Tiếng Việt | English

17/02/2016 - 14:16

“Luật Biểu tình- sao cứ lùi đi lùi lại mãi?”

Ủy ban Thường vụ Quốc hội không đồng ý với Tờ trình của Chính phủ xin lùi trình Quốc hội dự án Luật Biểu tình.

Sáng 17/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) họp phiên thứ 45 cho ý kiến về đề nghị điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016.

Theo Chương trình được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ X, dự án Luật Biểu tình sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp XI.

Theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, còn nhiều ý kiến khác nhau trong Chính phủ về nội dung dự án Luật Biểu tình

Báo cáo trước UBTVQH sáng nay, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, Chính phủ đề nghị lùi trình dự án Luật Biểu tình và sẽ báo cáo Quốc hội cho phép đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh vào thời điểm thích hợp.

Lý do được đưa ra là ý kiến của các thành viên Chính phủ về một số nội dung lớn của dự án Luật còn rất khác nhau, cần phải tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý tạo sự đồng thuận cao hơn, như đối tượng điều chỉnh; những người không được tổ chức tham gia biểu tình; thẩm quyền cho đăng ký biểu tình; vấn đề áp dụng các biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội đối với hoạt động biểu tình…

Bên cạnh đó, nội dung của dự án Luật Biểu tình có liên quan chặt chẽ đến một số văn bản khác như dự án Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sẽ trình Quốc hội khóa XIV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ II); Pháp lệnh về tình trạng khẩn cấp (đang nghiên cứu để xây dựng Luật)…

Do vậy, để có thêm thời gian nghiên cứu, chính lý, hoàn thiện dự án Luật theo đúng mục tiêu, quan điểm đã xác định, bảo đảm chất lượng, tính khả thi, đồng bộ với các văn bản khác có liên quan, Chính phủ đề nghị UBTVQH cho phép chưa trình dự án Luật Biểu tình tại Kỳ họp thứ XI của Quốc hội khóa XIII.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh Chính phủ không trình được dự án Luật Biểu tình phải chịu trách nhiệm, báo cáo rõ lý do trước Quốc hội

Nêu quan điểm về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện đặt vấn đề quyền biểu tình là 1 trong những quyền rất cơ bản của công dân, tại sao cứ lùi đi lùi lại mãi và theo tờ trình của Chính phủ thì không biết lùi đến bao giờ.

Còn Chủ nhiệm Ủy ban An ninh Quốc phòng Nguyễn Kim Khoa cho rằng phải khẩn cấp xây dựng dự án Luật Biểu tình để bảo đảm quyền con người, quyền công dân được quy định trong Hiến pháp và “làm luật này để bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội chứ không phải đợi ổn định an ninh quốc gia mới làm luật này”.

Nhấn mạnh dự án Luật Biểu tình được Quốc hội bàn và quyết định, Bộ Chính trị cũng đã quyết định xây dựng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu quan điểm, Chính phủ không trình được phải chịu trách nhiệm, báo cáo rõ lý do trước Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội không đồng ý cho lùi xây dựng dự án Luật Biểu tình./.

Ngọc Thành/VOV.VN 

Chia sẻ bài viết