Tiếng Việt | English

31/07/2015 - 11:06

Bánh tét của má hai

Tuy đã ngoài 70 tuổi nhưng bà Hai vẫn còn nhanh nhẹn, mắt sáng và trí nhớ tốt, nhất là những câu chuyện thời chiến tranh mà bà từng tham gia. Chỉ khổ một nỗi, tai trái của bà nghe không rõ, hay đau nhức khi trái gió trở trời do trận đòn của địch năm nào.

Đêm 30 tết. Bà Hai ngồi canh nồi bánh tét. Những bông hoa lửa nở bùng mạnh mẽ, cháy phừng phực trong chiếc bếp to do bà xếp gạch nhóm từ chiều, ngoài chái sau nhà. Bà đưa tay cời bớt lớp than đỏ rực rồi cho thêm củi vào. Lửa lại bập bùng cháy sáng, soi rõ khuôn mặt hằn sâu những nếp nhăn của người đàn bà góa phụ mấy chục năm thăng trầm trong cuộc sống, hôm nay rạng rỡ hẳn lên. Bà vui vì được gói bánh tét, nhất là dịp cuối năm. Khi tuổi già sầm sập kéo đến, người ta hối hả muốn làm nhiều thứ. Còn bà Hai thì hơi lạ, bà lo sợ mình không còn đủ sức gói bánh tét! Trong dòng chảy gấp gáp của cuộc sống, thưa dần bức tranh gia đình sum họp gói bánh rồi ngồi canh bánh chín bên những câu chuyện kể không dứt của các bà, các mẹ mỗi độ xuân về. Riêng bà Hai luôn giữ thói quen nấu bánh không chỉ vì đón tết mà còn vì hoài niệm xa xưa, những ngày nuôi giấu bộ đội, đưa tin tức, vì ông chồng và cậu con trai lớn của bà.

Nồi bánh tét sôi sùng sục. Mùi lá chuối nấu hòa quyện với hương lá dứa thơm và gạo nếp bay lên dịu ngọt khắp nhà. Nhắm hờ mắt, hít một hơi dài tận hưởng hương thơm phả ra từ nồi bánh, bà Hai bồi hồi nhớ lại ngày ấy, vẫn nguyên vẹn như mới hôm qua…

Cô Út Trâm, một thiếu nữ phổng phao, có làn da nâu khỏe mạnh và đôi mắt to tròn tinh anh vừa chạm tuổi trăng tròn, được ba má gả cho cậu trai làng tên Hiển, hiền lành giỏi giang việc đồng áng, con nhà cách mạng nòi từ thời chống Pháp. Anh Hiển thứ hai nên người ta quen gọi Út Trâm theo vai thứ là mợ Hai, thím Hai, bác Hai,… rồi đến má Hai, bà Hai. Thằng Vinh, đứa con trai đầu lòng được 4 tuổi thì anh Hiển cũng đến tuổi bị bắt lính, anh thuê mấy mẫu ruộng ở tận vùng sâu huyện Đức Huệ cày cấy trốn lính, mấy tháng mới lẻn về nhà một vài lần vào ban đêm. Nhưng lần nào cũng bị theo dõi, suýt bị bắt lại. Vợ chồng bàn bạc, không thể trốn tránh mãi nên Hiển quyết định đi du kích.

Cuộc đời cách mạng của anh gắn với những cánh đồng rừng tràm dày đặc chốn bưng biền. Những chuyến thăm chồng, mang thức ăn, thuốc men của Út Trâm trở nên thường xuyên. Dần dần, cô trở thành liên lạc lúc nào không hay. Các chuyến đi băng bưng vượt biền của chị thường mang theo những đòn bánh tét có nhân bằng giấy tờ tin tức hay thuốc Tây cho cách mạng. Út Trâm gói bánh khéo mà chỉ có mình cô mới biết đâu là chiếc bánh được ngụy trang che mắt bọn địch. Anh Hiển rất thích bánh tét, có thể ăn trừ cơm mấy ngày liền không chán. Thằng Vinh cũng thế. Cho nên, việc gói bánh tét với chị còn là niềm vui, niềm hạnh phúc.

