Tiếng Việt | English

25/07/2018 - 16:21

Xã hội hóa hoạt động công chứng - Những kết quả bước đầu

Đến nay, 4/4 phòng công chứng (PCC) trên địa bàn tỉnh Long An được chuyển đổi thành các văn phòng công chứng (VPCC).

Theo Giám đốc Sở Tư pháp - Trần Minh Mẫn, xã hội hóa hoạt động công chứng là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta trong Chiến lược Cải cách tư pháp (CCTP). Để cụ thể hóa Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược CCTP đến năm 2020, Chương trình hành động của Ban Chỉ đạo CCTP tỉnh khẳng định: “Xã hội hóa mạnh mẽ hoạt động công chứng, xác định rõ lộ trình chuyển các PCC thành VPCC để thống nhất 1 loại hình VPCC trên địa bàn tỉnh”.

Phòng Công chứng số 1 được chuyển đổi thành Văn phòng Công chứng Phạm Thị Hiên

Phòng Công chứng số 1 được chuyển đổi thành Văn phòng Công chứng Phạm Thị Hiên

Tháng 9/2016, Sở Tư pháp trình UBND tỉnh, xin chủ trương xã hội hóa 4 PCC trên địa bàn tỉnh và được UBND tỉnh đồng ý. Ngày 01/7/2017, PCC số 1 chuyển đổi thành VPCC Phạm Thị Hiên; ngày 16/3/2018, PCC số 4 chuyển đổi thành VPCC Võ Văn Ninh; PCC số 2 chuyển đổi thành VPCC Lê Văn Đá từ ngày 30/3/2018. Vì không đủ điều kiện chuyển đổi nên ngày 13/4/2018, UBND tỉnh quyết định chấm dứt hoạt động đối với PCC số 3, sau đó thành lập VPCC Bùi Thị Đào, hoạt động từ ngày 19/4/2018. Tất cả viên chức và người lao động của 4 PCC đều thống nhất được giải quyết nghỉ việc theo chế độ quy định và chuyển sang làm việc cho VPCC đã chuyển đổi.

Theo Sở Tư pháp, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 27 VPCC, đáp ứng kịp thời nhu cầu về công chứng của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch.

Ngoài xã hội hóa hoạt động công chứng, thời gian qua, Sở Tư pháp còn tham mưu UBND tỉnh cho phép thành lập 2 văn phòng thừa phát lại tại TP.Tân An và thị xã Kiến Tường nhằm giảm áp lực cho cơ quan thi hành pháp luật. Hoạt động của thừa phát lại chủ yếu là tống đạt giấy tờ cho các cơ quan bảo vệ pháp luật như tòa án, viện kiểm sát và các cơ quan thi hành án dân sự các cấp...; tổ chức các vụ việc thi hành án dân sự khi được cơ quan thi hành án dân sự ủy quyền và lập vi bằng, một loại chứng cứ pháp lý quan trọng được pháp luật thừa nhận. Tính đến giữa tháng 6/2018, Sở Tư pháp thực hiện đăng ký 80 vi bằng của các văn phòng thừa phát lại. Theo đánh giá của sở, các văn phòng thừa phát lại bước đầu hoạt động hiệu quả, đáp ứng nhu cầu về lập vi bằng của người dân./.

Kiên Định - Ban Nội chính Tỉnh ủy

Chia sẻ bài viết