Tiếng Việt | English

18/01/2018 - 10:03

APPF-26: Vun đắp cộng đồng châu Á-TBD gắn kết và phát triển bền vững

Hội nghị thường niên lần thứ 26 Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương có sự tham dự của 22 đoàn nghị viện thành viên, trong đó có 7 đoàn cấp Chủ tịch Quốc hội, 10 đoàn cấp Phó Chủ tịch Quốc hội.


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì cuộc họp Ban tổ chức APPF-26. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị thường niên lần thứ 26 của Diễn đàn hợp tác Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương (APPF-26) từ ngày 18-21/01/2018. Đây là một sự kiện chính trị đối ngoại quan trọng, mở đầu cho hoạt động ngoại giao của Việt Nam trong năm 2018.

Hội nghị thường niên lần thứ 26 Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương với chủ đề “Quan hệ đối tác nghị viện vì hòa bình, sáng tạo và phát triển bền vững” có sự tham dự của 22 đoàn nghị viện thành viên, trong đó có 7 đoàn cấp Chủ tịch Quốc hội, 10 đoàn cấp Phó Chủ tịch Quốc hội. 

Tham dự sự kiện này còn có Tổng Thư ký Liên minh Nghị viện thế giới, nguyên Chủ tịch Liên minh Nghị viện Thế giới; Tổng thư ký Liên nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á (AIPA).

Các đoàn có số thành viên lớn như: Nhật Bản 36 thành viên, Indonesia 30 thành viên, Campuchia 26 thành viên, Mexico 25 thành viên, Malaysia 25 thành viên, Mông Cổ 21 thành viên, Trung Quốc 20 thành viên, Lào 20 thành viên, Canada 18 thành viên.

Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương được thành lập năm 1993, với sự tham gia của 27 Nghị viện thành viên gồm Australia, Campuchia, Canada, Costa Rica, Chile, Colombia, Trung Quốc, Ecuador, Fiji, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Lào, Malaysia, quần đảo Marshalls, Mexico, Micronesia, Mông Cổ, New Zealand, Papua New Guinea, Peru, Philippines, Nga, Singapore, Thái Lan, Hoa Kỳ và Việt Nam. Ngoài ra, Nghị viện Brunei tham gia với tư cách là quan sát viên.

Quy mô của Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương tuy không lớn như Liên minh Nghị viện thế giới nhưng thành viên của Diễn đàn có nhiều nước lớn có vị trí vai trò và tiếng nói quan trọng trong quan hệ quốc tế.

Diễn đàn nhằm tăng cường trao đổi giữa các nghị sĩ trong khu vực về các vấn đề an ninh-chính trị, hợp tác kinh tế-thương mại, văn hóa và giải quyết những vấn đề khu vực, đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, phát triển bền vững và thịnh vượng cho toàn khu vực. Đây cũng là kênh hỗ trợ cho Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC).

Với các phiên thảo luận toàn thể, tập trung vào các chủ đề: chính trị, an ninh; kinh tế thương mại; hợp tác khu vực và tương lai của Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương, dự kiến, Hội nghị sẽ thông qua các nghị quyết và Tuyên bố chung.

Nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của sự gắn bó giữa Việt Nam với các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong hơn 20 năm qua, Quốc hội Việt Nam luôn nỗ lực đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào các quan tâm chung của Diễn đàn.

Việc đăng cai tổ chức lần thứ hai sự kiện quy mô lớn này tiếp tục thể hiện vai trò, trách nhiệm của Quốc hội Việt Nam trong Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương, góp phần truyền tải mạnh mẽ thông điệp và hình ảnh Quốc hội Việt Nam đổi mới, năng động, tích cực và trách nhiệm quốc tế.

Đây cũng là một điểm nhấn quan trọng trong công tác đối ngoại của Quốc hội khóa XIV, góp phần làm nổi bật thành tựu ngoại giao của Quốc hội nói riêng và đất nước nói chung. Sự kiện này còn nhằm triển khai tích cực chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng theo tinh thần Đại hội lần thứ XII đề ra, đó là thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao vị thế, uy tín Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Trong một thế giới toàn cầu hóa đầy biến động và một châu Á - Thái Bình Dương phát triển năng động, Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương ngày càng trở thành một diễn đàn liên nghị viện quan trọng.

Trên cương vị chủ nhà của Hội nghị thường niên lần thứ 26 của Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương, Quốc hội Việt Nam có trọng trách cùng các nghị viện thành viên phát huy tối đa vai trò của Diễn đàn trong việc xúc tác, gắn kết các bên và thiết lập vị thế là một đối tác có tiếng nói tại các diễn đàn hợp tác đa phương khác trong khu vực và trên thế giới./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết