Tiếng Việt | English

24/06/2022 - 10:04

Việt Nam muốn đóng góp thực chất vào nỗ lực nhân đạo của Liên hợp quốc

Đại sứ Đặng Hoàng Giang nêu rõ các quốc gia có vai trò và trách nhiệm quan trọng nhất, theo đó cần giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của xung đột và khủng hoảng nhân đạo một cách toàn diện.


Đại sứ Đặng Hoàng Giang. (Ảnh: Khắc Hiếu/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, phiên họp 3 ngày về các vấn đề nhân đạo do Hội đồng Kinh tế-Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC) tổ chức đã khép lại ngày 23/6 với cam kết của các nước sẽ tiếp tục tăng cường nỗ lực nhân đạo trên toàn cầu.

Tại đây, Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của các nỗ lực nhân đạo quốc tế và luôn mong muốn đóng góp thực chất vào các hoạt động này.

Khai mạc phiên họp với chủ đề “Tăng cường hỗ trợ nhân đạo: thực tiễn tốt và hành động thực hiện luật nhân đạo quốc tế, phục hồi sau đại dịch COVID-19 và ứng phó với khủng hoảng về khí hậu,” Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho rằng thế giới đang phải đối mặt với đại khủng hoảng với các cuộc xung đột, biến đổi khí hậu, nạn đói và giá cả tăng cao.

Trong bối cảnh đó, các cơ quan nhân đạo của Liên hợp quốc và các đối tác vẫn đang nỗ lực triển khai các hoạt động để hỗ trợ người dân.

Để đối phó với các thách thức trước mắt, Tổng Thư ký Liên hợp quốcnhấn mạnh cần xây dựng một hệ thống nhân đạo linh hoạt, đủ nguồn lực và mạnh mẽ để có thể tiếp cận và bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất.

Chủ tịch ECOSOC Colin Vixen Kelapile nhấn mạnh phụ nữ và trẻ em gái bị ảnh hưởng nặng nề hơn trong khủng hoảng nhân đạo, như bị bạo lực trên cơ sở giới, hạn chế tiếp cận với giáo dục và cơ hội phát triển.

Chủ tịch ECOSOC kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ nhân đạo và đoàn kết với những người bị ảnh hưởng trong khủng hoảng nhân đạo, cùng rút ra các bài học, đổi mới sáng tạo để tối đa hóa hiệu quả các hoạt động hỗ trợ nhân đạo.

Các nước nhất trí, chia sẻ các thách thức nhân đạo lớn mà thế giới đang phải đối mặt. Về biện pháp giải quyết, các nước nhấn mạnh cần đảm bảo tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là luật nhân đạo quốc tế, bảo đảm và tăng cường tài chính, thực hiện các cam kết về biến đổi khí hậu, ứng phó với đại dịch COVID-19, tăng cường sự phối kết hợp giữa các cơ quan Liên hợp quốc để kịp thời hỗ trợ người dân ở các khu vực đang đối mặt với khủng hoảng.

Phát biểu tại phiên họp, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, nhấn mạnh tầm quan trọng của hoạt động hỗ trợ nhân đạo và vai trò của các cơ quan Liên hợp quốc trong lĩnh vực này.

Ở cấp độ toàn cầu, Việt Nam đã ủng hộ 500.000 USD trong năm 2022 cho các Quỹ nhân đạo của Liên hợp quốc và 1 triệu USD cho cơ chế COVAX.

Trong khu vực, Việt Nam cũng đang cùng các nước thành viên ASEAN thông qua Trung tâm điều phối ASEAN về Hỗ trợ nhân đạo và quản lý thảm họa (AHA) và các cơ quan Liên hợp quốc hỗ trợ nhân đạo cho người dân Myanmar.

Đại sứ Đặng Hoàng Giang khẳng định hòa bình và ổn định là điều kiện tiên quyết để đảm bảo tiếp cận nhân đạo an toàn và không bị gián đoạn cho những người cần hỗ trợ.

Các hoạt động nhân đạo cần dựa trên nguyên tắc trung lập, không thiên vị và độc lập, đề cao Hiến chương Liên hợp quốc và luật nhân đạo quốc tế, phù hợp với điều kiện, nhu cầu và hoàn cảnh của từng nước.

Về trách nhiệm của quốc gia, Đại sứ Việt Nam cho rằng các quốc gia có vai trò và trách nhiệm quan trọng nhất, theo đó cần giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của xung đột và khủng hoảng nhân đạo một cách toàn diện.

Bên cạnh đó, các quốc gia cũng cần tăng cường năng lực ngăn ngừa dịch bệnh, giảm thiểu rủi ro về khí hậu và môi trường, tăng cường hệ thống cảnh báo sớm và khả năng sẵn sàng ứng phó, tăng cường tài chính cho thích ứng và khả năng chống chịu.

Đại sứ cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường điều phối, xây dựng lòng tin giữa các cơ quan Liên hợp quốc với các Chính phủ và các bên liên quan trong hành động, tài chính và chia sẻ dữ liệu để kịp thời ứng phó với các thách thức nhân đạo toàn cầu đang nổi lên.

Đại sứ gửi lời chia buồn sâu sắc đến những người dân Afghanistan chịu ảnh hưởng của trận động đất mạnh tại tỉnh Paktika ngày 22/6 vừa qua./.

Hải Vân- Quang Huy (TTXVN/Vietnam+)

Chia sẻ bài viết