Phù điêu tượng Phật và chiếc nhẫn vàng hình bò thần
PGS-TS Bùi Văn Liêm, Phó chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, đánh giá: “Cuộc khai quật khu di tích khảo cổ học Óc Eo - Ba Thê (An Giang), Nền Chùa (Kiên Giang) là cuộc khai quật phát hiện khối lượng di tích di vật lớn nhất”.
Theo Viện hàn lâm Khoa học xã hội, số lượng di vật tìm thấy lên tới gần 2,8 triệu hiện vật. Trong đó, tại khu di tích Óc Eo - Ba Thê tìm thấy hơn 2,3 triệu hiện vật, tại Nền Chùa tìm thấy 414.446 hiện vật khảo cổ.
Đây là những con số được đưa ra tại hội thảo công bố kết quả Đề án “Nghiên cứu khu di tích khảo cổ học Óc Eo - Ba Thê, Nền Chùa (Văn hóa Óc Eo Nam bộ)” sáng 25/3 tại Hà Nội.
Bảo vật quốc gia nhẫn vàng hình bò Nandin
ẢNH CỤC DI SẢN CUNG CẤP
Trong số các di vật này, có 2 hiện vật Óc Eo đã mau chóng được làm hồ sơ bảo vật Quốc gia, rồi trở thành bảo vật trong đợt công nhận mới nhất cuối 2021. Đó là phiến đá khắc hình tượng Phật di tích Linh Sơn Bắc và nhẫn bò Nandin bằng vàng. “Đây đều là những bảo vật khi mang ra hội đồng di sản Quốc gia đã nhận được tỷ lệ đồng thuận rất cao. Một cuộc khai quật tìm thấy nhiều bảo vật như thế là hiếm”, PGS-TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, nói.
Theo Viện nghiên cứu kinh thành, phiến đá cũng là phù điêu tượng Phật còn nguyên vẹn, được làm từ đá granite, có kích thước cao 92 cm, rộng từ 65 - 74 cm, dày 28 cm. Trên mặt tấm đá này, phù điêu được chạm khắc nổi hình một tượng Phật đang trong tư thế ngồi thiền, tay chắp trước ngực, hai mắt khoét sâu to, rộng, phía đưới có 3 chữ Phạn.
Bảo vật quốc gia phù điêu hình tượng Phật
ẢNH CỤC DI SẢN CUNG CẤP
Hồ sơ bảo vật quốc gia cho biết bức Phù điêu Phật Linh Sơn Bắc được tìm thấy ở di tích Linh Sơn Bắc có kỹ thuật tạo hình vô cùng đơn giản, trên tổng thể chỉ có thể nhìn nhận thấy hình ảnh của Đức Phật ngồi tọa thiền, còn các chi tiết không được tạo tác một cách cụ thể. Điều đó có thể thấy được đây là một sản phẩm được tạo ra vào thời kỳ mà Phật giáo mới được du nhập vào nên kỹ thuật điêu khắc và những hình ảnh về nghệ thuật Phật giáo chưa được nhận thức một cách rõ ràng.
Trong khi đó, chiếc nhẫn vàng có hình bò thần được đúc nguyên khối. Phía trên là hình ảnh bò thần Nandin (vật thiêng để cưỡi của thần Shiva), được tạo hình theo phong cách tả thực tai, mắt, sừng, móng, chùm lông ở đuôi. Hai bên thành nhẫn phía sau và phía trước của bò Nandin được trang trí hoa văn cánh hoa sen hay hình lá cây trông như hình chiếc đinh ba.
Lá vàng có hình người và hoa sen
ẢNH VIỆN NGHIÊN CỨU KINH THÀNH CUNG CẤP
Theo hồ sơ bảo vật Quốc gia, đặc điểm hình dạng và cấu trúc tổng thể của nhẫn cho thấy đây là hiện vật thuộc loại đẹp nhất trong các hiện vật vàng của Óc Eo. Đặc biệt, nó được tìm thấy trong địa tầng khảo cổ học của một di tích quan trọng trong khu di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo - Ba Thê. Không có bất cứ hiện vật nào trong số các hiện vật cùng loại đã được biết có cùng kiểu thể hiện như hiện vật tìm được tại địa điểm Giồng Cát.
Vô số vàng, trang sức
Theo PGS-TS Bùi Minh Trí, các hiện vật vàng, trang sức, đá quý được tìm thấy khi khai quật di tích Óc Eo - Ba Thê và Nền Chùa cũng rất dồi dào.
Các nhà khảo cổ đã tìm thấy một gương đồng thời Hán. Mặt gương nhẵn bóng hơi cong lồi. Mặt sau được trang trí hoa văn đúc nổi rất cầu kỳ và tinh xảo. Chính giữa là một núm tròn nổi cao có lỗ xuyên ngang. Xung quanh có 6 dải hoa văn với hình thoi tiền, dàn nhạc công với 4 cặp đôi mặc xiêm áo đang ngồi chơi các loại nhạc cụ,…
Gương đồng thời Hán
ẢNH VIỆN NGHIÊN CỨU KINH THÀNH CUNG CẤP
Đợt khai quật cũng tìm thấy những hạt chuỗi đa diện, hạt chuỗi tròn đều bằng vàng, mảnh lá vàng khắc hình người và hoa sen. Vô số trang sức thủy tinh đã được tìm thấy.
Tại địa điểm khai quật Lung Lớn, mật độ khai quật được hạt chuỗi vô cùng lớn, lên tới hàng nghìn hạt trên mỗi mét vuông khai quật. Điều này cho thấy hạt chuỗi thủy tinh Óc Eo là sản phẩm được thị trường quốc tế ưa chuộng.
Đồ trang sức được tìm thấy với số lượng lớn
ẢNH VIỆN NGHIÊN CỨU KINH THÀNH CUNG CẤP
PGS-TS Đặng Văn Thắng, ĐH KHXH&NV TP.HCM, đánh giá tại Óc Eo - Ba Thê đã tìm thấy nhiều loại hình di vật quý hiếm của nước ngoài như tiền vàng La Mã thời hoàng đế Antoniux Pius (năm 138 - 161 AD), hoàng đế Marc Aurelius (năm 161 - 180 AD), đồ trang sức của La Mã, Ấn Độ, gương đồng thời Hán, gương đồng Tây Á, tiền Ngũ Thù (Trung Quốc),...
Điều này, theo ông Thắng, đã “minh chứng lịch sử giao lưu kinh tế, văn hóa với các nước của đô thị Óc Eo trong lịch sử”.
Hạt chuỗi vàng
ẢNH VIỆN NGHIÊN CỨU KINH THÀNH CUNG CẤP
PGS-TS Tống Trung Tín cho biết các phân tích vi mô bằng phương pháp khoa học tự nhiên hiện đại về đồ thuỷ tinh đang đem lại nhận thức rất sâu về giá trị của loại di vật này với việc định rõ đâu là các loại hạt sản xuất tại chỗ, đâu là các loại hạt nhập khẩu từ La Mã, đâu là hạt nhập từ Ấn Độ. So sánh cũng cho thấy một bộ phận đồ gốm được du nhập từ Trung Quốc, Ấn Độ, Trung Á.
“Những kết quả này có thể cho phép biện luận tiêu chí nổi bật toàn cầu thứ hai: tiêu chí giao thoa văn hoá khi chúng ta xây dựng hồ sơ di sản thế giới gửi UNESCO về văn hoá Óc Eo”./.
Theo Thanh Niên