Tiếng Việt | English

05/06/2019 - 09:12

Kỷ niệm 108 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (05/6/1911 - 05/6/2019)

Bến Nhà Rồng – Nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước

Từ lâu, Bến Nhà Rồng (phường 12, quận 4, TP.HCM) mang đậm dấu ấn lịch sử gắn liền với tên tuổi của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, trở thành “địa chỉ đỏ”, niềm tự hào của dân tộc Việt Nam. Nơi đây, 108 năm về trước, Người đã bước lên tàu Amiral Latouche Tréville (Pháp) với sứ mệnh cao cả là tìm đường cứu nước.

Lưu giữ nhiều hiện vật về Bác

Hơn một thế kỷ qua đã có quá nhiều sự đổi thay nhưng Bến Nhà Rồng vẫn đọng lại mãi lý tưởng cách mạng của Bác - vị lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam. Hiện nay, Bến Nhà Rồng là Bảo tàng Hồ Chí Minh, trưng bày nhiều tài liệu quý về Bác. Theo chị Thảo - hướng dẫn viên du lịch nơi đây, trong số 9 phòng trưng bày, có 6 phòng trưng bày những chuyên đề cố định về tư liệu, hiện vật về Bác; 3 phòng còn lại để trưng bày những chuyên đề mang tính thời sự, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị trong từng thời điểm nhất định. Bến Nhà Rồng là một trong những công trình kiến trúc được thực dân Pháp xây dựng khá sớm ở Sài Gòn. Tòa nhà có kiểu dáng mô phỏng kiến trúc Tây Âu thế kỷ XIX nhưng trên nóc lại đắp những con rồng theo kiểu phương Đông. Do vậy, người dân Sài Gòn quen gọi tòa nhà này là Nhà Rồng và bến cảng nơi đây là Bến Nhà Rồng.

Bến Nhà Rồng, nơi Bác ra đi tìm đường cứu nước

Tại Bến Nhà Rồng vào ngày 05/6/1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành vừa tròn 21 tuổi, bắt đầu cuộc hành trình ra đi tìm đường cứu nước. Suốt thời gian lênh đênh trên biển cả, Người xin làm phụ bếp với tên gọi mới là Văn Ba. Trên con tàu Đô đốc Latouche Tréville, Người đi qua nhiều nước chỉ với mong muốn duy nhất là làm sao tìm cho dân tộc mình một lối đi mới, một con đường cách mạng đúng đắn trong hoàn cảnh xã hội bế tắc, các phòng trào yêu nước liên tiếp thất bại. Sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, Người trở về nước và trực tiếp dẫn dắt phong trào cách mạng Việt Nam, làm nên những thắng lợi vang dội, chấn động địa cầu và khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa năm 1945 (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), mở ra những trang sử huy hoàng trong lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Nằm bên sông Sài Gòn, ngày nay, Bến Nhà Rồng vẫn giữ nguyên mình kiến trúc cổ xưa, uy nghi, hùng dũng mà không có một tòa cao ốc nào xung quanh có thể làm lu mờ. Hàng năm, Bến Nhà Rồng đón chào hàng chục ngàn du khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu về Bác, về lịch sử dân tộc Việt Nam. Nơi đây chính là một trong những di tích quan trọng của TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung, gắn liền với sự nghiệp và quá trình hoạt động cách mạng của người con ưu tú, dân tộc Việt Nam.

Khắc ghi lời dạy của Bác

Những ai một lần đặt chân đến Bến Nhà Rồng sẽ cảm nhận trọn vẹn về cuộc đời, sự nghiệp hoạt động cách mạng của Bác, hiểu sâu sắc hơn về phong cách sống giản dị, tư tưởng đạo đức cao đẹp mà Người để lại cho thế hệ đời sau. Lần đầu tham quan Bến Nhà Rồng, em Nguyễn Bảo Ngọc (huyện Nhà Bè, TP.HCM) cảm nhận được sự vĩ đại của Bác, càng thêm tin yêu và khâm phục Người gấp bội. Đặc biệt, sau khi xem qua đoạn phim Những giây phút cuối đời của Bác Hồ dài 35 phút, em xúc động bởi tình cảm ấm áp mà Bác dành cho nhân dân miền Nam. Với Bác, miền Nam là niềm vui, hạnh phúc, nỗi đau không lúc nào nguôi.

“Em từng được học, đọc sách, tư liệu về Bác nhưng khi đến đây tham quan mới thật sự hiểu được tấm lòng của Bác, cả một đời vì nước, vì dân.Người đã dành cả cuộc đời, dường như không bỏ phí ngày nào, để đấu tranh cho đất nước, cho dân tộc.Giờ thì em hiểu rõ tại sao toàn dân tộc lại gọi Người là cha. Em sẽ cố gắng học tập, rèn luyện và phấn đấu, để đáp lại lòng tin yêu của Bác dành cho thế hệ trẻ chúng em” - Phạm Ngọc Quỳnh Giang, học sinh Trường THCS Nguyễn Trung Trực (huyện Bến Lức, Long An) chia sẻ. 

Khách tham quan, tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp của Bác tại Bảo tàng Hồ Chí Minh

Ấn tượng của anh Nguyễn Minh Toãn (TP.Tân An, Long An) mỗi lần đặt chân đến Bảo tàng Hồ Chí Minh là nhìn thấy những bức ảnh Bác chụp cùng mọi người. Bác vẫn đơn sơ trong bộ áo nâu mộc mạc, đôi dép cao su giản dị. Hai bên Bác là 2 người đang khoác tay, nói cười thân mật với Bác như người cha trong nhà. Rồi Bác ngồi trên bậc cầu thang nói chuyện với bé trai như người ông đang nói chuyện với cháu. “Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là di sản to lớn mà Người để lại cho Đảng, dân tộc, nhân dân ta. Ghi nhớ lời dạy của Bác, là một chuyên viên, đảng viên trẻ, tôi sẽ cố gắng rèn luyện nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết, ra sức chung tay xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh”. 

Rời Bến Nhà Rồng, không ít du khách lặng người khi tận mắt chứng kiến những kỷ vật về Bác. Đôi dép cao su mòn vẹt, nhiều tư liệu, hiện vật gắn bó với Bác trong suốt thời gian ra đi tìm đường cứu nước vẫn còn đó, vậy mà Người đã đi xa trong niềm xúc động, khắc khoải của cả dân tộc Việt Nam: 

Bến Nhà Rồng xa xưa vẫn còn đây

Với chiếc cầu tàu nhưng nay 

Bác ở đâu?

Bùi ngùi xót xa về những ngày qua

Lúc cập thuyền ai đã tiễn Người đi

Hay chỉ một mình Bác khăn gói biệt ly…

(bài hát Bến Nhà Rồng - Trần Hoàn)

Phong Nhã

Chia sẻ bài viết