Thời gian qua, liên tiếp xảy ra những vụ bạo hành trẻ em gây hậu quả nghiêm trọng và khiến dư luận vô cùng phẫn nộ, như vụ bé trai 18 tháng tuổi ở xã Mỹ Yên, huyện Bến Lức, tỉnh Long An; bé gái 8 tuổi ở chung cư phường 22, quận Bình Thạnh, TP.HCM; bé gái 3 tuổi ở xã Canh Nậu, huyện Thạch Thất, TP.Hà Nội; bé gái 6 tuổi ở quận Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội; bé gái 3 tuổi ở huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang;... Điều đáng buồn, thủ phạm gây ra các vụ việc đau lòng này chính là người thân hoặc người trong gia đình, có quan hệ gần gũi với nạn nhân. Những nơi được coi là “mái ấm” cũng không còn là môi trường thực sự an toàn với trẻ.
Theo Luật Trẻ em năm 2016, trẻ em là những người dưới 16 tuổi. Đây là đối tượng luôn được hưởng sự ưu tiên cao nhất, nên mọi hành vi xâm phạm đến quyền lợi của trẻ em đều bị xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật. Tùy tính chất, mức độ của từng vụ việc, người có hành vi bạo hành trẻ em có thể bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự với mức án cao nhất là tử hình. Cũng đã có rất nhiều vụ việc bạo hành trẻ em được phát hiện và bị pháp luật xử lý, vậy mà, tình trạng bạo hành trẻ em vẫn chưa có chiều hướng giảm.
Thông tin từ Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), số lượng cung cấp thông tin trẻ bị xâm hại, bạo lực ngày càng tăng. Chỉ tính riêng năm 2021, Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 tiếp nhận hơn 507.800 cuộc gọi. Số liệu thống kê cũng cho thấy, có tới 2.000 vụ trẻ bị xâm hại trong năm 2021.
Riêng quí I/2022, lực lượng chức năng phát hiện gần 450 vụ với gần 500 đối tượng, xâm hại hơn 450 trẻ em. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do một số gia đình chưa dành nhiều thời gian quan tâm đến con em mình hoặc nhiều người còn quan niệm "yêu cho roi, cho vọt"! Còn những người xung quanh có tâm lý "đèn nhà ai nấy rạng", không quan tâm hoặc ngại lên tiếng can thiệp. Trong khi đó, nguồn lực đầu tư cho trẻ em ở địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Mạng lưới dịch vụ trợ giúp trẻ em tại cộng đồng còn thiếu và yếu,…
Trẻ em còn non nớt về thể chất và trí tuệ, dễ bị tổn thương nên cần được yêu thương và bảo vệ. Để chung tay bảo vệ, chăm sóc trẻ em, các cấp, các ngành triển khai, thực hiện nghiêm các quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật Trẻ em năm 2016, Luật Hôn nhân và Gia đình,... và các văn bản hướng dẫn thực hiện; ưu tiên bố trí nguồn lực để bảo đảm việc hỗ trợ, can thiệp giúp trẻ em khi bị bạo lực, xâm hại,... Tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, đặc biệt về phòng ngừa xâm hại tình dục và bạo lực đối với trẻ em cho cha mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ, người trực tiếp làm việc với trẻ em và trang bị cho trẻ em kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ mình trước các nguy cơ bị xâm hại.
Đẩy mạnh truyền thông, cung cấp kiến thức về ảnh hưởng của bạo lực đối với trẻ em, xác định trách nhiệm của gia đình, xã hội, cộng đồng trong chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Tăng cường sự kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường - gia đình - xã hội trong việc quản lý, giáo dục, bảo vệ trẻ em. Thực hiện tốt công tác tư vấn, tham vấn học đường và phát huy vai trò của tổ chức Đoàn, Đội, Hội. Chính quyền địa phương quan tâm, chăm lo cho trẻ em. Đặc biệt, cộng đồng không vô cảm trước những nguy cơ trẻ em bị xâm hại, bạo lực. Gia đình nâng cao vai trò, trách nhiệm trong việc chăm sóc, giáo dục, bảo vệ con em mình, nhất là cha mẹ thường xuyên quan tâm, chia sẻ với con, là tấm gương tốt để con noi theo.
Tháng 6 - Tháng hành động Vì trẻ em, chính quyền các cấp, các ngành đang nỗ lực lan truyền thông điệp bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Nhiều hoạt động, chương trình chăm lo cho trẻ em yếu thế, trẻ em ở cộng đồng cũng đang được triển khai. Hơn thế, chúng ta hãy cùng truyền đi thông điệp về yêu thương để không còn những vụ bạo hành trẻ em ở các gia đình./.
Thanh Tuyền