Lên 12 tuổi, Vinh có dáng dấp nhỏ nhắn của ba, mắt sáng linh hoạt của má. Nó tháo vát, đỡ đần nhiều việc nhà, việc đồng giúp má. Thỉnh thoảng, nó đưa tin tức cho cơ sở cách mạng. Chẳng ai dạy, có lần, tốp lính nghi ngờ vì Vinh vác cần đi câu mà không thấy miếng vẩy cá nào. Một tên đưa mũi giày giẫm nát cần trúc, một cuộn giấy nhỏ vừa lộ ra, hắn cúi xuống chưa kịp nhặt, nhanh như cắt, Vinh chộp lấy cho vào miệng nuốt chửng. Tên lính tức điên, đá thằng nhỏ mấy đá đau điếng bảo ói ra, không thì nó mổ bụng, tay lia con con dao găm sáng choang, dọa. Thấy vài người dân đi lưới cá, giăng câu ngang qua, Vinh cố khóc gào lên: “Con nuốt giấy kẹo mà người ta đòi mổ bụng con! Hu hu!”… Bọn lính chưng hửng bất ngờ vì thằng bé ăn vạ. Người dân xúm lại đỡ nó, hô toáng : “Lính đánh con nít nè bà con!”. Đám lính lại bất ngờ! Hoạnh họe với thằng nhỏ, phân bua với mọi người một lúc không xong, một tên hầm hầm: “Mày đợi đó, một ngày tao cho mày biết tay!”, rồi hậm hực bỏ đi. Nghe con kể, Út Trâm rơi nước mắt xót con pha lẫn tự hào. Để bảo đảm an toàn cho cơ sở cách mạng và thằng bé, tổ chức tạm dừng giao việc cho Vinh một thời gian.

Thương con, nhớ vợ cồn cào, thỉnh thoảng ông Hiển cắt rừng, băng sông tìm về cắt tóc cho con trai dưới ánh đèn dầu tù mù. Nửa đêm ngậm ngùi hôn con ra đi khi nó đang say giấc. Rồi bà Hai mang bầu đứa con thứ hai - giờ là cậu con trai duy nhất với con dâu hiền thục, 2 cháu nội ngoan ngoãn là niềm hạnh phúc lớn nhất còn lại của đời bà. Dù cố che đậy bằng 2 lớp áo rộng thùng thình nhưng cái bụng lùm lùm dần. Lần này, ông Hai nán lại thêm một ngày để nhận chỉ thị mới. Bà Hai vội vã gói mớ bánh tét để ông mang theo. Hai vợ chồng ngồi tựa nhau bên bếp lửa lắng nghe đứa con trong bụng vợ quẫy đạp, nghe mùi bánh chín hòa quyện với lá chuối, dứa thơm ngọt ngào được vẽ ra thật vội vàng. Bánh vừa chín tới, bà cho vào thùng nước lã rồi vớt ra cho mau nguội, xếp gọn vào giỏ bàng, đậy chiếc mo cau bên trên, rồi giục ông Hai đi kẻo trời sáng.

Vừa hé cửa, linh tính của một nhà binh mách bảo ông Hai bị phục kích, ông ra hiệu cho bà Hai giấu giỏ bánh, lách qua khe cửa chui vào cây rơm sau nhà, nơi có một lỗ rỗng bên trong, bà Hai cẩn thận ngụy trang phòng hờ cho du kích lẫn trốn khi nguy cấp. 1,2,3… bóng người lấp ló trong đêm. Bà Hai giật thót tim sau cánh cửa đã khép hờ quan sát. Bọn địch đã thuốc mấy con chó chết mất rồi, không một tiếng sủa. Có tiếng động trước cổng rào và sân sau nhà. Nguy hiểm rồi, bà phải làm gì đây? Chợt có tiếng gõ cửa, yêu cầu khám xét nhà. Bọn lính bật đèn pin xông vào lật tung mọi ngóc ngách, đồ đạc trong nhà, ngoài vườn, bờ tre.

- Ông Hiển đâu? - Tên lính chỉ vào giỏ bánh tét quát.

