Tiếng Việt | English

08/12/2016 - 20:07

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh Long An khóa IX

“Nóng” các vấn đề cử tri và đại biểu quan tâm

Ngày 8/12, kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh Long An khóa IX bước sang ngày thứ 3 và cũng là ngày làm việc cuối cùng. Dưới sự điều hành của Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Phạm Văn Rạnh, kỳ họp tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn với nhiều vấn đề “nóng” được cử tri và đại biểu (ĐB) đặc biệt quan tâm.


Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Phạm Văn Rạnh phát biểu bế mạc kỳ họp

"Phiên chất vấn và trả lời chất vấn được thực hiện khá tốt, tiếp tục phát huy tinh thần dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm cao, có sự tiếp thu nghiêm túc và cầu thị lắng nghe."

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Phạm Văn Rạnh

Dự án đầu tư chậm triển khai

Mở đầu phiên chất vấn, ĐB HĐND tỉnh đơn vị huyện Cần Giuộc - Nguyễn Hữu Tuấn đặt vấn đề, trên địa bàn tỉnh hiện còn một số dự án (DA) treo, DA cho chủ trương lâu nhưng đến nay vẫn chưa triển khai thực hiện. Điều đáng nói, hầu hết các DA này được gia hạn nhiều lần, cử tri bức xúc, kiến nghị cũng nhiều lần nhưng vẫn chưa có chủ trương thu hồi.

Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư - Nguyễn Văn Tiều cho rằng, DA Khu đô thị Năm Sao, tổng diện tích khoảng 200ha, gồm 103ha tại xã Phước Lý, huyện Cần Giuộc và 97ha tại xã Long Trạch, Long Khê, huyện Cần Đước do Công ty (Cty) Cổ phần Tập đoàn Quốc tế Năm Sao làm chủ đầu tư. Nguyên nhân DA này triển khai chậm là do gần 47% số hộ dân trong vùng DA (thuộc huyện Cần Đước) không đồng ý kê biên; chủ đầu tư lập quy hoạch xây dựng (chi tiết tỷ lệ 1/2.000) đối với toàn bộ diện tích khu đô thị là 200ha, nếu thu hồi phần diện tích 97ha tại huyện Cần Đước thì sẽ phá vỡ toàn bộ quy hoạch này. Mặt khác, tỉnh cho Cty gia hạn bồi thường đến quí I-2016 nhưng đến nay, Cty vẫn chưa thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng. Sắp tới, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ làm việc một lần nữa với nhà đầu tư để báo cáo đề xuất UBND tỉnh thu hồi DA.

Đối với quần thể DA 1.900ha, gồm 4 DA: Cảng (147ha), khu công nghiệp (KCN) (396ha), khu dịch vụ công nghiệp (239ha), khu đô thị mới (1.145ha), trước đây, do Cty TNHH Thương mại Xây dựng ACM làm chủ đầu tư, sau đó chuyển toàn bộ quyền liên quan đến DA cho Cty Vina Capital Group. Tiếp theo đó, Cty Vina Capital Group chuyển toàn bộ DA cho Cty Cổ phần Đồng Tâm quản lý; trong đó, DA cảng và KCN hoàn thành thủ tục pháp lý chuyển nhượng, còn DA khu dịch vụ công nghiệp và khu đô thị mới thì hai bên còn tranh chấp.

Theo ông Nguyễn Văn Tiều, việc chậm trễ thực hiện quần thể trên nguyên nhân là còn 45ha người dân chưa chịu nhận tiền bồi thường và UBND tỉnh chỉ cho triển khai giai đoạn 1 là 415ha, khi bồi thường xong mới cho triển khai giai đoạn 2 với phần diện tích còn lại là 1.500ha. Bên cạnh đó, việc DA chậm triển khai còn do UBND huyện chưa thật sự quyết liệt trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Giải pháp sắp tới, đối với phần diện tích DA thuộc giai đoạn 1 chưa bồi thường, sở sẽ kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo huyện Cần Giuộc chủ trì phối hợp các ngành chức năng tập trung giải quyết để triển khai bồi thường, giải phóng mặt bằng. Khi thực hiện hoàn thành bồi thường giai đoạn 1, sở sẽ đề xuất UBND tỉnh việc triển khai giai đoạn 2.

