Tiếng Việt | English

02/02/2024 - 11:24

'Vươn vai' đón mùa xuân no ấm

Không còn cách trở như trước, bây giờ về huyện Đức Huệ, tỉnh Long An đi lại thuận tiện, dễ dàng. Vùng đất bưng gian khó, kiên cường trong kháng chiến, gắn với những địa danh đã đi vào lịch sử như Giồng Dinh, Quéo Ba, Quân khu Đông Thành,... đang đổi thay từng ngày để phát triển.

Khơi mở những thế mạnh, tiềm năng

Đường mở đến đâu thì kéo theo sự phát triển đến đó

Về với mảnh đất Đức Huệ anh hùng, thân thương khi thời gian chỉ còn đếm ngược từng ngày là đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024. Dọc đường, số lượng người, phương tiện qua lại không quá ồn ào, náo nhiệt nhưng đủ để cảm nhận được sức sống mới ở nơi này. Hai bên đường, những điểm dân cư đã thêm đông đúc, nhiều ngôi nhà tường còn mới xen lẫn những vườn chanh, vạt tràm tạo nên không gian yên bình của một vùng quê.

Bộ đội biên phòng hỗ trợ người dân trang hoàng nhà liền kề mới được bàn giao

“Năm nay, gia đình tôi vừa xây lại ngôi nhà. Đây là thành quả sau đợt thu hoạch chanh. Để chuẩn bị đón tết trong nhà mới, gia đình vừa mua cái tivi màn hình phẳng cỡ bự về coi cho sướng. Tôi cũng đang tính thay bộ bàn ghế mới cho căn nhà khang trang hơn” - chị Nguyễn Thị Lan (xã Bình Hòa Nam, huyện Đức Huệ) vui vẻ nói.

Ông Nguyễn Văn Tuấn (xã Bình Thành, huyện Đức Huệ) khoe, những năm gần đây, huyện tập trung phát triển vùng lúa chất lượng cao. Huyện cũng đẩy mạnh thực hiện chương trình đột phá phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đối với cây chanh và con bò. Qua đó, sản lượng, chất lượng, lợi nhuận của sản phẩm nông nghiệp ngày càng nâng cao.

Theo thống kê của UBND huyện Đức Huệ, hiện nay, huyện có tổng đàn trâu, bò khoảng 11.000 con (trên 4.000 con bò nuôi theo ứng dụng công nghệ cao); gần 2.900ha chanh, trong đó có khoảng 2.700ha đang cho trái với sản lượng khoảng 42.000 tấn/năm (gần 140ha ứng dụng công nghệ cao).

Diện tích lúa gieo sạ năm 2023 gần 43.800ha, sản lượng đạt trên 245.000 tấn, trong đó lúa chất lượng cao khoảng 140.000 tấn. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi được thực hiện với những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn như nuôi cá trê vàng, trồng rau má, dưa hấu, bắp, khoai từ, chuối,...

Kết cấu hạ tầng của huyện cũng có nhiều thay đổi, trong đó hạ tầng giao thông chính là điểm nhấn nổi bật. Các tuyến Đường tỉnh: 816, 838C, 838B, 839, 822, 818,... được đầu tư xây dựng, nâng cấp, trở thành những trục động lực kết nối thúc đẩy KT-XH phát triển. Với vị trí địa lý cách TP.HCM không xa, giáp tỉnh Tây Ninh, có Cửa khẩu Quốc gia Mỹ Quý Tây, nguồn tài nguyên đất đai rộng lớn,... là những điều kiện thuận lợi để huyện phát triển nhanh hơn. Thực tế, thời gian gần đây, thu hút đầu tư ở huyện cũng có những tín hiệu tích cực khi có nhiều doanh nghiệp về đầu tư, sản xuất, kinh doanh trên một số lĩnh vực.

Hiện nay, trên địa bàn huyện được phê duyệt 1 khu công nghiệp (xã Mỹ Thạnh Bắc); 1 cụm công nghiệp (xã Mỹ Quý Tây); đồng thời, bổ sung vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với 7 cụm công nghiệp và 11 khu công nghiệp. Đây là cơ sở để kỳ vọng vào sự phát triển đột phá, mạnh mẽ của mảnh đất Đức Huệ anh hùng trong một ngày không xa.

Huyện Đức Huệ có đường biên giới giáp Vương quốc Campuchia gần 30km. Hiện nay, 5 xã biên giới của huyện được đầu tư xây dựng 5 chốt dân quân. Từ năm 2019 đến nay, huyện phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cấp, các ngành, Quân khu 7 triển khai, thực hiện tốt Đề án xây dựng Điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới, đồn, trạm biên phòng. Từ sự hỗ trợ kinh phí của Quân khu 7, UBND tỉnh và các nguồn khác, huyện xây dựng hoàn thành 7 điểm dân cư, với 110 căn nhà bàn giao cho người dân.

