Ý chí và nghị lực của Bác thể hiện trước hết ở khả năng tự xác định mục đích cho hành động và quyết định hướng hoạt động của mình, tự vạch ra đường đi cho riêng mình, Bác không sang Nhật, không đi Trung Quốc mà đến phương Tây.
Trong những ngày thơ ấu, người thanh niên yêu nước ấy chứng kiến sự tìm hiểu và bàn luận của các bậc cha anh về tư tưởng phương Tây. Bác lại tận mắt chứng kiến cuộc sống nghèo khổ, bị đàn áp, bóc lột cùng cực của đồng bào mình ngay trên chính mảnh đất quê hương bởi thực dân, phong kiến và sự thất bại của các phong trào: Duy Tân, Đông Du, Đông Kinh Nghĩa Thục, khởi nghĩa Yên Thế, cuộc vận động cải cách của cụ Phan Chu Trinh,…
Cũng trong lúc này, Bác vừa chịu ảnh hưởng của những tư tưởng mới tràn vào qua Tân thư (trào lưu tư tưởng tiến bộ đề cập vấn đề dân chủ, dân quyền của phương Tây xâm nhập vào Việt Nam), vừa trực tiếp tiếp xúc với những sách báo từ Pháp đưa sang và được giảng dạy trong các trường Pháp - Việt. Thời điểm đó tạo ra ở Bác những đắn đo, suy nghĩ trong việc tìm con đường đúng đắn để cứu nước, cứu dân.
Mặc dù rất khâm phục và coi trọng các bậc tiền bối yêu nước: Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn Thái Học, Hoàng Hoa Thám, Lương Văn Can,… nhưng Bác không theo con đường của họ mà tự xác định hướng đi riêng cho mình, sang phương Tây với hành trang là lòng yêu nước, thương dân, ôm ấp hoài bão lớn lao: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi”.
Tàu Amiral Latouche Tréville, con tàu đã đưa người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước từ Cảng Sài Gòn
Bác tìm đường đến nước Pháp để xem có gì ở đằng sau những cụm từ hoa mỹ “Tự do - Bình đẳng - Bác ái” mà bọn thực dân luôn rêu rao ở thuộc địa và đặc biệt: “Tôi muốn đi ra nước ngoài xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta”- Lời tâm sự của Bác với một người bạn mà Bác rủ đi cùng.
Ý chí và nghị lực của Bác còn thể hiện sâu sắc ở sự khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, không lùi bước trước những gian lao, trở ngại, vượt qua mọi cám dỗ, kiên định mục đích, con đường cứu nước, cứu dân.
Nung nấu quyết tâm đi tìm một con đường cứu nước mới, Bác đi bộ từ Phan Thiết, vượt qua những khó khăn, khắc nghiệt của thời tiết, nhiều lúc lả đi vì đói, khát để tới Sài Gòn, tìm cơ hội thực hiện mục đích “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi”. Đây chính là bước ngoặt quan trọng, một sự lựa chọn có ý nghĩa lịch sử, mở đầu cho quá trình tìm đường cứu nước của Bác.
Ngày 5-6-1911, Bác rời Tổ quốc, bắt đầu cuộc hành trình 30 năm tìm đường giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước. Những năm tháng trong cuộc hành trình là những tháng năm Bác phải đối mặt và vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách. Anh phụ bếp Văn Ba phải làm việc tất bật từ 4 giờ sáng đến 9 giờ tối. Một ngày làm việc của Bác bắt đầu bằng việc rửa sạch khu bếp, phục vụ cho gần 800 hành khách và thủy thủ trên tàu: Lấy than, quạt bếp, mang rau, khoai tây, thịt, cá từ kho lên bếp,… Và có một công việc gần như ngoài sức tưởng tượng của Bác là phải rửa sạch những chiếc nồi đồng to, nặng không thể nhấc lên được.
Công việc của Bác luôn tất bật, lại thường xuyên đi giữa căn bếp nóng nực và phòng kho lạnh buốt, hoặc khuân vác đồ nặng trên con tàu chòng chành, lên những bậc thang chật hẹp từ kho lên nhà bếp. Mặc dù mệt lả sau một ngày làm việc nhưng Bác chưa thể đi ngủ mà thức đến 23 giờ khuya hoặc lâu hơn nữa để đọc sách hoặc viết lách. Nhiều lúc tưởng chừng như Bác không thể vượt qua nổi thử thách đầu tiên. Nhưng ý chí và nghị lực giúp Bác vượt qua tất cả để đặt chân trên đất Pháp rồi sang Anh, Mỹ, Nga...
