Tiếng Việt | English

05/09/2015 - 06:14

Vở “Nghĩa sĩ Cần Giuộc” phục vụ khán giả cả nước

Lúc 20 giờ tối 29-8-2015, chương trình “Hòa điệu Đất Chín Rồng” của Đài VTV Cần Thơ 1 phối hợp Đoàn cải lương Long An trực tiếp truyền hình vở Nghĩa sĩ Cần Giuộc (TG: Nguyễn Minh Tuấn – Đăng Minh, ĐD: NSƯT Hữu Lộc, cố vấn nghệ thuật: NSƯT Hữu Lộc và soạn giả Hoàng Song Việt), phục vụ khán giả toàn phía Nam. Đây là vở diễn Đoàn cải lương Long An tham dự Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 2009 được đánh giá cao, có 6 cá nhân đoạt Huy chương: 2 Huy chương Vàng và 4 Huy chương Bạc.

Nội dung vở diễn ca ngợi tinh thần yêu nước chống thực dân Pháp của nghĩa quân và nhân dân Cần Giuộc – Long An vào giai đoạn thực dân Pháp chiếm thành Gia Định, Nguyễn Đình Chiểu về quê cùng vợ tại làng Thanh Ba, Cần Giuộc – Long An, ông đã chứng kiến tội ác dã man của giặc và cuộc chiến đấu vô cùng anh dũng của nghĩa quân ở các vùng xung quanh và chính tại nơi ông cư ngụ.

Vở diễn đã tô đậm tinh thần yêu nước của nhân dân ta chống thực dân nói chung, Cần Giuộc – Long An nói riêng, đồng thời nêu bật sĩ khí của nhà thơ dân tộc Nguyễn Đình Chiểu. Mặc dù có lúc, cụ Đồ bị giặc bắt, dụ dỗ cụ đừng tham gia phong trào chống Pháp, nhưng cụ khẳng khái cự tuyệt…

Vở diễn tái hiện sĩ khí hào hùng của dân tộc, cụ thể là vùng Cần Giuộc - Long An.

Về nghệ thuật dàn dựng, đạo diễn kết hợp cấu trúc kịch bản cùng thủ pháp miêu tả hiện thực (tả thật) các sự kiện kịch; thủ pháp tả ý trong xây dựng hình tượng vở diễn và nhân vật; tạo nên một tác phẩm sân khấu hài hòa, súc tích, gọn đẹp và dễ cảm nhận,…

Đoàn cải lương Long An với các diễn viên ca diễn đồng đều, miêu tả tâm lý, tính cách và trạng thái nhân vật từng lúc từng nơi để bộc lộ sĩ khí rõ nét của nghĩa dân Cần Giuộc.

Nghệ sĩ (NS) Vương Tuấn vào vai cụ Đồ Chiểu chững chạc, ca diễn trầm tĩnh, phong thái giản dị, hiền lành với nghĩa quân, nhưng khi đối diện với kẻ thù thì khẩu khí đầy khí phách của một sĩ phu “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/ Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”.

NS Hồ Ngọc Trinh vào vai bà Lê Thị Điền (vợ Nguyễn Đình Chiểu) dường như rất vừa vặn với tài năng ca diễn của cô, lời thoại khúc chiết, dõng dạc, nội tâm chứa hàm ý, có lúc từ tốn của một bà Điền với bà con, lúc thì cứng cỏi với giặc; giọng ca ngọt ngào đầy tâm trạng, cùng với lối diễn đằm thắm, biểu đạt tinh tế lúc chia sẻ tâm sự với chồng, diễn đạt tư chất của một phụ nữ chịu thương chịu khó, đồng cảm với ý chí của chồng.

NS Nguyên Tâm vào vai hoạt động nội tuyến (Lê Khải), NS Mai Thắm vai Nhung (người yêu của Khải), cả 2 có tâm lý nhân vật khá phức tạp, Nhung hiểu lầm Khải làm tay sai cho giặc, Khải thì không thể giải thích cho Nhung khi anh còn bí mật hoạt động trong lòng địch,… Anh, chị đã thể hiện bản lĩnh ca diễn của mình tô đậm bản chất thật của nhân vật để kết kịch cho khán giả hài lòng.

NSƯT Đoàn Dự, tuy đã nghỉ hưu rời đoàn mấy năm, nay anh trở lại vai Ông Tư ca diễn điềm đạm, bộc lộ rõ tính cách của một lão nông Nam bộ, thể hiện tài nghệ vẫn còn đầy phong độ của một NS “lão làng” của Đoàn cải lương Long An.

Hai diễn viên trẻ: Trần Minh (vai Nguyễn Đình Huân) và Hoàng Oanh (vai Xuyến) là loại vai đào kép ba, nhưng cả 2 ca diễn tròn vai và cho thấy nhiều triển vọng; tuy tâm lý nhân vật Xuyến có phần phức tạp hơn, nhất là trong tình huống “mỹ nhân kế” để trộm chìa khóa tên quan Pháp trưởng đồn Cần Giuộc, mở ngục giải thoát cho Lê Khải…

NS Vương Sang vốn là kép mùi, lần đầu vào vai Cai tổng Tý (hài), anh đã làm hài lòng người xem, cả khán phòng hôm ấy cười theo những pha diễn của anh./.

Đỗ Dũng

Chia sẻ bài viết