9 KCN thành phần trong KCN Đức Hòa chậm triển khai thực hiện gồm: Minh Ngân, Đức Lợi, AMIC, SLICO, RESCO, Long Việt, Long Đức, Liên Thành và Mười Đây gây nhiều bức xúc cho cử tri trên địa bàn tỉnh. Sau thời gian tích cực tháo gỡ khó khăn, đến nay, có 2 KCN triển khai thực hiện: KCN Minh Ngân do Cty Địa ốc Minh Ngân làm chủ đầu tư (147ha), KCN Đức Lợi do Cty TNHH Thương mại Dịch vụ Đức Lợi làm chủ đầu tư (110ha). Ông Nguyễn Văn Tiều cho biết, việc chậm triển khai trước hết là do nhà đầu tư chưa tích cực trong việc triển khai đầu tư hạ tầng kỹ thuật; đồng thời, cũng có trách nhiệm quản lý nhà nước của Ban Quản lý Khu kinh tế, chưa tập trung đôn đốc, xử lý việc chậm trễ này. Đến hết tháng 12-2016, nếu nhà đầu tư vẫn không lập thủ tục điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thì Ban Quản lý Khu kinh tế sẽ tham mưu UBND tỉnh thu hồi đất đã cho thuê đối với 7 KCN chậm triển khai theo đúng quy định tại Điều 64, Luật Đất đai hiện hành.


Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Đại biểu HĐND tỉnh (đơn vị huyện Cần Giuộc) chất vấn

Vẫn còn án bị hủy, cải sửa do lỗi của thẩm phán

Theo các báo cáo của Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND), Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh, năm 2016, còn một số tồn tại, hạn chế như: Án bị hủy tuy có giảm so với cùng kỳ nhưng vẫn còn 48 vụ, do lỗi chủ quan của thẩm phán. Án bị cải sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán 175 vụ. TAND tỉnh trả hồ sơ điều tra bổ sung cho VKSND cùng cấp 34 vụ, VKSND cùng cấp chỉ chấp nhận 26 vụ, còn 8 vụ,... Từ những hạn chế trên, ĐB HĐND tỉnh đơn vị huyện Tân Trụ - Nguyễn Minh Hùng đề nghị ngành tòa án cho biết nguyên nhân và giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Theo Chánh án TAND tỉnh - Lê Văn Lợi, nguyên nhân dẫn đến những án bị hủy, sửa của TAND 2 cấp thời gian qua do: Về tố tụng, một số vụ việc dân sự thường bị hủy do có những sai sót như xác định chưa đầy đủ, chưa đúng tư cách của người tham gia tố tụng,... Về nội dung và áp dụng lối xét xử, một số trường hợp do thẩm phán chưa xem xét, đánh giá một cách toàn diện và khách quan vụ án,... Bởi số lượng án mỗi thẩm phán phải phụ trách giải quyết quá nhiều, chịu nhiều áp lực từ phía các đương sự, áp lực về thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật tố tụng,...

Để khắc phục, TAND 2 cấp tiếp tục duy trì việc kiểm tra công tác chuyên môn nhằm kịp thời phát hiện hạn chế, thiếu sót, rút kinh nghiệm trong toàn hệ thống TAND 2 cấp. Khi có vụ án bị hủy, tổ chức họp kiểm điểm, rút kinh nghiệm, làm rõ các nguyên nhân của vụ việc bản án, quyết định bị hủy; tổ chức bồi dưỡng kiến thức chuyên môn và trao đổi nghiệp vụ kịp thời; tăng cường công tác điều động, biệt phái thẩm phán đến những đơn vị có số lượng án quá nhiều hoặc đến những địa bàn có nhiều vụ việc tranh chấp có tính chất phức tạp,...

