Nhờ những thông tin kịp thời và đa chiều về các sự kiện, hoạt động liên quan đến di tích văn hóa của các nhà báo đã giúp cho công chúng có cái nhìn toàn diện hơn về giá trị các di sản, giúp những người làm công tác quản lý về văn hóa có thêm thông tin hữu ích để bảo vệ và phát huy giá trị Di sản.
Di tích lịch sử, văn hóa lại kêu cứu!; Di tích quốc gia hơn 300 tuổi có nguy cơ đổ sập; Qua miền di sản: Tiếng 'kêu cứu' từ lòng đất”; Cận cảnh chùa Trăm Gian ngàn tuổi "mới tinh”; Thảm họa trùng tu di tích… Đó chỉ là số ít trong số hàng trăm bài báo viết về thực trạng bảo tồn và phát huy giá trị di sản ở Việt Nam trong thời gian qua.
Thực tế cho thấy, nhiều vụ sai phạm liên quan đến di tích, danh thắng... được thông tin đến người dân cũng như cơ quan quản lý thông qua các bài báo. Điển hình như năm 2010, nhờ sự vào cuộc tích cực của báo chí đã ngăn chặn kịp thời những sai phạm nghiêm trọng khi thi công đoạn đường Hoàng Hoa Thám - Văn Cao, Hà Nội.
Theo bản đồ Thăng Long thời Lê Sơ trong tập bản đồ thời Hồng Đức (năm 1490), đây là đoạn đẹp nhất của Hoàng Thành Thăng Long thời Lê Sơ (1428-1527) và trong lòng nó còn chứa đựng rất nhiều hiện vật quý giá.
PGS.TS Nguyễn Lân Cường, Tổng thư ký Hội khảo cổ học Việt Nam, người đồng hành cùng báo chí trong việc ngăn chặn vụ việc này chia sẻ: "Rất may nhờ sự lên tiếng kịp thời của các nhà khoa học như: GS Phan Huy Lê, PGS Hoàng Xuân Chinh, PGS Tống Trung Tín cùng báo chí nên UBND thành phố Hà Nội đã có công văn yêu cầu tạm dừng thi công đoạn đường Văn Cao, Hồ Tây để triển khai công tác nghiên cứu thu thập hiện vật. Thử hỏi nếu không có báo chí thì đoạn thành này sẽ mất đi những cứ liệu quan trọng, những hiện vật vô giá sẽ bị đổ đi cùng cát bụi".
Ngọ Môn- Huế
Việt Nam có hơn 40.000 di tích, danh thắng, trong đó đã có 8 di tích được UNESCO công nhận là di sản thế giới, 48 di tích quốc gia đặc biệt, hơn 3.000 di tích được xếp hạng di tích quốc gia và hơn 5.000 di tích được xếp hạng cấp tỉnh.
Tuy nhiên, công tác quản lý, bảo vệ và khai thác các giá trị văn hóa vật thể ở những di tích này còn nhiều hạn chế, ngay tại thủ đô Hà Nội cũng có rất nhiều di tích bị xâm hại, trùng tu sai lệch.
Nghiêm trọng như vụ thay đổi toàn bộ hoa văn họa tiết, gác khánh và nhà Tổ của chùa Trăm Gian (huyện Chương Mỹ); tự ý đưa ngựa sắt, roi sắt, áo giáp sắt vào di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt đền Phù Đổng (huyện Gia Lâm); thay đổi một số chi tiết thiết kế và thi công chưa đảm bảo kỹ thuật, mỹ thuật tại đình Quang Húc (huyện Ba Vì); vụ sai phạm trong trùng tu di tích chùa Một Mái, am Dược ở tỉnh Quảng Ninh; xâm lấn di tích thành cổ Luy Lâu, tỉnh Bắc Ninh…
Theo TS. Nguyễn Sỹ Toản, Trưởng khoa Di sản văn hóa, trường Đại học Văn hóa Hà Nội, nếu không có cơ quan báo chí phần lớn người dân không biết di tích bị phá hủy, cơ quan quản lý quan liêu cũng không biết di tích mình quản lý bị biến mất: "Chúng tôi đánh giá vai trò của báo chí cực kỳ lớn. Những người quản lý họ chủ động quản lý tốt rồi nhưng người ta không có kênh báo chí giới thiệu về hình thức quản lý tốt, thì nó chỉ mang tính nhỏ lẻ, người nhà biết thôi. Nhưng khi thông tin đó đưa lên báo chí thì sức lan tỏa và ảnh hưởng của nó cực kỳ lớn. Điều đó chứng minh được sự rất quan trọng của báo chí".
Ghi nhận từ các giải báo chí Quốc gia hàng năm cho thấy, có nhiều tác phẩm báo chí viết về mảng Di sản đạt giải, góp phần không nhỏ vào việc tuyên truyền và bảo tồn giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể ở trong nước. Nhiều bài báo đã có sự phản biện đối với công việc bảo tồn phát huy di sản. Qua đó góp phần làm trong sạch hơn môi trường quản lý di sản, di tích, phát huy mặt tích cực, hạn chế những yếu kém, ngăn chặn kịp thời nhiều vụ việc sai trái trong việc bảo vệ di sản văn hóa.
Theo nhà báo Trần Bá Dung, Hội Nhà báo Việt Nam thì: "Cần phải nhấn mạnh chức năng phản biện của báo chí đối với công việc bảo tồn và phát huy văn hóa vật thể. Báo chí đã làm rất nhiều, có loạt bài rất hay về chùa Trăm Gian, làng cổ Đường Lâm…Chúng tôi thấy rằng phản biện thứ nhất là phản biện về mặt chủ trương, chính sách. Ví dụ cái đấy có cần bảo tồn như thế hay không? Thứ 2 là báo chí phản biện rất sâu về chính phương thức bảo tồn. Phương thức bảo tồn của nhiều nơi bị báo chí kêu rất nhiều. Tôi cho rằng báo chí đã phản biện rất chính xác".
Những năm qua, các cơ quan truyền thông đã tích cực, chủ động truyền tải những văn bản quy phạm pháp luật, những kiến thức về di sản, làm cho công chúng có ý thức bảo tồn, gìn giữ di tích, đấu tranh bài trừ, loại bỏ những hủ tục lạc hậu, những hành vi xâm hại di tích.
Theo nhà báo Mai Kim Thoa, Phó tổng Biên tập Báo Hà Nội mới, để làm tốt điều này, người làm báo phải có kiến thức sâu rộng về văn hóa: "Chúng tôi xác định rằng tuyên truyền về bảo tồn di sản là việc có tính đặc thù, phóng viên cần am tường mảng thông tin được phân công theo dõi. Nếu có người phù hợp, thường là thông tin phong phú, chính xác, bàn luận phù hợp, thái độ khách quan, mang tính xây dựng. Bằng ngược lại, không thể có bài viết chất lượng".
Bảo vệ và phát huy giá trị của Di sản văn hóa là trách nhiệm của cơ quan quản lý và cả cộng đồng, trong đó có vai trò rất lớn của các cơ quan thông tấn báo chí. Đặc biệt, báo chí còn chủ động góp phần vào việc xây dựng, hoàn thiện các chủ trương, chính sách cũng như luật pháp liên quan đến di sản văn hóa.
Để quản lý, bảo tồn các di sản văn hóa thì một trong những việc cần làm là phải phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý với báo chí, truyền thông, bởi thực tế cho thấy các cơ quan báo chí truyền thông đã có vị trí, vai trò to lớn trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam./.
Ngọc Ngà/VOV-Trung tâm Tin