Với sự góp sức của người dân, nhiều tuyến đường giao thông được nâng cấp, mở rộng khang trang
Hòa quyện ý Đảng, lòng dân
Trở lại xã An Lục Long vào những ngày cận tết, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước sự đổi thay của một vùng quê. Những tuyến đường liên xóm, ấp đi lại khó khăn ngày nào, giờ được nâng cấp, mở rộng khang trang. Người dân 2 bên đường tất bật dọn dẹp, cắt tỉa cây xanh, trang hoàng nhà cửa, chuẩn bị đón Tết Cổ truyền. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã An Lục Long - Hà Minh Tuấn phấn khởi: “Tết năm nay, nhiều gia đình mở tiệc ăn mừng sau một năm sản xuất khá thuận lợi và tổ chức sinh nhật lần thứ nhất từ khi xã đạt danh hiệu xã văn hóa, nông thôn mới (NTM). Quê hương khởi sắc, giàu mạnh như hôm nay là sự nỗ lực, đóng góp rất lớn của cả hệ thống chính trị và người dân trong xã”.
Lưu thông trên tuyến đường giao thông nông thôn (GTNT) Chiến Đấu, hai bên đường, hoa hoàng yến rực sắc vàng. Bà Phan Thị Dung, ngụ ấp Cầu Kinh, xã An Lục Long, bộc bạch: “Trước đây, tuyến đường này nắng bụi, mưa lầy. Với sự chung sức, đồng lòng của người dân, tuyến đường được láng nhựa, trải bêtông, trồng cây xanh, lắp đặt đèn chiếu sáng, camera an ninh, tạo mỹ quan xanh, sạch, đẹp, an toàn”. Được biết, tuyến đường này vừa được nâng cấp, mở rộng với tổng kinh phí gần 10 tỉ đồng, gia đình bà Dung hiến đất, góp tiền, hoa màu trị giá gần 500 triệu đồng, tạo điều kiện cho người dân đi lại dễ dàng hơn.
Mùa xuân năm nay, niềm vui, hạnh phúc người dân Châu Thành như được nhân lên bởi với sự nỗ lực, quyết tâm cao của cấp ủy Đảng, chính quyền và sự đồng thuận của người dân, đến nay, 12/12 xã trên địa bàn đạt 19/19 tiêu chí NTM. Huyện đang hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục để được công nhận đạt chuẩn NTM trong năm nay. “Công cuộc xây dựng NTM thổi luồng sinh khí mới đến khắp vùng quê, góp phần cải thiện đời sống của người dân cả về vật chất lẫn tinh thần. Nhiều công trình phúc lợi xã hội in đậm dấu ấn của cộng đồng: Đường GTNT, trạm y tế, trường học, nhà văn hóa,... được nâng cấp, xây dựng khang trang, đáp ứng kịp thời việc chăm sóc sức khỏe, vui chơi, học tập của người dân” - Chủ tịch UBND huyện Châu Thành - Nguyễn Văn Thình nhận định.
7 năm qua (2011-2018), với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, huyện huy động trên 1.701 tỉ đồng xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng KT-XH; trong đó, ngân sách của Trung ương đầu tư 450 tỉ đồng, tỉnh gần 418 tỉ đồng, người dân hơn 405 tỉ đồng, phần còn lại ngân sách huyện, xã và doanh nghiệp. Đến nay, đường GTNT liên xã, xóm, ấp, trục chính nội đồng trên địa bàn huyện được láng nhựa, bêtông hóa sạch sẽ, bảo đảm xe cơ giới lưu thông thuận tiện. Hệ thống kênh, mương thủy lợi được đầu tư, nâng cấp, quản lý, khai thác hiệu quả, đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất, sinh hoạt cho người dân nông thôn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
Nâng cao thu nhập
Cũng như nhiều địa phương khác trong tỉnh, bắt tay vào xây dựng NTM, Châu Thành gặp nhiều khó khăn. Bởi địa phương vốn là huyện thuần nông, nguồn thu nhập chủ yếu nhờ sản xuất lúa; trình độ dân trí không đồng đều, nhận thức về xây dựng NTM còn hạn chế. Sau 7 năm nỗ lực thực hiện, diện mạo nông thôn của huyện có nhiều khởi sắc cả bề rộng lẫn chiều sâu. Theo Chủ tịch UBND huyện Châu Thành - Nguyễn Văn Thình, điều cốt lõi trong chương trình xây dựng NTM của huyện là ưu tiên phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Khi cuộc sống khấm khá, người dân tự nguyện cùng cấp ủy Đảng, chính quyền làm đường GTNT, xây cầu, trạm y tế, hệ thống nước sạch,...
Tết này, gia đình ông Lê Đắc Vinh, ngụ ấp Mỹ Xuân, xã Dương Xuân Hội, vô cùng phấn khởi vì thanh long trúng mùa, được giá. Với hơn 1ha sản xuất thanh long ruột đỏ mang về cho gia đình ông hơn 1 tỉ đồng/năm. Cũng nhờ thu nhập từ thanh long mà gia đình ông xây dựng nhà cửa khang trang và mua xe ôtô, xe tải. “Cuộc sống của gia đình tôi hiện nay rất ổn định. Trước đây, khi còn trồng lúa, vợ chồng tôi có chăm chỉ đến đâu, cuộc sống vẫn không khá. Thấy nhiều người trồng thanh long có lãi, tôi cũng mua giống về trồng, mang lại hiệu quả kinh tế vượt xa so với cây lúa” - ông Vinh chia sẻ.
Châu Thành được nhiều người biết đến là nơi chuyên trồng thanh long với chất lượng đứng nhất, nhì cả nước, là cây “giảm nghèo”, được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Toàn huyện có trên 8.500ha sản xuất thanh long các loại; trong đó, có trên 1.300ha sản xuất ứng dụng công nghệ cao với 2.260 hộ tham gia theo Đề án sản xuất 2.000ha thanh long ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.
Sản xuất thanh long góp phần nâng cao nguồn thu nhập cho người dân
Trái thanh long không chỉ mang lại đời sống sung túc cho nông dân mà còn giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho hàng chục ngàn lao động. Nếu như 7 năm về trước, hộ nghèo của huyện chiếm 4,66%, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 22 triệu đồng/người/năm thì hiện nay còn 1,75%, thu nhập bình quân đầu người tăng lên 53 triệu đồng/năm.
“Trong xây dựng NTM, nếu phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm thì việc kiến tạo nên một nông thôn văn minh, đậm đà bản sắc văn hóa cũng là yếu tố cần thiết, không thể thiếu. Vì vậy, sau khi được công nhận đạt chuẩn NTM, huyện tiếp tục giữ vững, nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt nhằm mang lại đời sống vật chất, tinh thần tốt hơn cho người dân. Phấn đấu đến năm 2020, huyện có 12/12 xã hoàn thành bộ tiêu chí xây dựng NTM nâng cao, bảo đảm diện mạo khu vực nông thôn luôn sáng, xanh, sạch, đẹp, bền vững” - Chủ tịch UBND huyện Châu Thành - Nguyễn Văn Thình thông tin.
Sắc xuân len lỏi đến từng góc nhà, người dân Châu Thành hối hả ngược xuôi mua sắm tết. Lưu thông trên những tuyến đường GTNT được bêtông hóa khang trang, nhiều ngôi biệt thự đồ sộ mọc lên giữa cánh đồng thanh long xanh mướt, phần nào cho thấy người dân nơi đây bắt nhịp nhanh với tốc độ phát triển của đô thị,...
Hữu Bằng