Tiếng Việt | English

05/01/2018 - 10:09

Kỷ niệm 52 năm Ngày truyền thống ngành Nội chính Đảng (05/01/1966 - 05/01/2018)

Ban Nội chính Tỉnh ủy góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng

Những năm qua, Ban Nội chính Tỉnh ủy góp phần quan trọng trong công tác lãnh, chỉ đạo thực hiện tốt công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng (PCTN) của Tỉnh ủy. Nhân kỷ niệm 52 năm Ngày truyền thống ngành Nội chính Đảng, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy - Lê Văn Phương dành cho phóng viên (PV) Báo Long An cuộc trao đổi xung quanh vấn đề này.

Việc thành lập và đưa vào hoạt động Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh và một số Trung tâm Hành chính công cấp huyện giúp hạn chế đi lại, tránh phiền hà cho người dân và doanh nghiệp

PV: Ông có thể khái quát một số kết quả hoạt động nổi bật của Ban Nội chính Tỉnh ủy trong những năm qua, đặc biệt là năm 2017?

Ông Lê Văn Phương: Ban Nội chính Tỉnh ủy được tái lập theo Quyết định số 1454-QĐ/TU, ngày 13-6-2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và chính thức đi vào hoạt động kể từ ngày 01-7-2013. Hơn 4 năm qua, ban tích cực tham mưu Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh, chỉ đạo sâu sát đối với công tác nội chính và PCTN, bước đầu đạt kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng vào việc ổn định tình hình an ninh biên giới, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Năm 2017, ban chủ động tham mưu, đề xuất và thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao. Đồng thời tham mưu Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy lãnh đạo: Cho ý kiến định hướng giải quyết dứt điểm một số vụ án, vụ việc tồn đọng, kéo dài; tình trạng buôn lậu, người Việt Nam sang Campuchia đánh bạc, tai nạn giao thông
giảm so với năm 2016; công tác PCTN tiếp tục được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy, tổ chức Đảng và chính quyền nên có nhiều chuyển biến tích cực; nhận thức về PCTN của cán bộ, công chức, viên chức và người dân được nâng lên, vụ việc TN có xảy ra nhưng không tăng so với năm 2016 (2/2 vụ).

PV: Trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, PCTN là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng, vừa mang tính cấp bách, vừa có ý nghĩa lâu dài. Thời gian qua, công tác này được tỉnh triển khai thực hiện như thế nào, thưa ông?

Ông Lê Văn Phương: Nhằm góp phần thực hiện tốt công tác PCTN, Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động về đẩy mạnh cải cách hành chính. Việc thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”, đặc biệt là thành lập và đưa vào hoạt động Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh và một số Trung tâm Hành chính công cấp huyện giúp hạn chế sự đi lại, tránh phiền hà cho công dân và doanh nghiệp. Tình trạng TN trên một số lĩnh vực từng bước được kiềm chế.

Các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh tiếp tục thực hiện quyền tự chủ, chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí theo Nghị định số 130/2005/NĐ-CP, ngày 17-10-2005 của Chính phủ. Chế độ định mức, tiêu chuẩn mua sắm tài sản công, quy hoạch, đào tạo cán bộ, công chức... của các cơ quan, đơn vị được tổ chức công khai bằng nhiều hình thức. Việc kê khai tài sản, thu nhập theo Nghị định số 78/2013/NĐ-CP, ngày 17-7-2013 của Chính phủ được thực hiện nghiêm túc, không có trường hợp nào phải xác minh tài sản, thu nhập.

Hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật được đẩy mạnh, tăng cường. Việc chuyển vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức theo Nghị định 158/2007/NQ-CP, ngày 27-10-2007 của Chính phủ cũng được quan tâm thực hiện. Thời gian qua, Tỉnh ủy chỉ đạo xử lý nghiêm các hành vi TN, tiêu cực, lãng phí xảy ra trên địa bàn. Các nhân tố tích cực trong công tác PCTN được biểu dương, khen thưởng kịp thời và phát huy tốt.

PV: Ông có thể cho biết rõ hơn một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm nâng cao hiệu quả công tác PCTN trong thời gian tới?

Ông Lê Văn Phương: Để công tác PCTN hiệu quả, trước hết, cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, người đứng đầu cấp ủy phải trực tiếp phụ trách và chỉ đạo công tác PCTN. Tập trung thực hiện tốt các giải pháp phòng ngừa TN: Kê khai minh bạch tài sản, thu nhập; chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức với các chức danh, lĩnh vực nghề nghiệp phải theo quy định; đẩy mạnh thanh tra trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ công của công chức, viên chức;...

Ban Nội chính cũng tham mưu Tỉnh ủy chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, thanh tra PCTN trên một số lĩnh vực nhạy cảm; đôn đốc công tác điều tra, xử lý vụ việc có dấu hiệu tiêu cực, TN; giám sát việc xử lý sau kiểm tra, thanh tra; xử lý kịp thời các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật; xử lý nghiêm hành vi tham nhũng, thu hồi triệt để tài sản của Nhà nước, tập thể, cá nhân bị chiếm đoạt, thất thoát.

Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc trao đổi, cung cấp thông tin về TN, nhất là Ban Nội chính, Kiểm tra, Thanh tra, Điều tra, Kiểm sát, Tòa án; tăng cường các hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử; phát huy vai trò của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, báo chí, cử tri và người dân trong việc phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, phòng ngừa TN.

Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền sâu rộng và thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch của Trung ương, của tỉnh về công tác PCTN, làm cho mỗi cán bộ, đảng viên và người dân nhận thức đầy đủ, sâu sắc về tính nghiêm trọng, sự nguy hại của nạn TN. Từ đó huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong công tác đấu tranh PCTN, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH, xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Hồng Anh (thực hiện)

Chia sẻ bài viết