Tiếng Việt | English

04/11/2016 - 18:01

Xây dựng, giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng

Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, Người luôn quan tâm và dày công xây dựng Đảng ta thành một khối đoàn kết, thống nhất. Trước lúc đi xa, Người để lại cho chúng ta bản Di chúc quý báu.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta. Người là linh hồn, là ngọn cờ chói lọi lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đoàn kết một lòng, chiến đấu anh dũng, viết nên những trang sử vẻ vang của dân tộc. Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, Người luôn quan tâm và dày công xây dựng Đảng ta thành một khối đoàn kết, thống nhất. Trước lúc đi xa, Người để lại cho chúng ta bản Di chúc quý báu. Vấn đề mà Người quan tâm đầu tiên đó là Đảng ta: "Trước hết nói về Đảng - Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết, nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”(1).

Nhận thức được vai trò, ý nghĩa của sự đoàn kết, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VII (năm 1991), Đảng ta khẳng định: “Không ngừng củng cố và tăng cường đoàn kết” là 1 trong 5 bài học được rút ra qua 60 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Tổng kết kinh nghiệm qua 20 năm đổi mới, Đại hội X, Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Giữ gìn và tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Đảng, đấu tranh kiên quyết với những phần tử cơ hội”(2).

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta một lần nữa khẳng định: “Chủ động phòng ngừa, đấu tranh, phê phán những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ta; khắc phục sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận xã hội”(3). Đại hội XII, trong phương hướng, nhiệm vụ xây dựng Đảng, Đảng ta tiếp tục nhấn mạnh: "Kiên quyết đấu tranh ngăn chặn những hiện tượng cục bộ, bè phái, "lợi ích nhóm" gây mất đoàn kết trong Đảng"(4).

Như vậy, có thể khẳng định, Đảng ta luôn xem sự đoàn kết, thống nhất là sinh mệnh của Đảng, là vấn đề sống còn của cách mạng, là cơ sở để thống nhất giai cấp, là điều kiện để đoàn kết toàn dân và đưa cách mạng đến thắng lợi. Đồng thời, Đảng ta coi sự chia rẽ là một tội ác lớn nhất đối với Đảng. Đảng luôn nhắc nhở các tổ chức Đảng và toàn thể đảng viên phải hết sức quan tâm xây dựng và giữ gìn sự đoàn kết, nhất trí trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình.

Tuy nhiên, những năm gần đây, "Những biểu hiện "tự chuyển biến", "tự chuyển hóa" có xu hướng diễn biến phức tạp trong Đảng, trong hệ thống chính trị và trong xã hội. Không ít cán bộ, đảng viên có những biểu hiện dao động, mất phương hướng, hoài nghi về vai trò lãnh đạo của Đảng, về mục tiêu, lý tưởng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam"(5). Tình trạng đó ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện công cuộc đổi mới, ảnh hưởng đến việc củng cố, xây dựng đoàn kết trong Đảng và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Để khắc phục tình trạng đó, để bảo vệ và giữ gìn sự đoàn kết, nhất trí trong Đảng, chúng ta phải thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau đây:

Thứ nhất, giữ vững và thực hiện nghiêm túc, đúng đắn nguyên tắc tập trung dân chủ.

Dân chủ rộng rãi là điều kiện quan trọng để có đường lối, nghị quyết đúng, đó là biện pháp căn bản để khắc phục những bất đồng về tư tưởng. Còn tập trung cao sẽ bảo đảm cho dân chủ đúng hướng, đúng mục đích, bảo đảm cho kỷ luật của Đảng được chấp hành một cách triệt để, tạo ra sự thống nhất trong hành động. Vì vậy, thực hiện đúng đắn nguyên tắc tập trung dân chủ sẽ bảo đảm sự thống nhất về tư tưởng và hành động, tức là tạo ra được sự đoàn kết trong Đảng.

Hiện nay, trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, nhiều vấn đề mới trong và ngoài nước đặt ra, đòi hỏi Đảng ta phải giải quyết sao cho có hiệu quả tối ưu. Đảng ta phải vận dụng linh hoạt và hiệu quả nguyên tắc này để giải quyết các tình huống phát sinh, không để cho những ý kiến khác nhau trở thành nguồn gốc tư tưởng gây nên chia rẽ, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ Đảng. Đảng ta phải phát huy dân chủ trong sinh hoạt Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên phải trình bày hết ý kiến của mình, không vì một áp lực nào; phải có trách nhiệm đóng góp ý kiến vào những vấn đề chung, nhất là những vấn đề thuộc về đường lối, chính sách, nghị quyết và giải pháp thực hiện. Đồng thời, phải nêu cao ý thức tổ chức, chấp hành kỷ luật của Đảng, chống chủ nghĩa cá nhân, chống mọi biểu hiện áp đặt, trù dập.

Thứ hai, thực hiện nghiêm túc chế độ tự phê bình và phê bình, kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, cục bộ, bè phái.

Trong Di chúc, Bác chỉ rõ: “Thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”. Càng ngẫm, chúng ta càng thấy lời căn dặn của Bác thật sâu sắc. Bởi vì tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để giải quyết mâu thuẫn, loại ra khỏi tổ chức Đảng những nhân tố gây mất đoàn kết, tạo nên sự nhất trí trong Đảng. Khi trong Đảng không còn mâu thuẫn nữa thì mọi đường lối, chủ trương, chính sách sẽ được đồng thuận cao, thực hiện một cách thống nhất và dễ đi vào cuộc sống.

