Tiếng Việt | English

10/06/2017 - 07:56

Bám đường để mưu sinh

Mặc cho cái nắng cháy da trong ngày hè oi ả hay những cơn mưa tầm tã, những gánh hàng rong, chiếc xe đẩy hay đôi quang gánh của các dì, các chị vẫn ngày ngày bám đường để mưu sinh. Dù biết buôn bán lấn chiếm lề đường là vi phạm pháp luật nhưng vì gánh nặng cuộc sống, họ vẫn gắn bó với công việc.

Gánh nặng cuộc sống

Đêm về, khi phố phường nhộn nhịp cũng chính là lúc những người bán hàng rong tất bật chuẩn bị bày hàng ra bán. Thời điểm người lao động được nghỉ ngơi sau một ngày làm việc thì những người bám đường để mưu sinh lại bắt đầu công việc.

Chị L.T.B, bán các loại đồ chơi cho trẻ em trước cổng Nhà Thiếu nhi tỉnh Long An cho biết: "Thường thì khoảng 19 giờ, tôi đẩy xe ra đây bán, mỗi đêm cũng kiếm được ít tiền lời. Các bậc phụ huynh đưa con vào đây chơi hay học các lớp năng khiếu thường mua đồ chơi cho các bé".

Những người lao động nghèo, lao động nhập cư vẫn miệt mài bám đường bởi cuộc mưu sinh

Khi chọn vỉa hè, góc phố đêm làm chốn mưu sinh, họ chấp nhận hy sinh nhiều niềm vui của riêng mình. Nhiều khi, cũng không chỉ riêng mình họ mà người thân, gia đình, kể cả là những đứa trẻ cũng phải nương mình theo những đêm mưu sinh của ba mẹ. Trước khi đến với nghề này, họ bươn chải với nhiều nghề.

Chị Nguyễn Thị Ánh, quê ở Vĩnh Long, lên Long An bán tàu hủ trước cổng Trường Tiểu học Nguyễn Trung Trực (TP.Tân An) tâm sự: “Trước đây, tôi đi làm công nhân rồi thợ may trên TP.HCM nhưng thu nhập bấp bênh, không đủ lo cho con nên chuyển sang bán tàu hủ, vừa có thu nhập, vừa có thời gian lo cho các con và quán xuyến việc nhà. Vợ chồng tôi đến Long An bán được 3 năm rồi nhưng mới về quê có 1 lần. Ráng tích góp một số vốn, tôi sẽ thuê sạp ở chợ bán cho ổn định”.

Tại góc đường Trương Định - Võ Văn Tần, có đến 3, 4 chiếc xe đẩy bán cá viên chiên, hột gà nướng và nước giải khát. Chị N.T.T.N, quê ở Đồng Tháp, chia sẻ: "Những món xiên que này, mấy đứa nhỏ mê lắm! Lúc đầu đắt hàng nhưng gần đây, nhiều người bán món ăn vặt này nên thu nhập của tôi cũng giảm".

Gánh nặng mưu sinh như càng trĩu nặng hơn đối với cụ già trên 80 tuổi nhưng hàng ngày vẫn bán hàng mưu sinh trước Sở Y tế. Bà tên Nguyễn Thị Hai, sống một mình, không chồng, con nên hàng ngày vẫn phải vất vả vì miếng cơm, manh áo.

"Quê tôi ở tận miền Trung, theo người bạn vô Long An buôn bán hơn 4 năm rồi...” - anh Trần Nhật, quê Quảng Nam, bán bắp dạo bắt đầu câu chuyện của mình như thế. Anh Nhật cũng cho biết, “càng ngày buôn bán càng khó khăn, khi chiến dịch lấy lại vỉa hè được triển khai, những người bám đường mưu sinh như tôi càng khó khăn hơn”.

Những ước mơ bình dị

Trên nhiều đoạn đường ở TP.Tân An, chưa đầy 1km nhưng có đến gần chục người bày bán ở vỉa hè, đủ các loại, từ cóc, ổi, bắp luộc, hột gà nướng đến quần áo,... Bán hàng rong ngoài đường ngày nào cũng nơm nớp lo quản lý thị trường kiểm tra, trật tự dọn dẹp lòng, lề đường. Ngoài ra, còn một số trường hợp bị trấn lột hay khách mua không trả tiền.

Bà N.T.B, bán khoai lang nướng dạo, chia sẻ: "Cứ đến chiều, tôi lại nhóm bếp nướng khoai, bán đến tối. Hôm nào bán đắt hàng thì kiếm được 200.000 đồng. Biết đoạn đường này nguy hiểm nhưng nếu đổi địa điểm thì mất mối quen, bán khoai là nguồn thu nhập chính của gia đình, nuôi các cháu ăn học".

Anh Nguyễn Văn Dũng, quê Thanh Hóa, bán chả cá chiên dạo dọc đường Nguyễn Đình Chiểu, trải lòng: "Vợ mất trong một tai nạn giao thông, bỏ lại 3 đứa con nhỏ, không có việc làm ổn định nên tôi dắt các con vào đây thuê nhà ở tạm rồi đi bán dạo. Xe chả cá chiên này là nguồn thu nhập chính của mấy cha con. Con trai lớn đang học lớp 8, còn đứa con gái út học lớp 2. Tôi cố gắng làm ít năm nữa có vốn rồi thuê mặt bằng vừa làm chỗ bán, vừa làm chỗ ở cho đỡ vất vả và có thời gian chăm sóc các con".

Nướng bánh tráng mưu sinh

Mỗi người một hoàn cảnh, tất cả cũng vì cuộc sống và niềm hy vọng vào tương lai tươi sáng hơn. Đó là động lực xoa dịu nỗi nhọc nhằn để những người đàn ông hiền lành, những phụ nữ cần mẫn tiếp tục bươn chải.

Ngoài những người bán trái cây, bắp, khoai còn có người bán giày dép, áo quần, chè, tàu hủ,... dạo bằng xe đẩy. Cứ nhìn hàng hóa và cách họ buôn bán cũng đủ biết, cuộc mưu sinh của những người vợ, người mẹ ấy bấp bênh, vất vả đến nhường nào.

Công việc bám đường mưu sinh của những phụ nữ bán hàng rong, tưởng chỉ đơn giản như chính chiếc xe đẩy và ít hàng trên xe, hóa ra không hề nhẹ nhàng, có lúc gặp nguy hiểm.

Chị Nguyễn Thị Dung, bán trái cây dạo kể: “Bán ban đêm kiếm thêm được 100.000-200.000 đồng nhưng cũng có nhiều đêm, đẩy xe đi hoài mà không bán được bao nhiêu, càng về khuya lại càng nguy hiểm”.

Tuy vất vả nhưng những đồng tiền kiếm được trong hành trình rong ruổi của những người bám đường mưu sinh được đền đáp xứng đáng bằng việc nhìn thấy các con họ trưởng thành, cảnh nhà cũng không còn chật vật như trước.

Mong rằng, các ngành chức năng có giải pháp thiết thực, tạo điều kiện giúp những người lao động nghèo có điều kiện buôn bán, ổn định cuộc sống.

Cần quy hoạch những tuyến đường có vỉa hè rộng, kẻ vạch giới hạn và cho phép bán hàng rong ở đó kèm theo các điều kiện về vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm,... Và tin rằng, nếu sắp xếp phù hợp, chúng ta vừa có được mỹ quan đô thị, lối riêng cho người đi bộ, vừa giữ được sinh kế cho những người nghèo, dân lao động nhập cư./.

Hoàng Lê

Chia sẻ bài viết