Tiếng Việt | English

01/05/2016 - 14:00

Văn học 30 năm đổi mới: Vẫn chậm một bước trước đời sống

Văn học Việt Nam thời kỳ này vẫn "chậm chân một bước" so với hiện thực đời sống, với những nhu cầu đổi thay từ nội tại cũng như từ công chúng.

Những cái tên một thời như Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Nguyễn Khắc Trường, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Ngọc Tư... đã gánh vác sứ mệnh "chuyển vai" từ thế hệ những người cầm bút trưởng thành trong hai cuộc kháng chiến sang một giai đoạn văn học đầy sinh lực của thời đổi mới. Tuy vậy, dường như văn học Việt Nam thời kì này vẫn "chậm chân một bước" so với hiện thực đời sống diễn biến phức tạp, với những nhu cầu đổi thay từ nội tại cũng như từ công chúng.

Tiểu thuyết "Nỗi buồn chiến tranh" được xem là một tác phẩm đỉnh cao của văn học thời kỳ đổi mới

Không thể phủ nhận mỗi giai đoạn văn học đều có những giới hạn nhất định. Được "cởi trói", văn học đổi mới thực sự đi đến đỉnh cao trong thời kỳ 1986 đến 1991, với những cuộc "vượt rào", nhiều cuộc tranh luận cởi mở, thẳng thắn trong đời sống văn học... Nhưng sau sự xuất hiện của một số tác phẩm được coi là đỉnh cao như: "Nỗi buồn chiến tranh" của Bảo Ninh, truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, tiểu thuyết "Mảnh đất lắm người nhiều ma" của Nguyễn Khắc Trường, "Bến không chồng" của Dương Hướng thì đời sống văn học cũng bắt đầu nguội dần.

Theo nhà văn Khuất Quang Thụy thì dường như không ít cây bút trẻ hiện nay chưa định hình được phong cách cho mình mà vẫn phụ thuộc cách viết của thế hệ đi trước: “Chúng ta cũng chứng kiến một sự thật khác là có những nhà văn rất trẻ nhưng bây giờ lại viết theo lối ngày xưa của chúng tôi, rất là cũ. Và như thế là thất bại. Những người viết theo lớp cha anh, tư duy theo phương pháp của cha anh là thất bại. Cho nên lợi thế của lớp trẻ bây giờ là tiếp cận nhanh với đời sống xã hội mới, hiện thực mới nhưng cũng là thách thức: nếu họ không mới ngay trong sáng tạo thì họ sẽ lạc hậu”.

Nhà văn Khuất Quang Thụy cũng cho rằng không ít nhà văn trẻ của thế hệ sau còn lạc hậu với đời sống đang diễn biến phức tạp, chưa tìm thấy nhân vật chính của thời đại, đồng thời chưa xây dựng được những giá trị cho riêng mình: “Thử thách trong thời kì đổi mới rất lớn và khắc nghiệt. Chúng ta chưa có những nhân vật tiêu biểu, những hình tượng trung tâm. Cho nên nói văn học góp phần xây dựng con người chính là việc khám phá những phẩm chất, những đặc trưng của con người thời kì này”.

Còn PGS.TS Hồ Thế Hà, Khoa Ngữ Văn, Đại học Khoa học Huế cho rằng: “Văn học giai đoạn nào cũng có những hạn chế. Chúng ta có hiện tượng trong sáng tác, có người độc hành, đi riêng, có người theo hướng này hướng kia. Chúng ta chưa tạo ra được những phong cách đa dạng và được công chúng hoan nghênh, ủng hộ”.

Đổi mới luôn là vấn đề tự thân của mỗi nhà văn. PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp (Viện Văn học Việt Nam) cho rằng: Văn học Việt Nam từ 1986 trở lại đây chịu ảnh hưởng bởi những tư tưởng nghệ thuật hiện đại trên thế giới cộng với tính hiện đại trong nội sinh văn hóa dân tộc, làm nên sự tương tác để tạo ra không gian đổi mới.

Do vậy, nhà văn phải luôn có ý thức đổi mới, coi đó là lẽ sống của mình, mới tạo ra những thành tựu vượt bậc: “Bởi vì nếu không đổi mới thì anh ta sẽ không thể tạo ra những tác phẩm xuất sắc. Mà không tạo ra được tác phẩm xuất sắc, tác phẩm hấp dẫn người đọc thì tự khắc nghệ thuật đã chết. Cho nên tôi nghĩ rằng, đổi mới không chỉ xuất hiện trước 1986 mà thật ra trong văn học xuất hiện từ trước đó. Nó đẩy lên cao trào ở năm 1986 và bây giờ nó vẫn tiếp tục. Chỉ có điều trong giai đoạn hội nhập toàn cầu này thì nó đi vào chiều sâu hơn. Những nhà văn cũng bắt đầu phải lắng lại để có những bước đi mới. Vấn đề là chúng ta phải tạo ra lộ trình cho sự đổi mới được tiếp tục ở mức độ sâu rộng hơn, chắc chắn hơn, mạnh mẽ hơn”.

Có thể nói văn học Việt Nam hiện đại đã trải qua 3 mùa vàng bội thu: mùa vàng văn học 1930-1945 với sự xuất hiện của phong trào Thơ Mới; mùa vàng văn học cách mạng 1945-1975 nêu cao tinh thần yêu nước, ý chí chiến đấu bảo vệ sự độc lập và thống nhất Tổ quốc. Còn giai đoạn đổi mới từ 1986 đến nay, với tinh thần "đổi mới tư duy", nền văn học Việt Nam đã có sự thay đổi từ nội dung xã hội đến tiếng nói nghệ thuật. Khi sự giao lưu và hội nhập đang đặt ra nhiều cơ hội cũng như thách thức thì những hạn chế tất yếu sẽ được mỗi người cầm bút nhận ra và nỗ lực khắc phục, tự vượt lên chính mình để thỏa sức sáng tạo trong một môi trường dân chủ, giao lưu rộng rãi với văn học thế giới./.

Ngọc Ngà - Phương Thúy/VOV-Trung tâm Tin

Chia sẻ bài viết