Tiếp tục chuyến thăm và làm việc tại một số tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long, sáng nay (21/2), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Cà Mau về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng-an ninh, công tác xây dựng Đảng năm 2016, nhiệm vụ và giải pháp năm 2017.
Cùng dự buổi làm việc có các ông: Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương; Nguyễn Văn Nên, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương; cùng nhiều đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Cà Mau
Báo cáo với Tổng Bí thư và đoàn công tác về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, công tác xây dựng Đảng năm 2016, ông Dương Thanh Bình, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau khẳng định, năm 2016, mặc dù trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn, nhất là do nước mặn xâm nhập và nắng hạn kéo dài gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân; nhưng được sự chỉ đạo kịp thời của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và sự hỗ trợ giúp đỡ của các Bộ, ngành Trung ương, cùng với sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, tỉnh Cà Mau đạt được nhiều kết quả quan trọng và khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Có 16/20 chỉ tiêu chủ yếu theo Nghị quyết năm 2016 của Tỉnh ủy đề ra đạt và vượt. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 5,2%, thu nhập bình quân trên đầu người đạt 36,5 triệu đồng.
Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được chú trọng, trong đó thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.
Các tập thể, cá nhân xây dựng kế hoạch thực hiện gắn với nhiệm vụ chính trị của mình; tập thể lãnh đạo cấp trên, người đứng đầu phải nêu gương thực hiện để cấp dưới làm theo; nhất là những việc cần làm ngay. Tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở được sắp xếp, kiện toàn, theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu quả; chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức được nâng lên.
Phát biểu tại buổi làm việc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, Cà Mau là tỉnh cực Nam của Tổ quốc, là một trong 4 tỉnh thuộc tứ giác khu kinh tế trọng điểm Tây Nam bộ, nằm trong hành lang phía nam Dự án phát triển tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng.
Cà Mau có vị trị địa lý, có điều kiện tự nhiên thuận lợi phát triển. Cà Mau có đất đai mầu mỡ, lượng phù sa lớn, tài nguyên rừng phong phú với diện tích hơn 100.000 ha, có bờ biển dài 250 km, ngư trường rộng 80.000 km2, là một trong 4 ngư trường lớn nhất của cả nước. Đây cũng là tỉnh có truyền thống anh hùng, nhân dân cần cù sáng tạo, đây là những nguồn lực tinh thần to lớn để Cà Mau phát triển mãnh mẽ hơn nữa.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, sau 20 năm tái lập tỉnh, Cà Mau đã có bước phát triển rất đáng tự hào. Bộ mặt thành thị nông thôn thay đổi rõ rệt, nhất là về cơ sở vật chất. Việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế được tiến hành mạnh mẽ, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều giảm xuống còn dưới 7%, thu ngân sách dù còn thấp so với mặt bằng chung của cả nước, nhưng so với những ngày đầu mới tái thành lập tỉnh vẫn rất đáng tự hào.
Tổng Bí thư nghe giới thiệu về dự án cảng Hòn Khoai
Tổng Bí thư cũng chia sẻ với những khó khăn mà Cà Mau đang gặp phải, đó là kinh tế, xã hội có xuất phát điểm thấp, kết cấu hạ tầng vần còn yếu kém, giao thông bị chia cắt. Tình trạng hạn hán, nước biển dâng, bờ biển sạt lở, thiếu nước ngọt sinh hoạt tác động không nhỏ đến cuộc sống sinh hoạt của người dân. Nhu cầu đầu tư phát triển lớn, trong khi khả năng cân đối ngân sách còn hạn hẹp.
Về phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu Cà Mau tiếp tục nghiên cứu và thường xuyên rà soát quy hoạch để sát với tình hình thực tế của tỉnh với tinh thần là phát huy mạnh hơn nữa, khai thác tốt hơn nữa những tiềm năng thế mạnh của Cà Mau. Trên cơ sở đó xác định khâu ưu tiên, xác định lộ trình bước đi cho đúng đắn, phù hợp với khả năng thực tế.
