Tiếng Việt | English

15/11/2015 - 08:51

Cần tạo điều kiện tối đa cho báo chí

Luật Báo chí sửa đổi cần hướng đến tạo điều kiện tối đa để báo chí phát triển; quy hoạch báo chí cần tính đến đặc thù của địa phương và nên có cơ chế hữu hiệu bảo vệ nhà báo

Đó là ý kiến của phần lớn đại biểu (ĐB) Quốc hội tại buổi thảo luận ở tổ về dự án Luật Báo chí sửa đổi, chiều 14-11.

Không quy định trang thông tin điện tử

Tại tổ Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son (Hà Nội) cho biết: Luật Báo chí sửa đổi lần đầu tiên vào năm 1999. Sau 16 năm hoạt động, báo chí xuất hiện nhiều bất cập; nhất là công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, tác động đến đời sống báo chí, làm thay đổi phương thức hoạt động và loại hình báo chí.

“Nếu đưa trang thông tin điện tử, truyền thông xã hội vào Luật Báo chí thì vô hình trung sẽ chấp nhận cả báo chí tư nhân. Vì vậy, sau này sẽ nâng Nghị định 72 lên thành luật. Quan điểm nhất quán là không thương mại hóa báo chí, không tư nhân báo chí” - ĐB Son nhấn mạnh.


Đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP HCM) phát biểu tại phiên thảo luận

Về triển khai quy hoạch báo chí, theo Bộ trưởng Son là quá trình gắn kết với việc sửa luật để nâng cao chất lượng báo chí, tổ chức cơ quan báo chí gọn nhẹ. “Hiện có quá nhiều cơ quan báo chí sống nhờ vào ngân sách nhà nước, nhà nước cấp tiền in báo rồi lại bỏ tiền ra mua. Bộ Chính trị đã kết luận quy hoạch báo chí rất quan trọng và thực hiện với tinh thần “dễ làm trước, khó làm sau”, thí điểm từ nay đến năm 2025” - ông Son nói.

ĐB Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP HCM) cho rằng theo quy hoạch báo chí, cơ quan báo in có chủ quản là tỉnh ủy các địa phương; các bộ, ngành trung ương. Tuy nhiên, các địa phương có nhiều cơ quan báo chí, hoạt động báo chí sôi động như TP HCM và Hà Nội thì cần tính đến tính đặc thù chứ không nên cào bằng như các địa phương chỉ có 1-2 tờ báo.

Ngoài ra, ĐB Thùy Trang cũng đề nghị sửa đổi Luật Báo chí cần tạo điều kiện tối đa cho các cơ quan báo chí phát triển, nên có quy định ưu đãi cao nhất về thuế cho cơ quan báo chí vì báo chí không phải là đơn vị kinh doanh thuần túy mà còn chức năng tuyên truyền. Hiện mới chỉ ưu đãi 10% thuế thu nhập doanh nghiệp cho cơ quan báo in, đề nghị cần phải áp dụng cho cả báo điện tử. Ngoài ra, cần miễn thuế giá trị gia tăng về các sản phẩm quảng cáo, phát hành cho cơ quan báo chí.

Về quản lý hoạt động báo chí, theo ĐB này, cần có quy định để tránh can thiệp quá sâu vào hoạt động của báo chí, nên giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho những người đứng đầu cơ quan báo chí nhiều hơn.

ĐB Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) đánh giá dự luật chưa thấy rõ được chính sách ưu tiên, ưu đãi cho cơ quan báo chí phát triển, chưa tạo được sự cạnh tranh lành mạnh. Doanh thu từ quảng cáo của Facebook, mạng xã hội lớn hơn rất nhiều báo điện tử, song báo điện tử phải chịu thuế 20% còn mạng xã hội thì không. Cứ thế này, báo chí chính thống càng thua, để trống mặt trận thông tin.

Tiết lộ nguồn tin làm mất chữ tín

Về các điều cấm, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) cho rằng nhiều nội dung quy định cấm tại Luật Báo chí đều đã được quy định trong Bộ Luật Hình sự, vì vậy không cần thiết quy định trong luật này.

ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) bày tỏ ủng hộ quyền tự do ngôn luận trên báo chí của nhân dân nhưng đề nghị có sự kiểm duyệt của cơ quan chức năng để tránh kẽ hở cho những đối tượng lợi dụng vi phạm.

Điều 37 dự thảo luật quy định: Cơ quan báo chí và nhà báo có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ người cung cấp thông tin nếu có hại cho người đó, trừ trường hợp có yêu cầu của Viện trưởng VKSND, Chánh án TAND cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.

ĐB Đoàn Nguyễn Thùy Trang cho rằng đề nghị giữ nguyên quy định như hiện nay là cung cấp thông tin khi vụ án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Việc phải cung cấp thông tin các vụ án nghiêm trọng là không nên, vì loại án này rất nhiều, mà việc bảo vệ nguồn tin của nhà báo rất quan trọng.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Lê Như Tiến cho rằng cơ quan báo chí không phải cung cấp nguồn tin cho mọi đối tượng, nếu không sẽ mất quyền hạn của báo chí. “Cung cấp như thế thì sau đó không ai cung cấp thông tin cho báo chí nữa, đó là chữ tín. Luật chỉ nên quy định cung cấp với “tội phạm rất nghiêm trọng” và “đặc biệt nghiêm trọng” thôi, còn “tội phạm nghiêm trọng” giờ phổ biến mà theo quy định này lại suốt ngày đi cung cấp thông tin” - ông Tiến bình luận./.

Bảo vệ nhà báo trước nguy cơ bị đe dọa

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Đỗ Mạnh Hùng đề nghị chuyển một khoản ở điều quy định về quyền và nghĩa vụ của nhà báo sang điều cấm là “nhà báo được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp, không ai được đe dọa, cản trở nhà báo hoạt động đúng pháp luật”. Cần phải quy định rõ hơn trách nhiệm của các cơ quan chủ quản, cơ quan bảo vệ pháp luật trong bảo vệ nhà báo.

Đồng quan điểm, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh nhấn mạnh luật cần đề cập rõ vấn đề bảo vệ nhà báo trong hoạt động tác nghiệp. Đặc biệt, trong tình hình hiện nay, nếu không có cơ chế bảo vệ thì nhà báo tác nghiệp rất khó khăn.

Văn Duẩn/nld.com.vn

Chia sẻ bài viết