thể còn chưa giảm thực sự. Lúc này, cơ thể của bạn có thể bị rối loạn điện giải thậm chí là sốc nhiệt và ngất xỉu", bác sĩ Huyền nói.

Vị bác sĩ này còn cho hay uống nước đá giữa thời tiết nắng nóng đột ngột làm dạ dày, ruột co thắt, gây ra nguy cơ đau bụng cấp tính. Ngoài ra, thói quen xấu này còn dễ khiến bạn mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, cảm sốt, viêm phổi khi bạn uống phải loại đá lạnh không vệ sinh, hoặc các loại nước uống lạnh không đảm bảo, nhiễm khuẩn.

Cũng theo bác sĩ Huyền việc uống nước đầy đủ, thường xuyên ngay cả khi không khát sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh hơn. Nếu chỉ uống nước khi khát, hay để khát lâu mới uống sẽ khiến người nhanh mệt mỏi.

“Sau khi đi ngoài nắng về, bạn cần nghỉ ngơi ở một nơi thoáng mát trước khi uống nước. Nếu muốn uống lạnh thì nên để đồ uống giảm độ lạnh rồi mới sử dụng. Bạn nên tạo thói quen uống đủ nước hằng ngày (từ 2 đến 2.5 lít tùy vào tình trạng thoát mồ hôi trong công việc, tập luyện, môi trường) đừng đợi tới khi thấy quá khát rồi mới uống nước. Song, nguồn nước uống phải đảm bảo an toàn vệ sinh. Không uống nước lã. Không uống quá nhiều nước không có nguồn gốc. Mỗi lần chỉ uống một lượng nước vừa phải. Tốt nhất là bạn nên rót nước ra cốc để uống”, bác sĩ Huyền cho lời khuyên về việc sử dụng nước trong thời tiết nắng nóng./.

Theo Thanh niên

Chia sẻ bài viết