Phát triển công nghiệp, góp phần đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 9,53% trong năm 2017. Ảnh: Mai Hương
Bản hùng ca Xuân Mậu Thân 1968
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 nổ ra trên toàn miền Nam, đánh vào tận sào huyệt của Mỹ - ngụy. Mở đầu cuộc tổng tiến công là ở tỉnh Khánh Hòa, vào lúc 23 giờ, ngày 28/01/1968, đánh vào Trung tâm huấn luyện Hải quân của ngụy ở Nha Trang. Ngày 29/01/1968, cả khu vực miền Trung nổ súng. Đêm 29 rạng 30/01/1968, cuộc tổng tiến công và nổi dậy diễn ra đồng loạt trên toàn miền Nam. Ngày 31/01 và 01/02/1968, quân ta tiếp tục tiến công vào Sài Gòn, Huế, Buôn Ma Thuột, Kon Tum, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Kiến Tường, Long Khánh và nhiều nơi khác.
Sài Gòn - Gia Định là trọng điểm lớn nhất của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968; đây là trung tâm đầu não chỉ đạo toàn bộ bộ máy điều hành chiến tranh của Mỹ - ngụy tại miền Nam Việt Nam. Cùng với quân, dân miền Đông Nam bộ và cực Nam Trung bộ, quân và dân Long An dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng địa phương (gồm Phân khu ủy, Phân khu 2, Phân khu 3 và Tỉnh ủy Kiến Tường), Quân khu ủy, Bộ Tư lệnh miền, khẩn trương củng cố xây dựng lực lượng và cơ sở vật chất, hình thành hai mũi tiến công từ hướng tây Nam vào Sài Gòn - Gia Định, thực hiện chia cắt địch, sẵn sàng “Chớp thời cơ, tiến lên tổng công kích, giành thắng lợi quyết định”.
Nhân dân các địa phương trong 2 phân khu, nhất là 2 huyện Đức Hòa, Đức Huệ (tỉnh Hậu Nghĩa) huy động hơn 1.500 dân công, vận chuyển 200 tấn vũ khí phục vụ các mũi tiến công. Để thực hiện cuộc tổng tiến công, Long An được chia thành 2 phân khu, Phân khu 2 ở phía Bắc và Phân khu 3 ở phía Nam lộ 4 (Quốc lộ 1 hiện nay), có nhiệm vụ tiến công từ hướng Nam và Tây Nam vào thành phố Sài Gòn. Trong đợt 1, cánh thứ nhất gồm Tiểu đoàn 2 Long An và Tiểu đoàn Phú Lợi tiến công đánh lực lượng biệt động quân tại Phú Lâm, trên đường Hậu Giang, Chợ Thiếc. Cánh thứ hai gồm Tiểu đoàn 1 Long An và Tiểu đoàn Phú Lợi vượt Kênh Đôi tiến đánh địch ở cầu Nhị Thiên Đường và trụ lại đánh địch phản kích đến đêm ngày 02/02/1968 lùi ra vùng ven Đa Phước. Tại tỉnh lỵ,
Tiểu đoàn Đồng Nai tiến công vào thị xã Tân An, đơn vị chiếm được một phần phía Nam thị xã, sau đó rút về Hưng Long giữ căn cứ Phân khu 3. Đặc biệt, trong ngày 31/01, khi quân Mỹ - ngụy tập trung hỏa lực, binh lực phản kích quyết liệt, đẩy các đơn vị của ta ra ngoài vùng trung tuyến, hàng ngàn đồng bào, đồng chí ở các huyện trong tỉnh không ngại hy sinh, cáng thương, tải đạn, chuyển hàng trăm thương binh từ mặt trận ra vùng căn cứ, hỗ trợ hàng chục tấn lương thực cho bộ đội của miền và phân khu trụ lại chiến đấu ở các mũi tiến công.