Những năm tháng ở đất khách, quê người, Bác lại trải qua những ngày lao động gian khổ với nhiều nghề vất vả, khó khăn để kiếm sống: Quét tuyết, đốt lò, rửa bát thuê, thợ làm bánh, thợ làm ảnh, làm đồ giả cổ, vẽ quạt, lọ hoa, chao đèn,... Những ngày đông giá lạnh, buổi sáng trước khi đi làm, Bác để viên gạch cạnh bếp lò, chiều về, Bác lấy viên gạch ra bọc vào một tờ báo cũ đặt dưới gầm giường nằm cho đỡ lạnh.
Cuộc sống vô cùng khó khăn, ăn uống thiếu thốn, làm cho sức khỏe Bác giảm sút, nhưng ý chí và nghị lực đã giúp Người vượt qua để tiếp tục con đường cứu nước. Không chỉ khó khăn, thiếu thốn về vật chất trong cuộc sống mà Bác luôn bị kẻ thù theo dõi, giám sát, hăm dọa và tìm đủ mọi thủ đoạn hãm hại. Đó là bản án tử hình vắng mặt (năm 1929) và những ngày bị thực dân Anh bắt giam tại Hồng Kông (năm 1931),...
Trên suốt chặng đường bôn ba, đầy gian khổ, đi qua gần 30 nước ở châu Á, châu Âu, châu Phi, châu Mỹ không làm Bác chùn bước, trái lại, càng tôi luyện, hun đúc lòng yêu nước nồng nàn, kiên định mục tiêu giải phóng dân tộc.
Với những chuyến đi, Bác tranh thủ mọi cơ hội để học hỏi, nghiên cứu các học thuyết cách mạng, hòa mình vào thực tiễn đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động ở các nước tư bản và thuộc địa, nhằm bổ sung cho mình những kiến thức vô cùng phong phú với tầm nhìn hết sức rộng lớn và bao quát. Từ đó, Bác rút ra kết luận là chủ nghĩa đế quốc, thực dân là cội nguồn của mọi đau khổ cho giai cấp công nhân và nhân dân lao động ở các nước chính quốc cũng như thuộc địa.
Chính chủ nghĩa yêu nước cùng với những năm tháng tìm tòi về lý luận và hoạt động trong phong trào công nhân quốc tế, người thanh niên Việt Nam yêu nước Nguyễn Tất Thành bất chấp mọi hiểm nguy, đến với chủ nghĩa Mác-Lênin, tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp cuối năm 1920, trở thành nhà hoạt động quốc tế xuất sắc Nguyễn Ái Quốc.
Sớm nhận thức được xu thế phát triển tất yếu của lịch sử và tính chất của thời đại mới được mở ra sau thành công của Cách mạng Tháng Mười, Người xác định con đường cứu nước, giải phóng dân tộc đúng đắn, khám phá ra chân lý lịch sử: “Chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”. Nguyễn Ái Quốc ra sức truyền bá Chủ nghĩa Mác-Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, chuẩn bị về lý luận cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Đảng ta được lý luận khoa học và cách mạng của Chủ nghĩa Mác-Lênin soi đường luôn kiên định mục tiêu "Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội" lãnh đạo nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Thực tế lịch sử chứng minh, đó chính là "Đường kách mệnh" cho dân tộc ta mà Bác đã chọn, sự lựa chọn lịch sử đúng đắn và duy nhất!
Người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước, đưa dân tộc thoát khỏi ách áp bức, bóc lột của bọn thực dân, phong kiến, đem lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân Việt Nam. Nhắc lại hành trình cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi chúng ta đều khắc ghi sâu trong tim lòng biết ơn vô hạn đối với những hy sinh lớn lao mà Bác trải qua trong suốt 30 năm bôn ba xứ người, để lại cho chúng ta bài học quý giá về lòng yêu nước, thương dân, về ý chí và nghị lực kiên cường vượt qua khó khăn, thử thách, về tinh thần trách nhiệm đối với đất nước, dân tộc.
Nay đất nước bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đạt những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử sau 30 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nguyện vững bước trên con đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta lựa chọn, xây dựng một Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, “sánh vai với các cường quốc năm châu” như Bác hằng mong ước./.
Thạc sĩ Đoàn Văn Xê - Trường Chính trị Long An