Tiếng Việt | English

21/04/2016 - 14:24

Bảo đảm sự công bằng, bình đẳng giữa các ứng viên đại biểu Quốc hội

Cử tri tìm hiểu sơ bộ về ứng cử viên trước khi bắt đầu cuộc tiếp xúc. (Ảnh: Thế Lập/TTXVN)

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân vừa ký ban hành hướng dẫn tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri để người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân vận động bầu cử.

Theo hướng dẫn, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh chủ trì phối hợp với Ủy ban nhân dân ở đơn vị bầu cử tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri cho những người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.

Thành phần tham dự hội nghị tiếp xúc cử tri gồm đại diện các cơ quan, tổ chức, đơn vị (các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, đơn vị quân sự, công an...) và cử tri ở địa phương.

Trường hợp đặc biệt, do điều kiện khách quan mà Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh không thể trực tiếp chủ trì hội nghị tiếp xúc cử tri ở đơn vị bầu cử nào thì phải có văn bản đề nghị Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp huyện chủ trì, tuy nhiên, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh vẫn phải cử cán bộ tham dự hội nghị tiếp xúc nhằm chủ động nắm tình hình và bảo đảm cho hội nghị tiếp xúc cử tri vận động bầu cử được thực hiện an toàn, đúng luật.

Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện, cấp xã chủ trì phối hợp với Ủy ban nhân dân cùng cấp tại đơn vị bầu cử tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri cho những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp mình.

Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri cần phối hợp với Ủy ban nhân dân cùng cấp xây dựng kế hoạch tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri; thông báo kịp thời bằng văn bản ít nhất trước bảy ngày cho những người ứng cử về thời gian, địa điểm tổ chức hội nghị để người ứng cử chủ động sắp xếp thời gian, liên hệ với địa phương đến dự; tổ chức hội nghị để đại diện Ủy ban nhân dân cùng cấp thông báo với những người ứng cử những nội dung cơ bản về tình hình kinh tế-xã hội ở địa phương để người ứng cử xây dựng, dự kiến chương trình hành động của mình trước khi tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri.

Trong trường hợp người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có nhu cầu nghe Ủy ban nhân dân cấp huyện thuộc đơn vị bầu cử của mình giới thiệu về tình hình kinh tế-xã hội của các huyện, thị xã, thành phố cần tổ chức để Ủy ban nhân dân các đơn vị bầu cử này báo cáo cho người ứng cử nghe.

Việc tổ chức tuyên truyền phải bằng các hình thức phù hợp, bảo đảm công bằng giữa những người ứng cử để cử tri và nhân dân nơi tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri có điều kiện hiểu rõ hơn về người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân.

Người ứng cử có thể gửi chương trình hành động của mình cho các cử tri dự hội nghị tiếp xúc. Việc tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri cần chú ý tạo không khí dân chủ, cởi mở; tránh gò ép nhưng cũng không trao đổi vượt ra ngoài mục đích, yêu cầu của hội nghị gặp gỡ, tiếp xúc.

Việc tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri cần bảo đảm để người ứng cử có điều kiện tiếp xúc rộng rãi với đại diện cử tri ở các xã, phường, thị trấn thuộc đơn vị bầu cử. Thời gian tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri để người ứng cử vận động bầu cử được tiến hành từ ngày công bố danh sách chính thức những người ứng cử (ngày 27/4) và kết thúc trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ (trước 7 giờ ngày 21/5).

Đánh giá về chất lượng các ứng cử viên sau khi trải qua ba vòng hiệp thương, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nhận định tại Trung ương, Hội nghị hiệp thương lần thứ ba đã thông qua danh sách 197 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV của các cơ quan, tổ chức ở Trung ương. Tất cả các ứng cử viên này đều có trình độ đại học trở lên, trong đó có 83 tiến sỹ (chiếm 42%). Qua các hội nghị hiệp thương, các ứng cử viên được giới thiệu và chọn lọc khá cao.

Theo tổng hợp cả nước, sau ba vòng hiệp thương có 879 ứng cử viên để bầu 500 đại biểu Quốc hội; trong đó trình độ đại học trở lên chiếm 97%, cao đẳng chỉ chiếm 3%. Như vậy, qua các vòng hiệp thương, những ứng viên được lập danh sách giới thiệu sang Hội đồng bầu cử Quốc gia đều có trình độ chuyên môn cao, phản ánh sự phát triển đi lên của đất nước. Danh sách này sẽ được công bố chính thức vào ngày 27/4.

Theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, để hội nghị hiệp thương các cấp thảo luận, bỏ phiếu giới thiệu người được ứng cử hoặc tự ứng cử vào danh sách chính thức, cần căn cứ vào tiêu chí và các điều kiện khách quan.

Thực tế cho thấy, ở nơi nào còn ý kiến khác hoặc trái ngược nhau sẽ được biểu quyết riêng. Điều này do hội nghị hiệp thương quyết định. Vừa qua, việc tổ chức các hội nghị hiệp thương cho thấy quá trình lựa chọn các ứng viên đều bảo đảm tính khách quan, nghiêm túc, không để tâm lý đám đông ảnh hưởng. Không có sự phân biệt giữa các ứng viên, bảo đảm sự dân chủ.

Quá trình hiệp thương là để lập danh sách nhưng từ danh sách 879 ứng cử viên, chỉ bầu 500 người (số dư gần 400 người) là rất khó. Vì vậy việc lựa chọn này là rất quan trọng.

Để làm tốt việc lựa chọn, bước tiếp theo là cần tổ chức tốt các hội nghị tiếp xúc cử tri, để thực hiện vận động bầu cử. Nhân dân mỗi một xã, một phường nơi ứng viên ứng cử phải được thông tin đầy đủ về các ứng viên để có đủ cơ sở lựa chọn. Đây là vấn đề nguyên tắc nhưng thực hiện không phải dễ. Ba bước hiệp thương là rất quan trọng nhưng các ứng viên cần phải gặp gỡ cử tri để cử tri có đầy đủ thông tin để lựa chọn được những đại biểu Quốc hội xứng đáng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh./. 

Phúc Hằng/Vietnam+

Chia sẻ bài viết