Chuyển ngành khác vì xin việc khó khăn, lương thấp và nhiều lý do khác
Lưu Hoàng Phương sinh năm 1999, tốt nghiệp loại giỏi ngành sư phạm ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm Huế đã rẽ lối trở thành giáo viên dạy aerobic cho trẻ em ở một trung tâm tại TP.Huế.
"Mình từng mong muốn được làm giáo viên dạy ngữ văn ở một trường THPT nhưng quá trình xin việc của mình cũng gặp nhiều khó khăn nên sau đó mình đã chuyển hướng. Công việc dạy aerobic hiện tại của mình có thể linh hoạt thời gian mà thu nhập cũng hấp dẫn hơn nên mình cũng không có ý định sẽ quay lại làm giáo viên ngữ văn nữa", Phương bộc bạch.
Hoàng Phương (áo trắng, hàng trên cùng, thứ 3 từ phải qua) cùng các em học sinh trong lần thực tập tốt nghiệp. (Ảnh: NVCC)
Giống như Phương, Phạm Hoài São Nhu, 25 tuổi, cựu sinh ngành văn học Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, đã nuôi ước mơ trở thành giáo viên từ bé. Tuy nhiên, sau khi rời giảng đường đại học, cô quyết định từ bỏ ước mơ và đang là nhân viên truyền thông tại một công ty tư nhân ở TP.HCM.
"Chúng ta cũng cần nhìn nhận một cách khách quan về yếu tố kinh tế trong vấn đề giảng dạy đang bị chi phối bởi nhiều yếu tố khác. Với mức lương cơ bản của một giáo viên mới ra trường so với mức sống hiện nay, đặc biệt tại các thành phố lớn thì gần như là muối bỏ biển. Mỗi ngành nghề đều có áp lực riêng, tuy nhiên khi xác định theo nghề giáo thì cũng cần phải học cách thích nghi nếu muốn đi dài lâu", Nhu nói.
Lựa chọn không đi dạy sau khi tốt nghiệp ĐH, Nguyễn Đức Tiệp, tốt nghiệp ngành sư phạm toán, Trường ĐH Vinh, đang học lên thạc sĩ với hy vọng có được một cơ hội tốt hơn. "Trong thời gian học ở trường, mình được nhận nhiều đãi ngộ từ nhà trường dành cho sinh viên cũng như được học với các thầy cô có chuyên môn cao. Tuy nhiên, sau khi ra trường, mặc dù cầm tấm bằng xuất sắc, mình vẫn chưa thể có được một vị trí giảng dạy ở một trường công nào vì nhiều lý do, trong đó mức lương cũng khiến mình nản lòng. Hiện tại, mình chỉ kèm thêm tại nhà và học lên thạc sĩ", Tiệp cho hay.
Phạm Hà My, sinh viên năm 2 của khoa vật lý, Trường ĐH Sư phạm Huế, cho biết cô mong muốn được trở thành giáo viên. Dù vậy, My nhận định đây là ngành khó xin việc, thu nhập thấp và cũng nhiều áp lực dẫn đến tình trạng giáo viên nghỉ việc, ít người lựa chọn theo nghề, My khá lo lắng cho tương lai.
"Theo mình được biết, mức lương khởi điểm của giáo viên sẽ là 4,2 triệu đồng/tháng nhưng mức lương trung bình ở Việt Nam lại rơi vào khoảng 7-8 triệu đồng/tháng. Do đó, giáo viên cần phải làm việc 4 đến 5 năm mới có thể lên tới mức lương trung bình ở thời điểm hiện tại. Chưa kể, sau khi ra trường không phải ai cũng có thể tìm được việc ngay, không phải ai cũng được nhận vào làm chính thức luôn, mà hầu hết nếu may mắn, sau khi tốt nghiệp, sinh viên sư phạm mới được nhận làm hợp đồng chứ chưa được là viên chức. Thực sự, mình cũng không biết sau khi tốt nghiệp có thể tiếp tục theo đuổi đam mê làm cô giáo hay không", My tâm sự.
