Phát triển văn học - Xây dựng văn hóa con người
Đầu năm 2024, Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) Việt Nam tổ chức Lễ trao Giải thưởng VHNT năm 2023. Tập tản văn Làm rể miền Tây của nhà văn Nguyễn Hội (Chi hội Văn học tỉnh) xuất sắc đoạt giải A.
Nhà văn Nguyễn Hội (thứ 2, phải qua) nhận giải A Giải thưởng Văn học Nghệ thuật năm 2023 (ảnh: Nhân vật cung cấp)
Một góc miền phên giậu Tây Nam hiện lên qua ngòi bút nhà văn “quân hàm xanh” dung dị và lắm chân tình. Tập tản văn là tiếng lòng, tình yêu của chàng trai miền Đồng bằng sông Hồng dành cho quê hương thứ 2 của mình, vốn đã chinh phục trái tim của nhiều bạn đọc từ những ngày đầu xuất bản.
Nhà văn Nguyễn Hội chia sẻ: “Nhà văn Nam Cao từng nói, người cầm bút phải luôn sáng tạo, tìm tòi cái mới, viết cái gì người ta chưa viết. Tôi cũng vậy, luôn cố gắng tìm tòi, học hỏi, quan sát và đào sâu suy nghĩ viết về những điều mới, những giá trị tốt đẹp, bình dị trong cuộc sống”.
VHNT được xem là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người và là một trong những động lực to lớn góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam. Sau 30 mùa giải, đây là lần đầu Long An có tác phẩm thuộc lĩnh vực văn học đoạt giải A Giải thưởng VHNT.
Theo đánh giá của Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT tỉnh - Nguyễn Tấn Quốc, việc đẩy mạnh phát triển lĩnh vực văn học chính là từng bước xây dựng con người, giáo dục thẩm mỹ, truyền thống yêu quê hương, đất nước, góp phần giữ gìn và phát huy giá trị, bản sắc văn hóa địa phương theo tinh thần Nghị quyết số 51-NQ/TU về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Long An đến năm 2030 và những năm tiếp theo.
Với phương châm đó, Cuộc vận động sáng tác Văn học thiếu nhi năm 2023 chủ đề “Cuộc sống muôn màu” được Hội Liên hiệp VHNT tỉnh tổ chức nhằm xây dựng nhân cách thiếu nhi, đề cao các giá trị chân, thiện, mỹ trong đời sống trẻ thơ và nâng cao văn hóa đọc. “Qua cuộc vận động, chúng tôi mong muốn khơi gợi sức sáng tạo, khát vọng, hoài bão trong học sinh; góp phần khích lệ, khơi dậy đam mê sáng tác văn chương trong các em nhằm phát hiện những cây bút có năng khiếu sáng tác để đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ kế thừa trên lĩnh vực văn học tỉnh nhà” - ông Nguyễn Tấn Quốc khẳng định.
Giữ gìn, phát huy nghệ thuật truyền thống
Năm 2023, tỉnh có thêm 1 nghệ sĩ nhân dân và 3 nghệ sĩ ưu tú
Năm 2023, tỉnh không chỉ có giải A Giải thưởng VHNT toàn quốc, ở các lĩnh vực khác cũng đạt nhiều thành tích, đặc biệt là cải lương và đờn ca tài tử.
Lần đầu tiên, Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An có nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân (NSND). Hồ Ngọc Trinh cũng là nghệ sĩ trẻ tuổi nhất trong tỉnh được phong tặng danh hiệu NSND.
Được đào tạo và trưởng thành từ Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An, đến nay, NSND Hồ Ngọc Trinh vẫn tiếp tục gắn bó cùng đoàn với vai trò Phó Trưởng đoàn. Ngoài việc hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, phục vụ người dân, Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An còn tham gia nhiều hội thi cấp khu vực và toàn quốc, giành nhiều huy chương vàng, huy chương bạc cá nhân và vở diễn.
Long An cũng là tỉnh duy nhất khu vực miền Tây có Đoàn Nghệ thuật Cải lương hoạt động độc lập và có nhiều thành tích. Thông qua đó, nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc được vun bồi và xây dựng. Các tác phẩm được dàn dựng mới tại Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An đều khơi dậy lòng tự hào dân tộc, ca ngợi chủ nghĩa anh hùng, danh nhân của tỉnh nhà góp phần xây dựng lòng yêu nước, nghĩa tình gắn với truyền thống lịch sử của tỉnh, quan điểm được nêu trong Nghị quyết số 51-NQ/TU, ngày 04/01/2023 của Đảng bộ tỉnh.
Cuộc thi sáng tác lời mới bài ca tài tử Nam bộ lần thứ I góp phần đưa nghệ thuật đờn ca tài tử hòa nhập vào cuộc sống mới (ảnh: Tôn Thất Hùng)
Năm 2023 cũng là lần đầu tiên Hội Liên hiệp VHNT tỉnh tổ chức Cuộc thi sáng tác lời mới bài ca tài tử Nam bộ lần thứ I dành cho các tác giả chuyên và không chuyên đang sống và làm việc trong tỉnh. Cuộc thi trở thành sân chơi lành mạnh cho đội ngũ tác giả, góp phần bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, hưởng thụ đời sống văn hóa, tinh thần của người dân.
