Tiếng Việt | English

05/06/2016 - 08:41

Kỷ niệm 105 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5-6-1911 - 5-6-2016)

Thăm nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước

Cách đây 105 năm, tại bến Nhà Rồng – nơi bắt đầu cuộc hành trình vĩ đại của người con xứ Nghệ, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước. Hơn một thế kỷ trôi qua, có rất nhiều sự đổi thay nhưng Bến Nhà Rồng vẫn mãi là nơi ghi đậm dấu ấn chặng đường cứu nước của Bác.

Nơi ghi dấu ấn chặng đường cứu nước của Bác

Ngày 5-6-1911, từ bến Nhà Rồng - Sài Gòn, dưới cái tên Văn Ba, người thanh niên Việt Nam yêu nước Nguyễn Tất Thành xuống tàu buôn Đô đốc Amiral Latouche Tréville làm phụ bếp, rời bến cảng Sài Gòn bắt đầu cuộc hành trình ra đi tìm đường cứu nước.

Khi rời bến Nhà Rồng ra đi tìm một con đường mới cho cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, người thanh niên Nguyễn Tất Thành chỉ nung nấu một quyết tâm cháy bỏng: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”.

Bến Nhà Rồng – nơi ghi dấu ấn sự ra đi tìm đường cứu nước của Bác

Người ghé qua gần 30 nước và vùng lãnh thổ, trước hết là Pháp, nhưng không dừng lại ở đây mà còn qua nhiều nước khác ở châu Âu, châu Phi và châu Mỹ như: Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Algeria, Tunisia, Congo, Mỹ, Anh,…

Với lòng yêu nước nồng nàn và căm thù sâu sắc bọn thực dân cướp nước và bè lũ tay sai bán nước cùng với lòng kiên trì, chịu đựng mọi gian khổ, đến bất cứ đâu, người thanh niên ấy đều chú ý xem xét tình hình và suy nghĩ về những điều “mắt thấy tai nghe” và với mong muốn thực hiện hoài bão cao cả của mình đã đưa Nguyễn Ái Quốc đến với Chủ nghĩa Mác - Lênin, học thuyết Cách mạng tiên phong của thời đại. Từ đó, Người tìm được con đường cách mạng đúng đắn cho dân tộc Việt Nam, con đường kết hợp đấu tranh giải phóng dân tộc với cách mạng xã hội chủ nghĩa, kết hợp tư tưởng yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế vô sản cao cả.

Địa danh lịch sử

Thời Pháp thuộc, nơi đây là trụ sở của Tổng Công ty Vận tải Hoàng Đế (Messageries Impériales) - một trong những công trình đầu tiên do người Pháp xây dựng sau khi chiếm được Sài Gòn. Ngôi nhà được xây dựng và hoàn thành cuối năm 1863 với lối kiến trúc phương Tây. Tòa nhà có đôi rồng gắn trên nóc, thường được gọi là "Nhà Rồng", do vậy, bến cảng thuộc khu vực này cũng mang tên bến Nhà Rồng.

Ngày 2-9-1979, trong dịp kỷ niệm 10 năm Ngày mất của Người, bến Nhà Rồng mở cửa đón khách tham quan trưng bày về "Sự nghiệp tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890-1945)".

Bến Nhà Rồng hiện nay là Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TP.HCM, là chi nhánh nằm trong hệ thống các bảo tàng và di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cả nước. Bảo tàng trưng bày, tuyên truyền về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Bác và đặc biệt, nơi đây tập trung nhấn mạnh vào sự kiện ra đi tìm đường cứu nước và thể hiện tình cảm của Người với đồng bào miền Nam.

Mỗi năm, Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TP.HCM đón tiếp hàng trăm ngàn lượt khách từ khắp nơi trong nước và nước ngoài đến tham quan.

Ghani, du khách Indonesia chia sẻ trong lần đến du lịch tại TP.HCM và chọn bến Nhà Rồng là nơi tham quan: “Thật đáng tự hào khi đất nước các bạn có một vị lãnh tụ vĩ đại – Hồ Chí Minh. Người đi khắp 4 châu lục và gần 30 quốc gia để tìm chân lý đúng đắn trong cuộc giải phóng đất nước, giải phóng dân tộc Việt Nam thoát khỏi ách nô lệ của thực dân. Sau khi trở về đất nước của mình, tôi sẽ giới thiệu bạn bè nếu có dịp đến thăm đất nước Việt Nam thì đừng bỏ qua Khu di tích lịch sử bến Nhà Rồng ở TP.HCM, nơi lưu giữ, trưng bày và tái hiện cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Du khách tham quan di tích lịch sử bến Nhà Rồng

Hiện nay, Khu di tích lịch sử bến Nhà Rồng có 11.372 tư liệu, hiện vật và 3.300 đầu sách chuyên đề về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các hiện vật được tổ chức trưng bày theo các không gian. Có 5 phòng trưng bày chủ đề về sự nghiệp, con người của Bác:

- Chủ đề thứ nhất: Thời thơ ấu và thanh niên của Hồ Chí Minh; Bước đầu hoạt động yêu nước và cách mạng; Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp nhận chủ nghĩa Mác – Lênin và khẳng định con đường cách mạng Việt Nam (1890 – 1920).

- Chủ đề thứ hai: Chủ tịch Hồ Chí Minh bảo vệ và vận dụng sáng tạo đường lối của V.I Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa; Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập chính đảng của giai cấp công nhân Việt Nam (1920-1930).

 - Chủ đề thứ ba: Chủ tịch Hồ Chí Minh – người tổ chức và lãnh đạo Cách mạng Tháng 8 thắng lợi và sáng lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đấu tranh giữ vững chính quyền cách mạng và kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1930-1945).

- Chủ đề thứ tư: Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và đấu tranh chống Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc (1954-1969).

- Chủ đề thứ 5: Nhân dân Việt Nam thực hiện di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất hoàn toàn Tổ quốc, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của nhân dân thế giới (1969 đến nay).

Sau khi tham quan các chủ đề, bạn Nguyễn Quang Đông, sinh viên năm 4 Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM, quê tỉnh Thanh Hóa, lần đầu tiên được tham quan di tích lịch sử bến Nhà Rồng chia sẻ trong niềm tự hào: “Tham quan bảo tàng, được xem những tư liệu, hình ảnh, hiện vật gắn với cuộc đời, sự nghiệp của Bác, em rất xúc động trước sự hy sinh cao cả của Người vì độc lập, tự do dân tộc. Em tự hứa với lòng sẽ cố gắng học tập, cống hiến sức mình cho quê hương, đất nước, quyết chí noi theo tấm gương Bác Hồ vĩ đại”.

Bến Nhà Rồng là nơi khởi đầu của cuộc hành trình “tìm đường cứu nước” của Người, là địa chỉ đỏ gắn liền với con đường giải phóng dân tộc mà Bác đã tìm ra. Đó là một cột mốc, một dấu son của thành phố và của lịch sử cách mạng Việt Nam./.

Hùng Anh

Chia sẻ bài viết