Ngày Pháp luật Việt Nam (9/11) năm nay với chủ đề nâng cao năng lực xây dựng, thực thi pháp luật; giáo dục ý thức tôn trọng, tuân thủ và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật. Đây là giải pháp quan trọng, cần phải làm ngay, bởi thực tế, tình trạng vi phạm pháp luật còn diễn ra ngày càng phổ biến, đa dạng, phức tạp ở nhiều lĩnh vực.
Về vấn đề này, phóng viên VOV phỏng vấn Đại tá, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Cảnh Thìn - Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tội phạm học và điều tra tội phạm (Học viện Cảnh sát nhân dân).
Đại tá, Phó Giáo sư Tiến sỹ Đỗ Cảnh Thìn
PV: Ông đánh giá thế nào về công tác sửa đổi, ban hành đạo luật thời gian qua?
PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn: Một trong những yêu cầu rất quan trọng trong công tác xây dựng nhà nước pháp quyền là xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật. Đó là là một quá trình liên tục, vừa cấp bách vừa lâu dài.
Thời gian qua, Quốc hội cũng như các cơ quan chức năng đã rất quan tâm chú trọng việc này và đã đạt được những bước tiến lớn. Để đáp ứng yêu cầu quản lý xã hội được trật tự, kỷ cương, đảm bảo an ninh trật tự cũng như phòng, chống tội phạm thì mọi hoạt động của xã hội phải có sự điều chỉnh bằng pháp luật. Bởi lẽ, nhà nước quản lý bằng pháp luật và pháp luật là công cụ, phương tiện để nhà nước điều hành xã hội an toàn, hiệu quả.
Tuy nhiên, việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật của nước ta trong thời gian qua cũng còn những khó khăn, hạn chế, vướng mắc; nhiều lĩnh vực cần phải có luật để điều chỉnh, tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động có liên quan thực hiện nhưng còn chậm ban hành.
Về chất lượng một số luật, đạo luật và các văn bản pháp quy khác cũng còn những hạn chế như thiếu sự đồng bộ của hệ thống pháp luật; luật ban hành chưa sát với thực tiễn nên chậm đi vào cuộc sống; còn những sơ hở, sai sót trong xây dựng và ban hành các văn bản pháp luật nên phải bổ sung, sửa đổi nhiều; có văn bản pháp luật chủ yếu quan tâm đến tính hợp pháp mà chưa chú trọng đến tính hợp lý…
PV: Ông nghĩ sao khi thời gian qua có nhiều vụ việc người dân tự xử, không cần đến pháp luật?
PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn: Việc người dân tự hành động, tự gây ra những việc làm không tuân thủ pháp luật là biểu hiện sự hiểu biết pháp luật của người dân còn nhiều hạn chế, nhất là vùng sâu, xùng xa, vùng kinh tế khó khăn; đồng thời, đây cũng là hiện tượng coi thường kỷ cương, phép nước, dân chủ quá trớn. Điều này sẽ dẫn đến những hậu quả tiêu cực cho xã hội và cho chính người có hành vi “tự xử”. Đây cũng còn là biểu hiện của hiệu lực, hiệu quả trong việc thực thi pháp luật trong đời sống chưa cao.
Tình trạng này xuất phát từ việc công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật chưa đầy đủ, chưa kịp thời và chưa phù hợp với từng đối tượng cụ thể. Nếu một người biết rõ hành vi “tự xử” nhất định sẽ bị pháp luật trừng trị, nhất định sẽ bị lên án và bản thân cũng như gia đình sẽ phải lãnh chịu những hậu quả nặng nề nhiều mặt thì họ sẽ tự biết kiềm chế.
Do thiếu hiểu biết pháp luật nên nhiều người không hiểu được cụ thể về những việc được làm, những việc không được làm.
Thứ hai là ý thức công dân của một số bộ phận người dân chưa cao. Họ không ý thức được trách nhiệm và nghĩa vụ của một công dân.
