Tiếng Việt | English

01/12/2020 - 19:37

Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm vượt qua “cú shock” COVID-19

Năm 2020 đang khép lại cùng với những thách thức không ngừng gia tăng với những quốc gia trên thế giới trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19.

Sau hai phiên họp được các thành viên ASEAN - OECD đánh giá là thiết thực và hữu ích, chiều 1/12, Văn phòng Chính phủ phối hợp với Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Đại sứ quán Anh tại Việt Nam tổ chức Phiên họp trực tuyến lần thứ 3 của Hội nghị trực tuyến Mạng lưới Thực hành quy định tốt ASEAN-OECD lần thứ 6.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng.

Phiên họp thứ 3 với chủ đề “Cải cách hệ thống quy định để chuẩn bị cho các cuộc khủng hoảng trong tương lai”, là phiên họp cuối trong Chương trình nghị sự do Việt Nam thực hiện với tư cách là nước chủ nhà ASEAN năm 2020. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định, phiên họp trực tuyến lần thứ 3 này là dịp các đại biểu chia sẻ và thảo luận về định hướng cải cách để chuẩn bị tốt hơn cho các cuộc khủng hoảng tương lai. Đây là một chủ đề quan trọng cả trong ngắn hạn và dài hạn.

“Tôi kỳ vọng được lắng nghe nhiều kinh nghiệm hay và sáng kiến tốt để các thành viên trong Mạng lưới Thực hành Quy định tốt vừa xây dựng được các chính sách tốt, vừa hợp tác chặt chẽ hơn để cùng nhau nâng cao khả năng chống chịu khủng hoảng của từng nước OECD và ASEAN”, ông Mai Tiến Dũng nói.

Kể từ thời điểm bùng phát, dịch COVID-19 đã gây ra một cú shock lớn làm kinh tế thế giới và thương mại toàn cầu suy thoái nghiêm trọng. Việt Nam cũng không nằm ngoài vòng tác động tiêu cực này. Hơn nữa, Việt Nam trong tháng 10 và 11/2020 đã chịu ảnh hưởng nặng nề của bão lũ tại khu vực các tỉnh miền Trung. Tuy nhiên, Việt Nam trong gần một năm qua tiếp tục duy trì ổn định và phát triển phục hồi kinh tế xã hội.

Chia sẻ về cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 của Việt Nam, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, sau khi các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng, cùng tác động tích cực của các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân của Chính phủ Việt Nam, các lĩnh vực kinh tế-xã hội đang bước vào trạng thái hoạt động trong điều kiện “bình thường mới”, với nhiều ngành sản xuất, kinh doanh có sự khởi sắc. Trong đó, nổi bật là sản xuất công nghiệp và xuất nhập khẩu có nhiều tín hiệu tích cực, với nhiều thặng dư thương mại cao, dòng vốn FID tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam trong 11 tháng qua.

“Có được điều này là nhờ sự chỉ đạo, điều hành kịp thời và quyết liệt của Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương cũng như cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước. Với sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè trên thế giới, Việt Nam quyết tâm thực hiện mục tiêu kép, vừa quyết liệt phòng chống dịch với tinh thần “chống dịch như chống giặc” vừa tập trung phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm đời sống của nhân dân”, ông Mai Tiến Dũng khẳng định.

Việt Nam luôn nhận thức sâu sắc rằng, thế giới hiện nay đang phải đối phó với những vấn đề toàn cầu mà không một nước nào dù là cường quốc giàu mạnh có thể tự giải quyết được. Với việc Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN, Chủ tịch AIPA năm 2020 và Uỷ viên không thường trực HĐBA Liên Hợp Quốc giai đoạn 2020-2021, Việt Nam cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ với các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực để cùng nhau giải quyết những thách thức chung, như việc phối hợp ứng phó dịch COVID-19.

Phiên họp trực tuyến lần thứ 3 của Hội nghị trực tuyến Mạng lưới Thực hành quy định tốt ASEAN-OECD lần thứ 6.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam Marcus Winsley đánh giá ASEAN là khu vực có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh trên thế giới và là khu vực thành công trong ứng phó đại dịch toàn cầu. Đồng thời, chúc mừng Chính phủ Việt Nam với một năm thành công trong ứng phó dịch COVID-19.

“Việt Nam đã vượt qua nhiều thách thức để ứng phó với dịch bệnh và thiên tai, bão lụt tại miền Trung vừa qua. Việt Nam cũng đã thể hiện vai trò tích cực, hợp tác chặt chẽ với các quốc gia trong khu vực và thế giới, đóng vai trò tích cực trong ASEAN. Phiên họp trực tuyến lần thứ 3 này thể hiện cam kết của Việt Nam để hướng tới cải cách quy định và tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi. Phiên họp cũng là thời điểm tốt để xem xét lại những điểm đã làm tốt, hiệu quả, đưa ra, chuẩn bị các giải pháp để sẵn sàng ứng phó với với bất kỳ cuộc khủng hoảng nào trong tương lai”, ông Marcus Winsley nói./.

Theo VOV.VN

Chia sẻ bài viết