Nguyễn Khắc Tiệp (thứ 4 từ trái qua) nhận bằng tốt nghiệp xuất sắc ngành sư phạm toán, Trường ĐH Vinh năm 2021. (Ảnh: NVCC)
Trông đợi điều gì trong các chương trình thu hút nhân tài?
Trước thực trạng thiếu hụt giáo viên các cấp, nhiều tỉnh, thành thông báo đề xuất các chính sách thu hút, đãi ngộ giáo viên trong những năm gần đây.
Theo Phạm Hà My, đây là một tín hiệu tích cực khiến cô bớt được phần nào lo lắng cho công việc sau khi tốt nghiệp. "Điều này thể hiện sự quan tâm của nhà nước và lãnh đạo địa phương đối với việc thu hút, giữ chân người có trình độ trong lĩnh vực giáo dục. Việc tăng cường chế độ ưu đãi có thể giúp thu hút được nguồn nhân lực có trình độ cao, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của hệ thống giáo dục địa phương".
Cá nhân My cũng không ngại đến một thành phố khác làm việc sau khi tốt nghiệp nếu ở đó có các chính sách thu hút giáo viên về mặt kinh tế, phúc lợi cũng như cơ hội phát triển sự nghiệp. "Hiện tại, mình cố gắng học tập, trau dồi kiến thức và các kỹ năng cần để có thể tìm được cơ hội tốt sau khi tốt nghiệp thông qua các chính sách đãi ngộ. Tuy nhiên, mình lo lắng là đề xuất này sẽ được thực hiện hóa như thế nào và nó sẽ được đảm bảo tính bền vững ra sao để thực sự có hiệu quả, giúp ích được cho giáo viên", nữ sinh viên bày tỏ.
Còn với Phạm Hoài São Nhu, cô nói: "Dường như việc đãi ngộ, thu hút giáo viên vẫn còn là dự kiến, nhiều tỉnh vẫn chỉ là đề xuất hoặc triển khai chưa đến nơi khiến nhiều người ngại ứng tuyển. Theo tôi, các chính sách này nên làm đồng bộ trên toàn quốc, đặc biệt là ở các tỉnh vùng sâu vùng xa để giáo dục nước nhà có sự cân bằng và đảm bảo quyền lợi của cả giáo viên tại các địa phương lẫn học sinh ở đó".
"Ai cũng mong muốn được trở về làm việc tại quê hương, do đó họ kỳ vọng một mức thu nhập khá, đáp ứng được nhu cầu cơ bản của bản thân và gia đình. Mình cũng hy vọng các thầy cô giáo có thể có được mức lương tốt hơn, xứng đáng với những gì họ bỏ ra, tạo các chính sách lương - thưởng phù hợp để có nguồn nhân lực chất lượng", Nhu nói thêm.
Trong khi đó, Nguyễn Khắc Tiệp mong đợi các tỉnh sớm thực hiện hóa đề xuất để có thể nhanh chóng thu hút được giáo viên trẻ, những người có năng lực đến dạy. "Mình chỉ mong, những điều được đề xuất sẽ sớm thành hiện thực để các giáo viên hay các bạn đang theo học sư phạm không còn áp lực về tài chính, có thêm thời gian để tập trung vào chuyên môn, đặc biệt là đối với các giáo viên có chuyên môn tốt", anh bày tỏ.
Còn Hoàng Phương, dù xác định không làm cô giáo dạy ngữ văn như đã từng mong đợi, cô hy vọng giáo viên được tạo điều kiện phân bổ hợp lý giữa giảng dạy, học tập, hoạt động cộng đồng cho giáo viên; có nhiều môi trường và điều kiện vật chất để giáo viên nghiên cứu khoa học và thể hiện khả năng sáng tạo, đổi mới trong công cuộc dạy và học ngày càng hiệu quả, giảm tình trạng giáo viên nghỉ việc./.
Theo thanhnien.vn
Nguồn: https://thanhnien.vn/7000-giao-vien-nghi-viec-sinh-vien-su-pham-tot-nghiep-loai-gioi-van-lam-nganh-khac-185240511131216837.htm