Tiếng Việt | English

23/08/2018 - 14:21

Bến Lức chú trọng phát triển thương mại - dịch vụ

Cùng với phát triển công nghiệp, huyện Bến Lức, tỉnh Long An tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế và kêu gọi đầu tư phát triển thương mại - dịch vụ (TMDV). Từ đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Chủ tịch UBND huyện - Trần Văn Tươi cho biết, vài năm trở lại đây, hệ thống giao thông trên địa bàn huyện được đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại và giao thương hàng hóa. Các loại hình dịch vụ như siêu thị, cửa hàng kim khí điện máy, ngân hàng, bưu chính - viễn thông, vận tải, kho bãi,... ngày càng phát triển, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, trao đổi hàng hóa của người dân địa phương.

Các loại hình dịch vụ như siêu thị, cửa hàng kim khí điện máy, ngân hàng,… ngày càng phát triển, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, trao đổi hàng hóa của người dân địa phương

Các loại hình dịch vụ như siêu thị, cửa hàng kim khí điện máy, ngân hàng,… ngày càng phát triển, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, trao đổi hàng hóa của người dân địa phương

Bến Lức hiện có hơn 1.500 doanh nghiệp, cơ sở TMDV hoạt động với nhiều ngành, nghề. Từ đó, góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất của ngành TMDV bình quân đạt 20,5%/năm trong hơn 2 năm qua. Giá trị TMDV trong 6 tháng đầu năm là 4.016 tỉ đồng, đạt 50,5% kế hoạch, tăng 19,3% so cùng kỳ (ước cả năm 2018 đạt trên 8.000 tỉ đồng). Đạt kết quả này là do hàng hóa bình ổn giá, lãi suất ngân hàng giảm, nhu cầu tiêu thụ của người dân tăng, có nhiều chương trình ưu đãi và ý thức sử dụng hàng Việt của người dân ngày càng nâng cao,...

Hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường được huyện chú trọng, nhất là kết nối với một số doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM để tiêu thụ, bao tiêu nông sản của địa phương và xuất khẩu. Đặc biệt, Chi hội Doanh nhân trẻ của huyện hoạt động khá mạnh, thường xuyên kết nối các doanh nghiệp trên địa bàn nhằm liên kết, sử dụng sản phẩm của nhau trong quá trình sản xuất, kinh doanh cũng như tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp.

Công tác thanh, kiểm tra, xử phạt các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng và mỹ quan đô thị cũng được chú trọng. Việc lập lại trật tự mua bán giúp các cơ sở kinh doanh cạnh tranh lành mạnh, đồng thời mang lại mỹ quan đô thị. Từ đầu năm 2018 đến nay, UBND huyện ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 18 trường hợp.

Chủ tịch UBND huyện - Trần Văn Tươi chia sẻ thêm, để lĩnh vực TMDV phát triển theo hướng tích cực, thời gian qua, huyện thực hiện duy tu, làm mới nhiều tuyến đường, phục vụ nhu cầu đi lại, giao thương hàng hóa của người dân và bảo đảm an toàn giao thông. Việc kêu gọi nhiều nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, hệ thống chợ cũng được huyện tích cực thực hiện. Qua đó, có nhiều doanh nghiệp, công ty đến khảo sát, thấy được tiềm năng phát triển nên mạnh dạn đầu tư khai thác.

Thời gian tới, địa phương tiếp tục tạo điều kiện thúc đẩy phát triển TMDV tương xứng với phát triển công nghiệp. Trong đó, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển chợ ở khu đô thị và dân cư nông thôn. Đồng thời, khai thác hiệu quả mạng lưới chợ hiện có để tăng mức lưu chuyển hàng hóa. Đặc biệt chú trọng phát triển các loại hình dịch vụ hỗ trợ, gắn với phát triển khu, cụm công nghiệp và khu dân cư đô thị, nâng chất lượng dịch vụ. Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn đầu cơ găm hàng, tăng giá bất hợp lý, tung tin thất thiệt đối với các mặt hàng thiết yếu, nhất là lương thực, thực phẩm tiếp tục được tập trung thực hiện. Qua đó, bảo đảm thị trường phát triển lành mạnh, cung - cầu hàng hóa ổn định./.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết