Tiếng Việt | English

26/04/2016 - 15:04

Bế mạc phiên họp thứ 47 Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Cuối giờ sáng nay (26/4), phiên họp thứ 47 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc sau gần 2 ngày làm việc.

Phát biểu bế mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ, tiếp thu đầy đủ các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp này, nhất là các nội dung về đánh giá kết quả kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, để làm cơ sở rút kinh nghiệm cho nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV. Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội tiếp thu ý kiến các đại biểu để hoàn chỉnh thêm chương trình kỳ họp thứ 1, Quốc hội khóa XIV.

Trước đó, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, phiên họp thứ 47 của Ủy ban Thường vụ Quốc tiếp tục với nội dung cho ý kiến về các dự thảo Nghị quyết về việc phân loại đơn vị hành chính; Nghị quyết về tiêu chuẩn đơn vị hành chính và việc nhập chia điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính; Nghị quyết về phân loại đô thị.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại phiên họp (Ảnh: quochoi.vn)
Thẩm tra các dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, cơ bản các Nghị quyết đã thể hiện đủ và cụ thể các nội dung trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương, bao gồm tiêu chuẩn cụ thể của các đơn vị hành chính; tiêu chuẩn cụ thể của các tiêu chí phân loại đơn vị hành chính và việc phân loại đô thị. Các quy định cụ thể được xây dựng trên cơ sở kế thừa các quy định tương ứng của pháp luật hiện hành có điều chỉnh, bổ sung nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập xảy ra trong thực tế nhằm bảo đảm cho việc đánh giá, phân loại được khách quan, khoa học, toàn diện và phù hợp với thực tế.

Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị cần rà soát thêm về số liệu, định mức được quy định trong từng tiêu chuẩn, tiêu chí tại các dự thảo nghị quyết để bảo đảm chất lượng và tính khả thi của văn bản, tạo thuận lợi cho việc áp dụng sau này.

Cho ý kiến vào các dự thảo Nghị quyết, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển băn khoăn việc đưa ra các tiêu chuẩn, tiêu chí để phân loại đô thị có tính đến xu thế chung hiện nay của thế giới hay không đó là hiện tượng chuyển dịch dân cư từ nông thôn về đô thị, từ khu vực kinh tế kém phát triển sang khu vực có kinh tế phát triển. Đây không phải là xu thế của một quốc gia mà của cả thế giới. Dân cư ở khu kém phát triển dồn về khu phát triển, ở nước kém phát triển dồn về nước phát triển.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng ông thực sự chưa thấy thỏa mãn với những tiêu chuẩn đặt ra trong khi vẫn sử dụng những căn cứ cũ mà thiếu sự phân tích, sắp xếp, ưu tiên.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, vấn đề dân số và mật độ dân số phải được đặt lên hàng đầu khi đưa ra các tiêu chuẩn, tiêu chí cho việc phân loại đơn vị hành chính, đô thị. Đưa tiêu chí về diện tích lên hàng đầu là không hợp lý. Tiêu chí thứ hai phải là quy mô của nền kinh tế được xác định bằng số thu ngân sách bởi thu ngân sách chính là công tơ mét phản ánh sự phát triển của nền kinh tế đó.

Thứ ba mới đến vấn đề diện tích. Cuối cùng là đơn vị hành chính. 4 tiêu chí có thể nói là quan trọng nhất, còn các tiêu chí khác nếu cứ đưa vào như thế này thì suốt đời chúng ta sẽ nợ tiêu chuẩn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị việc phân loại, sắp xếp, xác định cần được tính theo một trật tự khác. Từ yếu tố này thì có hệ số, nếu đạt được số điểm như thế này thì anh được vào nhóm đô thị này…

Một số ý kiến đề nghị, các tiêu chí liên quan đến phổ cập giáo dục tiểu học, tiêu chí về nước sạch nông thôn… nên đưa vào để tính toán thêm, chứ không nên xác định là những tiêu chí quan trọng nhất vì thực tế, hiện nay có nhiều địa phương vẫn còn nợ các tiêu chí này. Bên cạnh đó, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị không quy định tiêu chuẩn đô thị loại đặc biệt trong dự thảo Nghị quyết vì trong Luật tổ chức chính quyền địa phương đã quy định Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị hành chính cấp tỉnh loại đặc biệt.

Tuy nhiên, Chính phủ cho rằng, việc xác định tiêu chí của loại đô thị đặc biệt không nhằm để xem xét, công nhận loại đô thị cho 2 thành phố này mà là cơ sở để xây dựng các chương trình, kế hoạch dự án đầu tư phát triển theo đúng quy hoạch được phê duyệt. Bên cạnh đó, Luật Thủ đô, Luật tổ chức chính quyền địa phương cũng không quy định nội dung này. Vì vậy, Chính phủ đề nghị giữ lại quy định này trong dự thảo Nghị quyết./.

Thanh Hà/VOV.VN 

Chia sẻ bài viết