Theo Tổng Bí thư, một số hướng ưu tiên phát triển trong thời gian tới của Cà Mau bao gồm phát triển nông, lâm, ngư nghiệp, với trọng tâm, mũi nhọn là nuôi trồng, chế biến tôm; tiếp tục phát triển kinh tế biển, đánh bắt xa bờ, nghiên cứu phát triển mạnh hơn nữa điện gió, năng lượng sạch, quan tâm giữ gìn, bảo vệ môi trường sinh thái, giữ gìn bảo vệ rừng, ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong quá trình phát triển đi lên, Cà Mau phải giải quyết cho được mâu thuẫn giữa nhu cầu đầu tư, phát triển và khả năng cân đối ngân sách.
“Phải động viên sức mạnh của toàn dân, của toàn xã hội, của cả hệ thống chính trị, phát huy, khai thác mọi nguồn lực, các tầng lớp nhân dân, tăng cường liên kết vùng, tranh thủ sự giúp đỡ của nhân dân, bằng nhiều nguồn, nhưng tự mình chủ động là chính”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.
Tổng Bí thư cũng yêu cầu Cà Mau tiếp tục làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, phát huy vai trò đầu tầu, gương mẫu của lãnh đạo, cán bộ đảng viên, triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về xây dựng Đảng.
Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Vấn đề có ý nghĩa quyết định, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, công tác lãnh đạo đóng vai trò quyết định ngoài việc huy động sức dân. Cái đầu suy nghĩ của lãnh đạo cực kỳ quan trọng. Như các đồng chí vừa nói, lãnh đạo cũng phải đổi mới tư duy, bài bản hơn, tập trung hơn, quyết liệt hơn, tất cả vì nước, vì dân, vì sự phát triển của tỉnh. Không phải chỉ cốt làm cho hết nhiệm kỳ, rồi lo người thay thế, như thế là không được”.
Tổng Bí thư đồng tình với những kiến nghị, đề xuất của tỉnh, đồng thời giao cho các cơ quan chức năng xử lý.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tham quan khu du lịch Khai Long, xã Đất Mũi
Trước đó, chiều 20/2, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến khảo sát công trình kè tạo bãi trồng rừng lấn biển và Công viên văn hóa ở xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.
Tác động bất lợi của biến đổi khí hậu, nước biển dâng đối với đồng bằng Sông Cửu Long là rất lớn, trong đó tỉnh Cà Mau là vùng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do địa hình thấp so với mặt biển và có 3 phía tiếp giáp biển. Trong những năm gần đây, tình trạng sạt lở đất ven Biển Đông và Biển Tây diễn ra rất nghiêm trọng.
Để khắc phục nguy cơ sạt lở ngày càng trầm trọng, tỉnh Cà Mau đã huy động các nguồn lực để xây dựng hệ thống đê kè chắn sóng biển, trong đó Mũi Cà Mau là một trong những điểm được tỉnh quan tầm đầu tư bảo vệ. Hiện tỉnh đã triển khai xây dựng được 22 km kè chắn sóng, tạo ra gần 120 ha đất trồng rừng.
Tổng Bí thư trồng cây lưu niệm tại khu Công viên văn hóa ở xã Đất Mũi
Tiếp đó, Tổng Bí thư đến khu du lịch Khai Long, nghe báo cáo phương án đầu tư cảng nước sâu Hòn Khoai và Dự án điện gió Khai Long. Cảng Hòn Khoai được quy hoạch là cảng tổng hợp quốc gia, có thể đón các tàu biển có dung tích, tải trọng lớn trên thế giới.
Cảng được xây dựng trên đảo Hòn Khoai, cách bờ biển khoảng 17 km. Việc sớm triển khai và hoàn thành dự án cảng biển tổng hợp Hòn Khoai sẽ góp phần hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật thiết yếu cho khu vực ĐBSCL, giúp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá trực tiếp không qua TPHCM, góp phần đảm bảo an ninh, quốc phòng.
Theo thiết kế, Dự án Điện gió Khai Long-Cà Mau có 50 turbine, tổng công suất 100 MW, tổng vốn đầu tư trên 5.000 tỷ đồng. Khi dự án hoàn thành xây dựng và đưa vào vận hành khai thác sẽ cung cấp 328 triệu KWh cho lưới điện quốc gia, góp phần thay đổi diện mạo Đất Mũi Cà Mau./.
Xuân Dần/VOV.VN