Vì vậy, để xây dựng được sự đoàn kết, nhất trí trong Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên và tổ chức Đảng phải thực hiện nghiêm túc chế độ, quy định về tự phê bình và phê bình, duy trì nó thành nền nếp thường xuyên trong sinh hoạt; phải xác định rõ mục đích của tự phê bình và phê bình là phát huy ưu điểm, tìm ra khuyết điểm để sửa chữa, nâng cao nhận thức, giải quyết những bất đồng trong nội bộ. Từng cán bộ, đảng viên phải tự giác thực hiện tự phê bình và phê bình, chủ động thực hiện quyền được phê bình, chất vấn trong phạm vi tổ chức Đảng. Đặc biệt, phải kết hợp chặt chẽ tự phê bình và phê bình trong Đảng với sự phê bình của quần chúng nhân dân; phải ngăn chặn, xử lý đúng đắn, kịp thời những biểu hiện lợi dụng dân chủ, lợi dụng phê bình để gây chia rẽ, mất đoàn kết.

Thứ ba, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời hiện tượng mất đoàn kết và nguyên nhân dẫn đến mất đoàn kết.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng mất đoàn kết, nhưng nguyên nhân sâu xa nhất vẫn là vì lợi ích, nhất là lợi ích cá nhân. Vì vậy, để ngăn chặn và xử lý kịp thời hiện tượng mất đoàn kết, cần giải quyết đúng đắn, hài hòa giữa lợi ích cá nhân và lợi ích tập thể; cần kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, xóa bỏ "lợi ích nhóm", xóa bỏ tình trạng đặc quyền, đặc lợi về điều kiện sinh hoạt và các chế độ đãi ngộ trong Đảng. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh xem tình trạng đặc quyền, đặc lợi là nguồn gốc gây nên sự tan rã trong Đảng và làm uy tín đảng viên bị giảm sút. Thực tế chứng minh, khi có sự bất bình đẳng về lợi ích, không có lợi ích chung thì không thể tạo nên được sự thống nhất về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức và càng không thể có sự thống nhất về hành động.

Đảng ta phải kiên quyết đấu tranh, xử lý kịp thời, đúng đắn hiện tượng gây mất đoàn kết. Tình trạng ô dù, nương nhẹ, cá nhân làm cho tình trạng mâu thuẫn càng thêm kéo dài, tình trạng mất đoàn kết càng thêm nghiêm trọng và uy tín của tổ chức Đảng càng thêm giảm sút. Phải đấu tranh không khoan nhượng với tình trạng cục bộ, địa phương chủ nghĩa, bè phái. Phải có biện pháp xử lý thích đáng những ai trù dập người phê bình hoặc lợi dụng phê bình để vu khống, đả kích cá nhân gây mâu thuẫn, chia rẽ,
làm mất đoàn kết nội bộ.

Thứ tư, xây dựng cấp ủy Đảng, đặc biệt là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt thật sự tiêu biểu cho phẩm chất, năng lực của đội ngũ đảng viên, đủ uy tín và khả năng quy tụ đội ngũ, xây dựng khối đoàn kết, thống nhất trong tổ chức Đảng và trong nhân dân.

Lênin chỉ rõ: “Không có một trung tâm lãnh đạo thống nhất, không có một cơ quan Trung ương thống nhất thì không có thống nhất thật sự của Đảng”(6). Qua thực tiễn cách mạng Việt Nam, Đảng ta cũng rút ra rằng: “Đoàn kết, thống nhất trong Đảng, trước hết là ở cơ quan lãnh đạo, có ý nghĩa quyết định sự thành công của cách mạng”(7) và thực tế cũng chứng minh rằng, nơi nào mà cấp ủy đoàn kết, thống nhất thì nơi đó không có chỗ cho sự hoài nghi, không có khe hở cho những ý đồ muốn gây chia rẽ trong tổ chức Đảng. Vì vậy, để xây dựng sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, trước hết, tập thể cấp ủy, đặc biệt là đội ngũ cán bộ chủ chốt phải thật sự đoàn kết, thống nhất, thật sự là trung tâm quy tụ đoàn kết.

Xây dựng sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa thường xuyên đối với Đảng ta, nhất là hiện nay, "tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi; có mặt, có bộ phận còn diễn biến phức tạp hơn"(8). Chính vì vậy, mỗi tổ chức Đảng, mỗi đảng viên phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, phải luôn cố gắng giữ gìn sự đoàn kết, nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình./.

Ths. Đoàn Văn Xê (Trường Chính trị Long An)

(1) Toàn văn Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb trẻ 1999, tr60.
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG, HN, 2006, tr276-277.
(3) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, HN, 2011, tr257.
(4) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng TW Đảng, 2016, tr207.
(5) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng TW Đảng, 2016, tr195.
(6) Lênin, toàn tập, Nxb TB, M, 1979, t 11, tr 210.
(7) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb CTQG, HN, 1996, tr 143,144.
(8) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng TW Đảng, 2016, tr185.

 

Chia sẻ bài viết