Tiếng Việt | English

11/01/2021 - 14:20

Biến rác thải nhựa thành đồ dùng hữu ích

Bằng sự khéo léo, tỉ mỉ, sáng tạo, nhiều trường học trên địa bàn huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An đã tận dụng chai nhựa, vỏ xe, túi nylon “hô biến” thành các dụng cụ hữu ích, góp phần tiết kiệm chi phí mua đồ dùng dạy học; đồng thời, giáo dục các em ý thức bảo vệ môi trường.

Bộ bàn ghế được các giáo viên làm từ tận dụng đồ tái chế

Bộ bàn ghế được các giáo viên làm từ tận dụng đồ tái chế

Hưởng ứng phong trào chống rác thải nhựa; đồng thời, góp phần tuyên truyền về quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa cho học sinh, Trường TH&THCS Nhơn Hòa Lập thực hiện mô hình Vườn hoa trong trường học. Theo đó, thay vì dùng gạch xây bồn hoa hình bản đồ Việt Nam thì trường khéo léo dùng hơn 1.000 vỏ chai nhựa đã qua sử dụng để thay thế gạch. Cụ thể, Đoàn trường TH&THCS Nhơn Hòa Lập thu gom hơn 1.000 vỏ chai nhựa đã qua sử dụng, sau đó bỏ cát vào trong chai thay thế cho gạch.

Bí thư Đoàn trường TH&THCS Nhơn Hòa Lập - Dương Mai Như Nguyệt cho biết: “Chai nhựa được vận động từ học sinh, công xây dựng do đoàn viên, thanh niên phụ trách, chi phí để làm mô hình Vườn hoa trong trường học khoảng 700.000 đồng. Sau khi hoàn thành mô hình, đoàn viên, thanh niên tiến hành trồng hoa; đồng thời, phân chia cho các lớp chăm sóc. Thông qua mô hình góp phần giáo dục học sinh về quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam, tình yêu thiên nhiên và biến rác thải nhựa thành các dụng cụ hữu ích trong cuộc sống”.

Ngoài xây dựng bồn hoa hình bản đồ Việt Nam bằng chai nhựa, Trường TH&THCS Nhơn Hòa Lập còn tận dụng những phế phẩm từ nhựa làm các chậu hoa với nhiều hình thù con vật như gấu, mèo, ngựa, heo,... Tất cả đều bày biện thành những tiểu cảnh đẹp mắt, góp phần xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp cho học sinh.

Em Trần Văn Tài (học sinh lớp 5, Trường TH&THCS Nhơn Hòa Lập) bộc bạch: “Em rất vui khi được chung tay làm những việc tuy nhỏ nhưng có ích để bảo vệ môi trường. Đây là trải nghiệm thú vị nhằm giúp em và các bạn có nhiều kỹ năng sống, biết bảo vệ môi trường sống quanh ta. Đây cũng là bài học rèn luyện ý thức lao động và tinh thần trách nhiệm của chúng em đối với gia đình, nhà trường và xã hội”.

Mô hình Vườn hoa trong trường học được làm từ 1.000 chai nhựa đã qua sử dụng

Mô hình Vườn hoa trong trường học được làm từ 1.000 chai nhựa đã qua sử dụng

Tương tự, tại Trường Mầm non Tân Lập (xã Tân Lập), nhiều đồ chơi, dụng cụ học tập cũng được tạo thành từ chính những phế phẩm nhựa. Được biết, đây là phong trào thi đua của trường nhiều năm qua. Theo đó, hiện nay, trường có hàng trăm đồ chơi, dụng cụ học tập được làm từ các loại rác thải nhựa. Đó có thể là những chiếc nắp chai bỏ đi được các giáo viên khéo léo, tỉ mỉ ghép thành bộ quần áo đẹp mắt hay các dụng cụ dạy học.

Hơn hết, điểm nổi bật trong hành trình tái chế rác thải nhựa của Trường Mầm non Tân Lập là việc sáng tạo bộ bàn ghế cho trẻ thư giãn, giải trí. Hiệu trưởng Trường Mầm non Tân Lập - Nguyễn Thị Ngọc Thúy cho biết: “Trường có nhiều dụng cụ, đồ chơi bằng đồ tái chế, trong đó bộ bàn ghế được làm từ vỏ xe, túi nylon và khung sắt được phụ huynh và trẻ rất thích. Để duy trì và phát huy phong trào Chống rác thải nhựa, trường đã đưa việc tái chế rác thải nhựa vào tiêu chí thi đua của các giáo viên. Qua thời gian thực hiện, phong trào ngày càng phát huy, khơi gợi được sự sáng tạo, tỉ mẩn của các giáo viên; đồng thời, góp phần tiết kiệm được một khoản chi phí mua dụng cụ học tập và đồ chơi trong quá trình giảng dạy”.

Không cần phải tốn nhiều tiền, chỉ cần có ý tưởng, siêng năng, sáng tạo, khéo tay, nhiều trường trên địa bàn huyện Tân Thạnh đã “hô biến” các đồ phế liệu thành dụng cụ hữu ích phục vụ công tác giảng dạy, góp phần giáo dục tình yêu thiên nhiên cho học sinh, nhất là hạn chế rác thải nhựa ra môi trường./.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích