Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu
Giữa tháng 4-2015, tôi và nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu cùng nhau ngồi trong Hội đồng bình luận lớn tuổi của chương trình Giai điệu tự hào. Khi ông đến, tôi đã lấy suất ăn trưa để ông dùng. Ăn xong, ông nói vui với tôi: "Ăn được bữa nào ở đời là lãi bữa ấy". Ông đã rất lãi với bao bữa ăn thường khi thọ ở tuổi 91, sau lúc tạ thế vào hồi 10 giờ 15 phút ngày 29-6-2015.
Tôi cũng mạnh dạn mạo muội tự hỏi nhạc sĩ, nếu khi ông "hai cái năm mươi", tôi sẽ lấy đầu đề như thế nào để tiễn ông về cõi xa xăm. Ông cười và thân mật bảo: "Hãy vĩnh biệt mình như nhạc sĩ của tình yêu". Vậy nên, khi hôm nay, ông đã từ trần, tôi xin được tiễn ông bằng một bài viết với đầu đề như ý nguyện của ông.
Tôi cũng không hiểu hết vì sao nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã dành nhiều tình cảm yêu quý và thân thiết cho tôi. Có lẽ vì tôi đã từng dấn thân ở Khu Năm như ông nhiều năm trước. Có lẽ vì tôi đã hiểu ông từ khi ông viết Trầu cau thời tiền chiến. Có lẽ vì tôi hiểu khi ông đưa ý thức cách mạng dâng hiến và hy sinh như một người tự do vào hành khúc Đoàn giải phóng quân (sau đổi là Đoàn vệ quốc quân) cuối năm 1945. Hành khúc đã được ấn hành tại Huế và ông đã có một số tiền nhuận bút để mua được cây ghi-ta của Bảo Đại.
Ông sinh năm 1924 tại Đà Nẵng, gốc Điện Bàn, Quảng Nam. Ông cứ thế hồn nhiên nhập vào cách mạng như chính tâm hồn ông cần thay đổi từ một người nô lệ dưới chế độ thuộc địa thực dân sang một người tự do. Vì thế, lúc trường kỳ kháng chiến ở Khu Năm, ông đã viết Mùa đông binh sĩ, Tuyên truyền xung phong.
Sau hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, ông tập kết ra Hà Nội và trở thành Ủy viên Ban thường vụ, là một trong những người sáng lập ra Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Ông thật đáng yêu khi viết về một lưu thông bưu điện hồi ấy qua ca khúc Tình trong lá thiếp, rồi lại hồ hởi ủng hộ những tình yêu qua Thật là khó nói và cũng không quên quá khứ qua hợp xướng Liên khu Năm yêu dấu.
Ở Hà Nội, Phan Huỳnh Điểu bắt đầu một thời kỳ sáng tác mới của mình qua những ca khúc trẻ thơ như Nhớ ơn Bác Hồ, Đội kèn tý hon, Những em bé ngoan...nhưng lại bước tới đỉnh cao nghệ thuật ca khúc Việt Nam với sáng tác Những ánh sao đêm. Sau những đóng góp đó, Phan Huỳnh Điểu tạo ra thời "tứ thập nhi bất hoặc" của mình bằng việc dấn thân bí mật vào Khu Năm trong dịp Giáng sinh năm 1964.
Ở chiến trường với bí danh Huy Quang, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã có một hành khúc chiến trường chống Mỹ, cứu nước Ra tiền tuyến. Hành khúc đã giúp cho Khu Năm bừng tỉnh, "nắm thắt lưng địch mà đánh" như nhận định chiến lược của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.
Sau khi dấn thân vào chiến trường Khu Năm, Phan Huỳnh Điểu mang hơi thở hầm hập của chiến sự về với Hà Nội để rồi những ca khúc nổi tiếng phổ thơ của các tác giả lần lượt ra đời: Cuộc đời vẫn đẹp sao, Bóng cây Kơ-nia, Hành khúc ngày và đêm, Ở hai đầu nỗi nhớ.
Thống nhất đất nước năm 1975, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu vào sống và làm việc tại TP.HCM. Lại thêm một thời kỳ sáng tạo những ca khúc trữ tình của ông. Nếu phải kể đến những đóng góp của ông thời kỳ này, không ai có thể quên những ca khúc được ông phổ từ các tác phẩm thơ ca được nhiều người yêu thích: Anh ở đầu sông em cuối sông, Sợi nhớ sợi thương, Đêm nay anh ở đâu,rồi đến: Thuyền và Biển, Thư tình cuối mùa thu.Phan Huỳnh Điểu là một nhạc sĩ sáng tạo đến tận cùng. Dù tuổi cao, ông vẫn bươn chải khi thì Điện Biên, lúc thì Hải Dương. Ông cũng chăm sóc thế hệ thơ trẻ qua việc phổ thơ của Trương Nam Chi.
Một cơn sốt nhỏ. Một huyết áp thấp đã phải đưa nhạc sĩ 91 tuổi đến Bệnh viện Thống Nhất (TP Hồ Chí Minh). Nơi đây, ông đã thanh thản giã từ thế giới như chim vàng bay về ngã núi. Người học trò nhỏ xin cảm ơn sự dạy dỗ của ông qua năm tháng và cầu mong ông mãi yên nghỉ ở cõi xa xăm.
Sau hơn 2 ngày nhập viện, sáng 29-6, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu rơi vào hôn mê sâu và trút hơi thở cuối cùng lúc 10 giờ 15 phút tại Bệnh viện Thống Nhất, TP.HCM, hưởng thọ 91 tuổi.
Ông sinh năm 1924, tại Đà Nẵng, bắt đầu hoạt động âm nhạc từ năm 1940. Ông đã được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật cho những đóng góp vì sự phát triển âm nhạc Việt Nam.
Lễ viếng nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu sẽ bắt đầu từ trưa 30-6 tại Nhà tang lễ TP.HCM (số 25 Lê Quý Đôn, phường 7, quận 3).
Lễ động quan diễn ra lúc 5 giờ sáng 3-7. Theo di nguyện của nhạc sĩ, linh cữu ông sẽ được hỏa táng tại Nghĩa trang Phúc An Viên (quận 9, TP.HCM) và tro cốt được mang về rải ở sông Hàn, quê hương của nhạc sĩ./.
Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha/Nhân dân điện tử