- Không biết. - Bà Hai lắc đầu.

Bốp! “Không biết nè!” Mỗi cái tát nẩy lửa vào mang tai trái bà Hai là mỗi câu gằng giọng hăm dọa, khảo tra của tên lính. Bà cắn răn lo cho ông Hiển. Hình như đau tay, hắn vớ cây đòn gánh đẩy mạnh vào mang tai, bà Hai bẹp dí trong vách nhà, ngất lịm. Một dòng máu rỉ ra từ lỗ tai. Thằng Vinh nhào vào, khóc lóc van xin bọn lính tha cho má nó. Đám lính túm lấy thằng bé quẳng ra ngoài: “Thằng Việt cộng con này láo khoét lắm”.

Một thằng lính nói nhỏ điều gì đó với tên chỉ huy, bọn lính hồng hộc đổ về sân sau, tay lăm lăm súng vây quanh cây rơm cao ngất, miệng kêu gọi ông Hiển ra đầu hàng. Vẫn im lặng. Chúng bật lửa, rơm cháy ngùn ngụt, ông Hai phóng ra. Đùng! Đùng! Đùng! 3 tên lính ba phát súng, ông Hiển hy sinh. Con trai ông gào khóc thảm thiết, xông vào cấu xé mấy tên lính. Nó giật súng một tên, thằng này co kéo với nó trúng chiếc cò, súng nổ, thằng nhỏ chết thảm. Bà con lối xóm kéo đến chứng kiến cảnh tượng kêu khóc, mắng nhiếc, xua đuổi bọn gian ác. Lửa cháy giận giữ ngút trời. Hai sinh mạng đột ngột ra đi, gia đình tang tóc, xóm làng đau đớn tiễn đưa. Bà Hai chết ngất không biết bao nhiêu lần. Song, cái mầm sống trong bụng cựa quậy khiến bà vực dậy tự nhủ mình phải kiên cường. Đó là ngày 23 tháng chạp năm 1972, một ngày thảm họa của gia đình mãi hằn sâu trong ký ức bà Hai.

Má Hai làm công tác dân vận - mọi người hay gọi bà Hai thân thương như thế - rồi nuôi giấu bộ đội ngoài Bắc vượt rừng Trường Sơn vào, dưới những chiếc hầm luồng ở gốc bờ tre. Khi tổ chức cần, má gửi con trai cho lối xóm gồng gánh lương thực, thuốc men ra căn cứ, dĩ nhiên không thể thiếu những đòn bánh tét no lòng người chiến sĩ, có chứa những miếng nhân đặc biệt, mãi cho đến ngày 30-4-1975.

Chợt đứa cháu gái bỗng hỏi vọng ra: “Bà ơi, bánh chín chưa, sắp giao thừa rồi bà?”. Bà Hai giật mình: “Rồi, gọi mẹ giúp bà vớt bánh!”. Cả nhà tíu tít bày biện cúng giao thừa. Những ca khúc rộn ràng giai điệu mùa xuân liên tục vang lên từ những chiếc ti vi lối xóm. Đồng hồ điểm 12 tiếng. Pháo hoa bay vọt lên bầu trời từ phía trung tâm huyện, nở muôn hình thù đẹp rực rỡ. Hai đứa cháu nội chạy ra sân xem, reo hò thích thú. Cô con dâu đến bàn thiên lầm thầm khấn vái mong an-phúc-lộc-thọ cho gia đình rồi vào nghe điện thoại của chồng đang trực cơ quan gọi về. Bà Hai nghiêm trang bên tủ thờ chồng và con trai lớn cúng vái, cầu nguyện và không quên nhắc họ về dùng bánh tét. Những nén nhang tàn dần và xoắn cong cong. Bà Hai mãn nguyện cho rằng đó là điềm báo người cõi âm đã về, chắc cha con ông ấy đang ngồi đâu đó đón tết cùng gia đình. Trên tủ thờ, di ảnh ông Hiển và Vinh mỉm cười sau chiếc lư nghi ngút khói hương./.

Nguyễn Thị Hải

Chia sẻ bài viết