Tủ sách thanh niên được mở quanh năm với hơn 200 đầu sách cho học sinh có thêm tài liệu học tập, nghiên cứu (Ảnh: Nhà trường cung cấp)
Tích lũy kiến thức qua những tủ sách học đường
Sách là "món ăn tinh thần" không thể thiếu trong đời sống, giúp mỗi người nâng cao kiến thức, kỹ năng, làm đẹp tâm hồn, mang đến những góc nhìn mới mẻ, sâu sắc về cuộc sống. Đối với HS, đọc sách không chỉ mang đến những kiến thức mà còn giúp tích lũy vốn từ, học cách hành văn, rèn luyện đạo đức, lối sống. Hiểu được tầm quan trọng đó, thời gian qua, nhiều Đoàn trường đã triển khai các mô hình như Kệ sách dùng chung, Tủ sách thanh niên, Không gian sách,... để phát triển văn hóa đọc trong HS.
Từ năm học 2022-2023, Bí thư Đoàn trường THPT Tân Thạnh (huyện Tân Thạnh) - Nguyễn Ngọc Yến ấp ủ ý tưởng tạo một không gian đọc mở trong khuôn viên trường. Nhận được sự ủng hộ của mọi người, chị Yến bắt đầu xây dựng và triển khai mô hình Kệ sách dùng chung. Ban đầu, chị liên hệ các đơn vị cung cấp, tiệm sách cũ để mua sách. Những năm sau, thông qua việc phát động mô hình đến các lớp học, những HS sau khi ra trường sẽ tặng sách lại cho Đoàn trường. Những Kệ sách dùng chung vì vậy mỗi ngày có thêm nhiều đầu sách mới với các thể loại: Sách tham khảo, kỹ năng sống, phát triển bản thân,... Tại đây, HS có thể đến đọc và mượn về mà không giới hạn thời gian.
Mô hình Kệ sách dùng chung là nơi để học sinh đọc sách và thư giãn cùng bạn bè sau giờ học (Ảnh: Nhà trường cung cấp)
Khi triển khai công trình thanh niên với mô hình Kệ sách dùng chung, chị Yến còn mong muốn tạo một không gian để thư giãn, chụp ảnh cho HS. Tại một góc nhỏ bên hông khu vực dãy lớp học, các kệ sách, bàn, ghế được sắp xếp ngay ngắn, sạch sẽ, bên trên được che mái tôn với giàn hoa giấy thơ mộng. Để không gian thêm đẹp mắt, Đoàn trường còn lắp đặt bảng đèn led chạy chữ, sơn lại hai bức tường và vẽ thêm những hình ảnh về hoạt động thường ngày của HS, biểu ngữ tuyên truyền tác hại của hút thuốc lá.
Chào mừng kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2024), Đoàn trường THPT Đức Hòa (huyện Đức Hòa) dự kiến tổ chức ngày hội với nhiều hoạt động ý nghĩa. Trong đó, Không gian sách là một trong những hoạt động mới, nhận được nhiều sự quan tâm, đóng góp từ HS.
Theo Bí thư Đoàn trường THPT Đức Hòa - Đặng Triệu Triệu, đây là năm đầu tiên Đoàn trường triển khai mô hình này. Không gian sách là "cầu nối" để HS trao đổi sách một cách thuận tiện qua việc mượn đọc tại chỗ hoặc nhượng, bán lại với mức giá nhất định.
Chị Triệu cho biết: “HS có thể đem những quyển sách cũ, giá trị đến Văn phòng Đoàn. Nếu các em có nhu cầu nhượng, bán lại sách sẽ được định mức giá và sắp xếp ký gửi trong Không gian sách của ngày hội. Những quyển sách này sẽ hoàn trả lại cho HS nếu không bán được. Đối với các em không có ý định bán sách cũ cũng có thể đăng ký để trưng bày sách để mọi người mượn đọc tại chỗ”.
Tạo nên Không gian sách trong ngày hội 26/3 là một trong những ý tưởng mới của Bí thư Đoàn trường THPT Đức Hòa. Chị Triệu yêu thích sách. Hiểu được những “mọt sách” đều muốn tìm tòi, sở hữu các quyển sách cũ, độc đáo, vì vậy, không dừng lại ở việc mượn và đọc sách, mô hình Không gian sách của chị còn tạo điều kiện cho HS tìm mua được những đầu sách ưng ý.
