Tiếng Việt | English

05/07/2023 - 14:40

Bất ngờ: Việt Nam là nước duy nhất châu Á vào nhóm du lịch có ý thức

Năm nay, Việt Nam là thị trường duy nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương được xếp vào nhóm tiếp cận du lịch thận trọng, có tinh thần trách nhiệm với môi trường và mong muốn hỗ trợ cộng đồng địa phương.

Du lịch hè đang vào cao điểm ghi nhận nhiều điểm đến đông vui, nhộn nhịp - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Đây là kết quả nghiên cứu về Chỉ số tự tin du lịch APAC 2023, nghiên cứu trên 8.800 khách du lịch từ 11 quốc gia và vùng lãnh thổ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong tháng 4 và 5 mà Booking.com vừa công bố.

Báo cáo nghiên cứu này tập trung vào hành vi du lịch của du khách các thị trường châu Á - Thái Bình Dương (Úc, Trung Quốc, Hong Kong, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Việt Nam) sau những biến đổi lớn của nền kinh tế hiện nay và những ảnh hưởng từ đó đến quyết định du lịch.

Du khách Việt quan tâm tới du lịch bền vững nhất châu Á - Thái Bình Dương (APAC)?

"Việt Nam là thị trường duy nhất trong khu vực APAC nằm trong nhóm "Mindful Voyagers" (du lịch có ý thức) - tiếp cận du lịch với sự thận trọng, có tinh thần trách nhiệm với môi trường và mong muốn hỗ trợ cộng đồng địa phương.

Nói cách khác, du khách Việt Nam là nhóm cho thấy mối quan tâm về du lịch bền vững cao nhất trong khu vực", thông cáo của Booking.com viết.

Thông tin này khá bất ngờ, do lâu nay khách du lịch Việt Nam bị than phiền bởi những thói quen chưa đẹp như xả rác bừa bãi, khai thác cạn kiệt tài nguyên du lịch bao gồm cả tài nguyên thiên nhiên và văn hóa.

Có thể chính bối cảnh đó khiến người Việt bắt đầu quan tâm nhiều hơn tới du lịch bền vững, có trách nhiệm, đặc biệt là trong bối cảnh mà vấn đề bảo vệ môi trường đang nổi lên trên toàn cầu.

Khó khăn kinh tế, 83% người Việt vẫn muốn lên kế hoạch đi du lịch trong 12 tháng tới

Tin vui với ngành du lịch Việt trong tình thế kinh tế ảm đạm hiện nay, trong khi 40% du khách Việt Nam cho biết các mối quan tâm về tài chính hiện đang là bận tâm lớn nhất của họ, 83% vẫn yêu thích và muốn lên kế hoạch để chu du trong 12 tháng tới đây, 45% đã đặt chỗ trước cho chuyến du lịch trong nước, và 26% đã đặt trước cho chuyến đi quốc tế tiếp theo.

Với gần một nửa (45%) du khách, du lịch giải trí vẫn là một phần rất quan trọng trong đời sống hằng ngày.

Tỉ lệ 40% khách Việt bận tâm tới vấn đề tài chính còn thấp so với nhiều nước khác, như Thái Lan dẫn đầu với 57% và New Zealand 55%.

Để cân bằng giữa khó khăn về tài chính và nhu cầu du lịch, 44% du khách cho biết họ sẽ chọn đi vào những tháng thấp điểm, 43% sẽ tận dụng các chương trình ưu đãi cho khách hàng thân thiết để bù đắp thêm chi phí, và 28% sẽ lựa chọn các phương tiện hoặc hình thức di chuyển ít tốn kém hơn trong chuyến đi của mình.

Về lựa chọn các điểm đến, nghiên cứu cho thấy phần lớn du khách Việt Nam có xu hướng lựa chọn ghé thăm các bãi biển và đảo (61%), theo sau là các thành phố lớn (60%); và lựa chọn hoạt động thể chất, thể thao (45%)./.

40% khách Việt vẫn lo sợ nhiễm COVID-19

Ngoài mối lo lắng về tài chính, kết quả khảo sát cho thấy thông tin bất ngờ, hiện nay vẫn có 40% lo sợ sẽ nhiễm COVID-19 hoặc các bệnh khác trong thời gian đi đây đó (tỉ lệ này với khách du lịch Singapore là 42%, Thái Lan 36%).

Ngoài ra, các quy trình và thủ tục hành chính trong quá trình du lịch nước ngoài, trong đó có cả quy định về cách ly tại các điểm đến hoặc quốc gia sở tại vẫn là bận tâm chính của 30% du khách Việt, trong đó 25% cho biết chi phí, thủ tục phức tạp và đắt đỏ về đăng ký visa cũng khiến họ suy nghĩ khi đặt quyết định du lịch quốc tế.

Các nhóm du lịch đặc thù ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương

Ngoài nhóm "Du khách có ý thức" năm nay chỉ có Việt Nam, Chỉ số du lịch APAC 2023 còn có các nhóm sau:

Những nhà khám phá có trách nhiệm: Là các du khách từ các thị trường Hong Kong, Ấn Độ, Trung Quốc, Đài Loan. Họ chủ động tìm kiếm các trải nghiệm du lịch bền vững, thân thiện với môi trường. Họ khám phá nhưng hạn chế đối đa tác động đến môi trường, thích du lịch sinh thái, ở tại các cơ sở bền vững và hỗ trợ người dân bản địa.

Du khách đề cao sự thoải mái: Là các du khách của Singapore và Úc. Họ đề cao sự thoải mái, dễ chịu. Họ muốn có chuyến du lịch hạng sang, được tận hưởng ở mức cao nhất có thể, muốn các dịch vụ chuyên biệt cho từng cá nhân, tiện nghi ở mức độ cao. Đồng thời, họ vẫn chú ý đến sự phát triển bền vững.

Du khách thích đi gần nhà: Các du khách New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan muốn có những chuyến du lịch gần nhà. Họ ưu tiên sự thoải mái, hiệu quả, tận dụng tối đa thời gian và các nguồn lực thông qua các trải nghiệm du lịch được sắp xếp kỹ càng, chu đáo.

Theo TTO

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích