Ngồi lặng lẽ ở một góc Sân vận động Long An vào mỗi buổi chiều bên cạnh chiếc bàn con và mấy chục chiếc bánh chưng, bánh giò, bà Nguyễn Thị Vẻ (59 tuổi), quê Thái Bình, để lại ấn tượng với chúng tôi bởi giọng nói nhỏ nhẹ, hiền lành. Bà cho biết: “Tôi bán bánh giò, bánh chưng ở đây được 21 năm. Bán hàng rong có biết bao nỗi buồn, niềm vui. Để đổi lấy chén cơm, manh áo, những người bán hàng rong như chúng tôi cũng đổ biết bao mồ hôi, công sức”. Những gánh hàng rong lấn chiếm vỉa hè dần bị dẹp bỏ, những đồng tiền ít ỏi họ kiếm được từ cuộc mưu sinh cũng không kém phần cay đắng.
Mâm bánh chưng của bà Nguyễn Thị Vẻ giúp các con được học tập đến nơi, đến chốn
Có lần, lực lượng phường kiểm tra, thu giữ chiếc bàn inox của bà, bà lên phường năn nỉ mãi không được. Vậy là từ đó, bà chuyển sang bày bán trên chiếc bàn nhựa nhỏ hơn, để... dễ thu xếp khi có người kiểm tra. Người mẹ ấy với chiếc bàn nhỏ đơn sơ gánh cả nỗi lo cơm áo gạo tiền với bao ước mơ cho 2 người con gái, một người đến giảng đường đại học và cô con gái còn lại đang học lớp 9. Ngày nào, bà cũng bán, tuy lời lãi không nhiều nhưng cũng đủ nuôi sống gia đình. Bà cho biết, vừa được địa phương xem xét xây tặng nhà đại đoàn kết, giờ khỏi phải lo chỗ ở. Chia tay tôi, bà nói: “Vì nghèo nên phải mưu sinh, chứ buồn nhiều hơn vui!”.
Nếu không hỏi tuổi trước, chắc hẳn không ai có thể tin, người phụ nữ phốp pháp nhưng nụ cười tươi rói ấy đã vào tuổi 80. Bà là Nguyễn Thị Thu (SN 1938), quê gốc Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Bà bán gánh chuối nếp nướng ở góc gần ngã tư đường Hùng Vương - Mai Thị Tốt, phường 2 gần 10 năm nay. Nhanh tay trở mấy chiếc bánh nướng vừa vàng ươm, bà hồ hởi: “Đây là nghề truyền thống từ thời bà ngoại tôi, mẹ tôi rồi truyền lại cho tôi đến bây giờ. Hồi mới 18 tuổi, tôi theo cách mạng làm giao liên và chọn nghề này như một cách ngụy trang để che mắt địch. Ba, anh trai và em trai tôi là liệt sĩ, mẹ là Mẹ Việt Nam Anh hùng. Sau ngày giải phóng, tôi vào làm việc ở Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bến Tre cho đến ngày nghỉ hưu. Năm 2009, con gái tôi lấy chồng ở huyện Thủ Thừa và sinh cháu ngoại, tôi lên giữ cháu giúp con rồi sau đó quay trở lại nghề bán chuối nướng này. Một phần vì muốn giữ nghề truyền thống của gia đình từ mấy đời, phần nữa, tôi cũng muốn làm kiếm tiền tự nuôi sống mình, không phải làm phiền đến các con”.
Bà Nguyễn Thị Thu bán chuối nếp nướng vì muốn giữ nghề truyền thống và có thêm thu nhập
Vậy là hàng ngày, cứ vào khoảng 15 giờ đến 21 giờ, có cặp vợ chồng già với đôi quang gánh và chiếc xe Honda cà tàng, chọn góc nhỏ ở ngã tư này làm chốn mưu sinh. Chồng bà Thu cũng lớn tuổi, phụ giúp bà giao hàng cho khách khi bà bận nướng bánh. Những lúc rảnh rỗi, vắng khách, ông kiêm luôn nghề chạy xe Honda ôm đưa đón khách khi ai đó có nhu cầu. Hỏi về những niềm vui, nỗi buồn sau đôi quang gánh, bà Thu chia sẻ: “Cũng có vui, có buồn. Vui vì thấy mình còn làm ra tiền, còn có ích cho gia đình và mấy chú công an phường luôn thương, thông cảm cho vợ chồng tôi. Mỗi khi có chiến dịch dọn dẹp lòng, lề đường, các chú ấy chỉ nói nhỏ nhẹ là buôn bán gọn gàng lại. Còn buồn vì thỉnh thoảng có mấy đứa đáng tuổi con, cháu mình nhưng chúng quăng tiền ra rồi lên giọng, vặn vẹo đủ thứ, tuy nhiên, thành phần ấy cũng không nhiều”. Bánh chuối nướng của bà Thu rất ngon và đậm chất quê hương. Vì vậy, mỗi ngày, bà bán được 400 trái chuối nếp nướng, lời khoảng 400.000 đồng/ngày.
Nếu như bà Vẻ, bà Thu bán hàng rong vừa để mưu sinh, vừa muốn giữ nghề truyền thống từ mấy đời của gia đình thì chị Nguyễn Thị Triều, ngụ xã Bình Quới, huyện Châu Thành, lại chọn gánh bắp, xôi đơn thuần để mưu sinh. Chị Triều chọn góc đường Trương Định, phường 1 làm chỗ đặt gánh bắp, xôi. Gánh hàng rong ấy theo chị hơn chục năm lẻ. Tâm sự về những nỗi buồn, niềm vui sau gánh hàng rong, chị Triều nói: “Ban đầu, tôi để gánh bắp, xôi bán ở bến xe. Sau đó không được bán ở đó nữa, tôi dời qua rạp hát rồi lại dời sang đây và trụ đến tận bây giờ. Bán hàng rong vui, buồn lẫn lộn, tuy vậy, tôi chỉ nghĩ đơn giản, mình buôn bán kiếm tiền lo cho gia đình, chỉ cầu mong trời, phật, ông bà thương cho đủ sức khỏe để buôn bán kiếm tiền là vui rồi!”.
Chị Nguyễn Thị Triều bán bắp, xôi ở đường Trương Định
Hàng rong bây giờ vẫn còn nhưng không nhiều như xưa. Đôi quang gánh và tiếng rao lảnh lót gần như đi vào dĩ vãng. Những tiếng gõ “lốc cốc” của mì gõ cũng im ắng dần. Ở mỗi góc đường chỉ còn lại lưa thưa vài đôi quang gánh. Mỗi người một hoàn cảnh, một nỗi lo riêng. Có bao nhiêu gánh hàng rong là có bấy nhiêu mơ ước, khát vọng được đổi đời hay đơn giản hơn chỉ để có chút tiền lời sống tiếp cho ngày mai./.
Song Hồng