Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), toàn tỉnh hiện có hơn 25.000ha cây ăn trái, tập trung chủ yếu ở các huyện: Châu Thành, Tân Trụ, Bến Lức, Thạnh Hóa,... Trong thời điểm giao mùa, các loại sâu, bệnh có thể xuất hiện, gây hại như: Sâu đục cành, bệnh thán thư, đốm nâu, đốm trắng,...
Tại huyện Tân Trụ, thời gian qua, hiện tượng vàng lá, thối rễ, chết xanh trên cây có múi xuất hiện rải rác, đặc biệt là trên cây bưởi da xanh. Do đó, nông dân đang tập trung bảo vệ vườn cây có múi thời điểm giao mùa. Ông Lê Văn Bốn, ngụ xã Bình Lãng, huyện Tân Trụ, cho biết: Thời điểm bắt đầu mùa mưa, không khí ẩm ướt sẽ khiến cây bưởi bị loét, sẹo trái. Vì vậy, từ đầu tháng 4 Âm lịch, nông dân phải chủ động phòng ngừa bằng cách dùng vôi đá ngâm để phun cho cây, giúp ngừa bệnh loét và sát khuẩn. Đồng thời, khi trời mưa dầm phải chủ động các biện pháp chằng buộc để chống cành, hạn chế đổ gãy cây; khơi thông đường thoát nước không để ngập, úng ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây.
Người dân nên chủ động bảo vệ cây ăn trái trong giai đoạn chuyển mùa (Ảnh tư liệu minh họa)
Theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp, vào thời điểm chuyển mùa, để phòng trừ các loại dịch bệnh trên cây có múi, nông dân cần tăng cường sử dụng thuốc có chứa nguyên tố đồng. Trong trường hợp phát hiện bệnh ở phần rễ phải chủ động khâu thoát nước tốt.
Đối với cây chanh, ông Nguyễn Văn Điệp, ngụ xã Bình Đức, huyện Bến Lức, chia sẻ: “Qua nhiều năm canh tác, tôi thấy khi thời tiết đang nắng mà có mưa xuống là trái chanh sẽ bị nứt da và khô cuống khiến rụng trái. Vì vậy, để bảo đảm cho vườn chanh sinh trưởng tốt, tôi chọn cách bón phân hữu cơ cho cây, kết hợp với đó là giữ lớp cỏ trong vườn nhằm giữ độ ẩm bền vững cho vườn cây. Ngoài ra, trong thời điểm mưa dầm, tôi còn chủ động các biện pháp thủy lợi hạn chế ngập úng”.
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Bến Lức - Lê Văn Nam cho biết: “Thời gian qua, qua khuyến cáo của các chuyên gia và sự tuyên truyền của ngành Nông nghiệp, nông dân chủ động bón phân cân đối, hạn chế phân đạm; kết hợp với việc quét vôi gốc và thân cây giúp phòng ngừa các loại vi khuẩn gây bệnh. Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp thường xuyên vận động người dân chủ động thực hiện các giải pháp phòng trừ sâu, bệnh ở từng thời điểm; đồng thời, cử cán bộ bám sát địa bàn nhằm hỗ trợ nông dân các biện pháp điều trị hiệu quả”.
Tại huyện Châu Thành, những ngày này, ngoài lo lắng thanh long vào vụ thu hoạch bị rớt giá, nông dân còn phải căng mình bảo vệ thanh long trong thời điểm giao mùa vì đây là cây trồng dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết. Giám đốc Hợp tác xã Thanh long Dương Xuân (xã Dương Xuân Hội) - Phan Thanh Sơn cho biết: “Thời tiết đang có những trận mưa kéo dài, thanh long dễ bị ảnh hưởng với các loại bệnh đốm trắng, đốm nâu, thán thư,... Trong đó, bệnh đốm nâu thường xuất hiện nhiều. Với kinh nghiệm nhiều năm canh tác, trước thời điểm mưa dầm, tôi chủ động vệ sinh sạch cỏ dại, tiến hành tỉa cành cho vườn thông thoáng, sạch sẽ, không để vườn quá rậm rạp. Cùng với đó, tôi hạn chế tưới nước vào chiều tối vì tưới vào thời điểm này sẽ tạo điều kiện ẩm độ cho bệnh gây hại. Ngoài ra, khi phát hiện những cành bị nhiễm đốm nâu, tôi phải loại bỏ bằng cách thu gom chôn lấp, tiêu hủy,...”.
Theo thông tin từ Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh, thời tiết đang bước vào giai đoạn giao mùa nên trên nhiều loại cây ăn trái, đặc biệt là thanh long sẽ xuất hiện nhiều loại dịch hại. Tuy nhiên, vì trong thời điểm phòng dịch Covid-19, hạn chế tiếp xúc đông người nên Chi cục không tổ chức các lớp tập huấn tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật và phương pháp phun phòng trừ sâu, bệnh trên cây ăn trái cho nông dân. Song song đó, Chi cục yêu cầu ngành Nông nghiệp các huyện, thị xã, thành phố chủ động soạn thảo nhiều văn bản hướng dẫn chi tiết cách nhận biết, phương pháp phòng trừ sâu và bệnh hại nhằm thông tin, tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh giúp nông dân nhận biết, có cách phòng trị hiệu quả.
Giám đốc Sở NN&PTNT - Nguyễn Thanh Truyền cho biết, để bảo vệ cây ăn trái trong giai đoạn chuyển mùa và cả trong mùa mưa, bão sắp tới, Sở đã chỉ đạo các địa phương lên kế hoạch để chủ động ứng phó. Theo đó, đối với các diện tích cây ăn trái tại các địa phương trong vùng ảnh hưởng lũ cần tập trung gia cố đê bao, cửa cống bảo đảm ngăn lũ và triều cường. Mặt khác, mùa mưa cũng làm sâu, bệnh dễ bộc phát, do đó nông dân cần chủ động bón các loại phân có tỷ lệ dinh dưỡng cân đối, đặc biệt là nên bón vôi vào đầu và cuối mùa mưa vì vôi có tác dụng giải phóng các dinh dưỡng bị keo đất giữ chặt, cung cấp canxi trực tiếp cho cây, làm cho chất lượng trái ngon hơn./.
Bùi Tùng