“Bên cạnh Không gian sách, từ năm học 2022-2023, Đoàn trường triển khai mô hình Tủ sách thanh niên với hơn 200 đầu sách tham khảo các môn: Ngữ văn, Toán, Vật lý, Hóa học, sách về kỹ năng, định hướng nghề nghiệp,... Toàn bộ sách đều do các giáo viên, cựu HS của trường đóng góp. Tủ sách được đặt trước Văn phòng Đoàn và mở quanh năm, giúp các em có thể dễ dàng đến mượn đem về, phục vụ việc học tập, nghiên cứu” - chị Triệu chia sẻ.
“Dân ta phải biết sử ta”
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Dân ta phải biết sử ta - Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Vì vậy, việc tăng cường giáo dục về lịch sử cho HS được Đoàn trường quan tâm nhiều hơn. Không chỉ dừng lại ở những tiết học trên lớp, nhiều Đoàn trường còn tổ chức hoạt động ngoại khóa như giới thiệu về di tích lịch sử, văn hóa của địa phương và Việt Nam cho HS.
Phùng Xuân Phúc - học sinh lớp 12A11, Trường THPT Đông Thạnh (huyện Cần Giuộc), thực hiện video giới thiệu về nhân vật Nguyễn Trung Trực và
Khu di tích lịch sử Vàm Nhựt Tảo (Ảnh chụp màn hình)
Bắt đầu từ năm học 2022-2023, Đoàn trường THPT Đông Thạnh (huyện Cần Giuộc) tổ chức hội thi Kể chuyện tiếng Anh với các chủ đề về Bác Hồ, nhân vật lịch sử, di tích lịch sử. HS tham gia hội thi với hình thức quay các video kể chuyện, giới thiệu, thuyết minh theo chủ đề bốc thăm. Theo Bí thư Đoàn trường THPT Đông Thạnh - Huỳnh Trung Hiếu, đây là hoạt động nhằm giáo dục về lịch sử, khơi gợi niềm tự hào dân tộc trong mỗi đoàn viên, thanh niên; đồng thời cũng là sân chơi giúp các em rèn luyện ngoại ngữ. Hội thi thu hút 30 thí sinh tham gia với 23 tác phẩm, kết quả có 1 giải nhất, 2 giải nhì và 3 giải ba.
Là một trong những đoàn viên dự thi, em Phùng Xuân Phúc (HS lớp 12A11, Trường THPT Đông Thạnh) chọn đề tài về nhân vật Nguyễn Trung Trực và Khu di tích lịch sử Vàm Nhựt Tảo. Phúc chia sẻ: "Em đã có dịp đến thăm khu di tích và được tìm hiểu về những chiến công anh dũng của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực. Cảm phục trước sự hy sinh của thế hệ đi trước, em quyết định giới thiệu về địa danh này đến nhiều bạn bè". Phần thi của Phúc đoạt giải ba.
Phúc nói: “Chuyến đi ấy rất vui và ý nghĩa. Vì vậy, em muốn truyền tải niềm tự hào về một nhân vật lịch sử vĩ đại ở Long An qua phần dự thi. Hơn nữa, khi tìm hiểu, thực hiện video, em còn tích lũy thêm nhiều kiến thức lịch sử”.
Cùng cảm nghĩ với Phúc, em Võ Thị Xuân Phương (HS lớp 12A11, Trường THPT Đông Thạnh) cũng thêm hiểu biết về các khu di tích lịch sử sau khi tham gia hội thi. Phương chọn đề tài giới thiệu Dinh Độc Lập cùng một người bạn và đoạt giải ba.
Phương chia sẻ: “Em tìm hiểu về các khu di tích lịch sử qua mạng và rất hứng thú với Dinh Độc Lập. Vì thế, em quyết định tham khảo các tài liệu và giới thiệu về di tích này. Em cảm thấy tự hào vì qua cuộc thi, em có thể giới thiệu với thầy, cô và các bạn về những di tích lịch sử của nước mình. Hoạt động này giúp em trau dồi kỹ năng nghe, nói, thuyết trình trước đám đông”.
Mỗi mô hình mới, cách làm hay, công trình sáng tạo trong hoạt động Đoàn trường đều mang đến những ý nghĩa khác nhau, góp phần nâng cao kiến thức, phát huy sức trẻ, giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống. Với ý nghĩa tích cực ấy, các Đoàn trường đều mong muốn có thể duy trì và nhân rộng những mô hình trong tương lai./.
Hoàng Lan