Với sự thành công của các cuộc thi được tổ chức trong năm 2023, Hội Liên hiệp VHNT tỉnh dự kiến mở rộng quy mô và tổ chức định kỳ các cuộc thi nhằm duy trì phong trào và góp phần thực hiện hiệu quả nghị quyết của Đảng bộ tỉnh.
Theo ông Nguyễn Tấn Quốc, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với văn hóa trong giai đoạn hiện nay chính là động lực to lớn cho giới văn nghệ sĩ cả nước nói chung và tỉnh Long An nói riêng.
Sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ 3, giới văn nghệ sĩ như được khơi dậy nguồn cảm hứng, động lực và đam mê. Vấn đề về văn hóa nhận được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị chính là động lực to lớn để văn nghệ sĩ tiếp tục đóng góp công sức cho sự phát triển lĩnh vực văn hóa của tỉnh nhà./.
Năm 2023, các thành viên Hội Kiến trúc sư tỉnh có nhiều sáng tác, thiết kế, quy hoạch xây dựng, đồ án đạt yêu cầu thẩm mỹ, công năng và hiệu quả kinh tế. Nhiều kiến trúc sư có các tác phẩm đoạt giải cấp tỉnh và Trung ương như kiến trúc sư Huỳnh Phúc Long, kiến trúc sư Nguyễn Lâm Vũ. Kiến trúc sư Lê Đình Cường được giao thiết kế quy hoạch Nhà Lưu niệm đồng chí Võ Văn Tần và đồng chí Võ Văn Ngân (huyện Đức Hòa).
Đặc biệt, kiến trúc sư Huỳnh Phúc Long được tuyên dương là trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu tỉnh Long An lần thứ 2,... Năm nay, nếu được các cơ quan quản lý chuyên ngành và UBND tỉnh giao khảo sát tổng hợp lập danh sách các công trình kiến trúc có giá trị trong tỉnh (làm cơ sở lập Quy chế quản lý kiến trúc); lập (hoặc tham gia thẩm định) Quy chế quản lý kiến trúc các đô thị trong tỉnh trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định phê duyệt thì các kiến trúc sư, hội viên sẽ có cơ hội phát huy năng lực chuyên môn, kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình làm việc, hoạt động tại địa phương.
Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh - Lưu Đình Khẩn
Là giáo viên, tôi luôn kỳ vọng việc dạy và học sẽ ngày càng tốt hơn, chất lượng giáo dục được nâng cao từng ngày. Trong đó, giáo viên cần mạnh dạn, tự tin chiếm lĩnh tri thức và nâng cao phương pháp giảng dạy đáp ứng với chương trình. Học sinh cần chủ động tiếp thu kiến thức, hoàn thiện phẩm chất, đạo đức và nâng cao kỹ năng sống, trải nghiệm và định hướng đúng nghề nghiệp cho bản thân để có thể hướng tới con người chân, thiện, mĩ và năng động, phù hợp với thời đại mới.
Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hùng Vương - Đỗ Thành Hưng
Văn nghệ dân gian là lĩnh vực khá đặc thù, không có hoạt động bề nổi mà chủ yếu làm công tác nghiên cứu, tiếp cận tài liệu, thực tiễn để có những bìa nghiên cứu, đề xuất về việc giữ gìn các giá trị phi vật thể có giá trị. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, tỉnh chưa có chính sách gì cụ thể về việc chăm lo cho những người hoạt động trong lĩnh vực văn nghệ dân gian, ví dụ như nghệ nhân dân gian, họ là những người lưu giữ giá trị văn hóa trong người họ, cần được quan tâm, đãi ngộ để họ có thêm động lực giữ gìn, truyền dạy và phát huy các giá trị đó. Tôi được biết một số tỉnh, thành phố phía Bắc có chế độ đãi ngộ hàng tháng cho nghệ nhân dân gian. Tôi nghĩ, tỉnh ta cũng cần có chính sách đãi ngộ, thể hiện sự quan tâm đối với những người làm văn hóa, văn nghệ dân gian.
Nhà nghiên cứu Văn nghệ dân gian - Võ Trường Kỳ
Trong năm 2024, tôi sẽ biên tập các truyện ngắn để in thành tập, cố gắng hoàn thành quyển tiểu thuyết đầu tay về những khát vọng, tin yêu của cuộc sống đời thường. Điều tôi mong mỏi nhất trong năm mới chính là cấp trên có nguồn kinh phí đầu tư sáng tác và xuất bản sách cho các hội viên, tác giả có tác phẩm đã hoàn chỉnh bản thảo. Đó sẽ là động lực to lớn, thúc đẩy quá trình sáng tác của văn nghệ sĩ tỉnh nhà.
Nhà văn Tuyết Mai
|
Mộc Châu