Những cung đường xuân

Tổng Biên tập Tạp chí Nông Thôn Việt - Nguyễn Đức Quang - người thường xuyên vận động xây cầu, cống ở huyện Đức Huệ, chia sẻ: “Mỗi lần vận động được nhà tài trợ, đến khi làm xong công trình, khánh thành, đưa vào sử dụng, tôi lại có thêm nhiều động lực mới để tiếp tục thực hiện nhiều cây cầu nối nhịp bờ vui cho những vùng khó khăn, kháng chiến cũ, thỏa lòng mong mỏi của những người dân”.

Bà Lê Thị Năm (xã Mỹ Bình, huyện Đức Huệ) năm nay gần 70 tuổi kể, từ ngày ở xã được nhà tài trợ xây cầu xong, người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa được thuận lợi. Nhịp cầu mới nối nhịp bờ vui, giúp mọi người gần nhau hơn. Bà Năm cười, nói trong nước mắt rưng rưng: “Mừng quá! Vui quá!”.

Tiếp và làm việc với các mạnh thường quân, nhà tài trợ, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Đức Huệ - Trần Thanh Phong luôn tri ân sự đồng hành, giúp đỡ, hỗ trợ quý báu, chân tình. Những nguồn lực xã hội hóa đã giúp huyện giải quyết nhiều khó khăn, cải thiện đời sống người dân. “Sự đóng góp của những người kết nối, những nhà tài trợ luôn được các cấp chính quyền và người dân nhắc đến với sự trân trọng” - ông Trần Thanh Phong nhấn mạnh.

Không chỉ kết cấu hạ tầng, những năm qua, huyện tranh thủ huy động các nguồn lực xã hội hóa để thực hiện công tác xã hội, chăm lo cho những hoàn cảnh khó khăn. Đơn cử như năm 2023, toàn huyện huy động nguồn lực vận động xã hội hóa để đầu tư kết cấu hạ tầng KT-XH, chăm lo cho các gia đình chính sách, hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền trên 58,2 tỉ đồng.

Nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang và Bí thư Huyện ủy Đức Huệ - Trần Thanh Phong đến dự khánh thành một cây cầu nông thôn mới xây dựng

Một trong những cá nhân đồng hành hỗ trợ nhiều cho huyện trong những năm qua là nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang. Nguyên Chủ tịch nước đã vận động trao tặng quà và hàng trăm con bò giống sinh sản cho người dân nghèo nuôi phát triển kinh tế; vận động xây dựng các bia tưởng niệm anh hùng liệt sĩ và các trường học với tổng giá trị trên 55 tỉ đồng, trong đó riêng công trình Trường TH&THCS Bình Thành trên 46 tỉ đồng. Ngoài ra, từ năm 2015 đến nay, nguyên Chủ tịch nước còn vận động xây dựng 75 danh mục công trình cầu, cống và đường giao thông ở huyện, tổng giá trị gần 60 tỉ đồng.

Hạ tầng giao thông là một trong những điểm nhấn trong sự phát triển của huyện

Theo Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng huyện Đức Huệ - Nguyễn Minh Hiền, đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông những năm gần đây luôn được ưu tiên. Dù vẫn còn nhiều khó khăn nhưng những sự chuyển biến, thay đổi kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông những năm gần đây khá rõ nét. Để sử dụng và phát huy hiệu quả các công trình, huyện rất quan tâm đến công tác duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa.

Hiện nay, 100% tuyến đường liên xã được nhựa hóa, 100% đường giao thông nông thôn được cứng hóa (trải đá 0x4), 40% được đổ bêtông. Quy mô đường bêtông đều có nền 4,5m, mặt đường 3,5m, các cầu đạt tải trọng 8 tấn, khổ cầu ngang 5m. Để có được hệ thống kết cấu hạ tầng như hiện nay, nhiều người dân ở địa phương hiến đất và đóng góp công sức thực hiện.

Một năm nữa trôi qua, với tinh thần đổi mới, đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn cũng như tranh thủ những thời cơ, thuận lợi, đến tháng 7/2023, huyện đã hoàn thành đạt và vượt 13/19 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra. Mặc dù còn nhiều khó khăn, trăn trở nhưng huyện cố gắng nỗ lực vượt qua, viết tiếp những mùa xuân của ấm no, hạnh phúc./.

Giai đoạn 2020-2025, tỉnh có kế hoạch đầu tư tuyến Đường tỉnh 822B. Đây là tuyến đường được mở mới 100% kết nối giữa TP.HCM - Đức Hòa - Cửa khẩu Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ. Đến nay, công tác giải phóng mặt bằng cơ bản hoàn thành, chuẩn bị bàn giao cho đơn vị thi công. Ngoài ra, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Tây Ninh và Long An họp thống nhất phương án để cùng đề xuất, kiến nghị với Bộ Giao thông Vận tải xem xét đầu tư tuyến đường kết nối thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh và huyện Đức Huệ, Đức Hòa, tỉnh Long An.

Vũ Quang

Chia sẻ bài viết