Riêng đối với 6 vụ (trong 8 vụ TAND tỉnh trả hồ sơ điều tra bổ sung) còn lại của TAND cấp huyện trả hồ sơ cho VKSND cùng cấp để điều tra bổ sung nhưng không được VKSND chấp thuận do thời gian gấp rút, TAND tỉnh chưa cập nhật kịp thời, sẽ tiếp tục kiểm tra, đối chiếu lại sau, nếu có sai sót sẽ kịp thời chấn chỉnh và rút kinh nghiệm. Thời gian tới, TAND tỉnh phối hợp chặt chẽ hơn với các cơ quan liên quan, tiến hành tố tụng từ khâu điều tra, truy tố, xét xử để chất lượng giải quyết án hình sự ngày một nâng lên.

Vùng hạ vẫn “khát” nước

Nhiều năm qua, cử tri vùng hạ Cần Đước, Cần Giuộc đề nghị các ngành chức năng quan tâm đầu tư nước sạch, nước hợp vệ sinh, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất. Tuy nhiên, đến nay, người dân nơi đây vẫn thiếu nước sử dụng, phải mua với giá rất cao mà chất lượng không bảo đảm. Vấn đề này được phản ánh nhiều lần tại các kỳ họp HĐND tỉnh nhưng đến nay vẫn chưa cải thiện được. Tại kỳ họp lần này, ĐB Nguyễn Hữu Tuấn tiếp tục hỏi: Khi nào người dân mới được cấp nước hợp vệ sinh để cuộc sống bớt khó khăn? Trách nhiệm thuộc về ai?


Người dân huyện Cần Giuộc thiếu nước sinh hoạt

Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần cho rằng, do ngân sách nhà nước không thể đầu tư được nên từ năm 2008-2009, tỉnh mời gọi các nhà đầu tư trong nước, kể cả ngoài nước nghiên cứu các DA đầu tư. Đến năm 2014, UBND tỉnh chính thức ban hành văn bản cho phép công ty lập dự án cấp nước đầu tư các huyện Cần Đước, Cần Giuộc. Theo đó, có nhiều nhà đầu tư đến khảo sát đầu tư nhưng giá thành cao nên không triển khai được. Đến năm 2015-2016, tỉnh mới có giải pháp khả thi và hiện nay, có 4 nhà đầu tư triển khai thực hiện. Ngoài nguyên nhân chủ quan là tính hiệu quả thấp, năng lực tài chính của nhà đầu tư hạn chế, còn do thiếu sự tập trung trong chỉ đạo, điều hành và sự phối hợp chưa tốt giữa các cơ quan chức năng từ tỉnh đến xã. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai các DA, để người dân vùng hạ Cần Đước, Cần Giuộc sớm có nước hợp vệ sinh sử dụng.

Doanh nghiệp “nợ” bảo hiểm xã hội

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, tình trạng doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội có chiều hướng gia tăng, dẫn đến công nhân, lao động không chốt được sổ bảo hiểm y tế, kể cả những công nhân, lao động đã chấm dứt hợp đồng lao động. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp còn cố tình trốn đóng bảo hiểm xã hội, gây thất thoát ngân sách và thiệt thòi rất lớn cho người lao động. Liên quan đến vấn đề này, ĐB HĐND tỉnh đơn vị huyện Cần Đước - Nguyễn Thị Thanh Thúy đề nghị, UBND tỉnh có những giải pháp nhằm khắc phục tình trạng trên, góp phần giữ vững ổn định an ninh, trật tự, an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.


Còn nhiều lao động chưa được doanh nghiệp mua bảo hiểm xã hội

Theo Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần, UBND tỉnh chỉ đạo Bảo hiểm Xã hội tỉnh phối hợp các ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã Kiến Tường, TP.Tân An đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế đến tất cả các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao ý thức tự giác thực hiện nghĩa vụ; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ dễ dàng hơn. Tăng cường công tác kiểm tra để quản lý việc thực hiện nghĩa vụ của các doanh nghiệp, bảo đảm sự chấp hành nghiêm của các doanh nghiệp; đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng cho việc khởi kiện ra tòa án các doanh nghiệp cố tình vi phạm luật, không bảo đảm quyền lợi cho người lao động.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Phạm Văn Rạnh đánh giá, phiên chất vấn và trả lời chất vấn được thực hiện khá tốt, tiếp tục phát huy tinh thần dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm cao, có sự tiếp thu nghiêm túc và cầu thị lắng nghe./.

Phong Nhã – Văn Đát

Chia sẻ bài viết