Thứ ba, hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, còn nhiều sơ hở, thiếu sót và việc thực thi pháp luật trong đời sống của các cơ quan có thẩm quyền, cơ quan chức năng cũng chưa thực sự tốt; việc đảm bảo tính đúng đắn, nghiêm minh, công bằng của pháp luật trong đời sống còn có những hạn chế dẫn đến thiếu lòng tin vào các cơ quan bảo vệ pháp luật và thiếu niềm tin vào pháp luật.
Bởi vì, để tinh thần thượng tôn pháp luật hiện thực trong đời sống đòi hỏi các điều kiện là người dân được hiểu biết pháp luật hơn, luật pháp đầy đủ hơn, thực thi một cách nghiêm túc hơn.
Trong việc bảo đảm pháp luật được thực thi hiệu quả thì vai trò của người đứng đầu trong cấp, mỗi ngành, mỗi cơ quan, tổ chức là rất quan trọng. Bởi vì, họ không chỉ là người gương mẫu chấp hành mà còn là người tổ chức thực hiện. Nếu người đứng đầu thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, thiếu ý thức tôn trọng pháp luật, không chấp hành đúng đắn các quy định của pháp luật sẽ ảnh hưởng đến cả một hệ thống và tổ chức bộ máy đó.
Thực tế đã chỉ ra rằng, ở nơi nào người đứng đầu thiếu kiến thức về pháp luật, không quan tâm thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật, thậm chí là tiêu cực, phạm pháp thì nơi đó thường xảy ra hiện tượng thiếu kỷ cương, pháp luật không được tôn trọng, thường dẫn đến hành vi nguy hiểm cho xã hội, trong đó có hành vi tội phạm.
PV: Có ý kiến cho rằng, đôi khi chúng ta đổ lỗi do lỗ hổng pháp lý, nhưng nhiều lĩnh vực pháp luật có đầy đủ mà không được thực hiện nghiêm túc. Ông có bình luận gì về ý kiến trên?
PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn: Ý kiến đó có những cơ sở thực tiễn. Thời quan qua, có nhiều cơ quan, tổ chức, đặc biệt là người có trách nhiệm thực thi pháp luật không thực sự hiểu biết về pháp luật, không nắm đúng chức năng, nhiệm vụ của mình cũng như sử dụng pháp luật được nhà nước ban hành vào trong việc quản lý xã hội, quản lý công việc dẫn đến hiện tượng lợi dụng trong luật, coi thường, bất chấp pháp luật.
Có luật là điều kiện cần nhưng quán triệt, tổ chức thực hiện, chấp hành và thực thi pháp luật trong đời sống là điều kiện đủ. Nếu không đảm bảo hai vế đó pháp luật sẽ không hiện hữu trong đời sống hàng ngày một cách đúng đắn nhất.
PV: Theo ông, làm thế nào để để đảm bảo tính thượng tôn pháp luật?
PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn: Chúng ta phải tiếp tục xây dựng hệ thống pháp luật một cách tiến bộ, hoàn chỉnh, đầy đủ, bắt kịp thực tiễn cuộc sống trong mọi lĩnh vực. Pháp luật phải được tuyên truyền, phổ biến, giáo dục đến mọi người dân và phải phù hợp với đối tượng, hoàn cảnh khác nhau để người dân hiểu, nắm được pháp luật thì mới có thể chấp hành pháp luật trong đời sống.
Xây dựng ý thức pháp luật để người dân tự giác thực hiện pháp luật, trở thành nếp sống, thành văn hóa hàng ngày. Đồng thời tạo được niềm tin cho người dân vào cơ quan bảo vệ pháp luật cũng như các cơ quan công quyền nhằm loại bỏ những nguyên nhân và điều kiện để cho những người vì động cơ, mục đích vụ lợi tìm những sơ hở của pháp luật để vi phạm pháp luật.
PV: Xin cảm ơn ông./.
Kim Anh/VOV.VN