Tại tỉnh Kiến Tường, đêm 31/01, quân, dân ta tiến công vào thị xã Mộc Hóa, tại cửa Đông, cuộc chiến đấu diễn ra quyết liệt, 86 cán bộ, chiến sĩ anh dũng hy sinh, trong đó có Trưởng ban Chính trị Tỉnh đội. Ngày 10/3, ta diệt một tiểu đoàn “Trâu điên”, bẻ gãy chiến thuật của địch. Những nỗ lực của lực lượng vũ trang và nhân dân Long An góp thành tích lớn vào chiến công chung của lực lượng vũ trang và nhân dân miền Đông Nam bộ và cực Nam Trung bộ trong đợt 1 cuộc tổng tiến công và nổi dậy.
Trong đợt 2, cuộc tổng tiến công vào Sài Gòn - Gia Định diễn ra trên hướng phía Nam. Tiểu đoàn 1 và Tiểu đoàn 2 Long An tiến theo rạch Cây Khô, rạng sáng ngày 09/5/1968, Tiểu đoàn 1 đánh chiếm cầu Chữ Y, sau đó trụ lại đánh địch phản kích. Từ ngày 09 đến 11/5/1968, Tiểu đoàn 1 Long An tiêu diệt 1 đại đội biệt động quân, đánh thiệt hại 1 tiểu đoàn Mỹ, bắn cháy 4 xe thiết giáp. Trận chiến cầu Chữ Y gây chấn động dư luận trong và ngoài nước, gây sự phản đối ngay trong lòng nước Mỹ.
Hướng Mộc Hóa - Kiến Tường trong đợt 1 và đợt 2, Tiểu đoàn 504 hai lần được điều động chiến đấu ngoài tỉnh, trọng điểm là Mỹ Tho và Tân An. Trong tình hình khẩn trương, chưa được chuẩn bị kỹ, tiểu đoàn vẫn chấp hành nghiêm mệnh lệnh của trên, khắc phục khó khăn, tích cực đánh địch, hoàn thành nhiệm vụ. Riêng Tiểu đoàn 504B mới được thành lập cùng một phân đội đặc công tiến công vào thị xã Mộc Hóa đánh chiếm một số mục tiêu quan trọng: Dinh Tỉnh trưởng, Tỉnh đoàn Bảo an, Ty Cảnh sát, tiêu diệt và tiêu hao nhiều sinh lực, phương tiện chiến tranh của địch, tạo điều kiện cho cán bộ và du kích về bám địa bàn xây dựng cơ sở, phát triển lực lượng cách mạng của địa phương.
Cuộc tổng tiến công và nổi dậy thể hiện chiến lược tiến công và nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh của Đảng ta. Nghị quyết ngày 21/10/1973 của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng nêu: “Cuộc Tổng tiến công chiến lược Tết Mậu Thân đã giành được thắng lợi rất to lớn, buộc đế quốc Mỹ phải thay đổi chiến lược quân sự của chúng”, mở ra thời kỳ mới mang tính bước ngoặt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Phát huy truyền thống hào hùng
Tròn 50 năm trôi qua nhưng ý nghĩa của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 còn nguyên giá trị thời đại đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đó là khát vọng về một nền độc lập, tự do cho Tổ quốc, một nền hòa bình bền vững cho đất nước hôm nay và mai sau. “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Đó là niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, là sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo trong hoạch định đường lối và chỉ đạo chiến lược, sự kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại nhằm tạo nên sức mạnh to lớn, thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa...
Phát huy truyền thống hào hùng, những năm qua, cùng với sự nghiệp đổi mới chung của đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, chúng ta đạt nhiều kết quả to lớn trên các lĩnh vực. Đặc biệt, năm 2017, kinh tế tăng trưởng cao, xã hội tiếp tục ổn định và phát triển, đời sống nhân dân được nâng cao, lòng tin nhân dân đối với sự lãnh đạo của Ðảng và Nhà nước được tăng cường.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh năm 2017 đạt 9,53%, vượt chỉ tiêu kế hoạch; thu nhập bình quân đầu người đạt 61 triệu đồng; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực, đúng hướng; các chương trình đột phá, công trình trọng điểm theo Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh được tập trung thực hiện, đạt kết quả khả quan; lĩnh vực công nghiệp đạt mức tăng trưởng khá cao, thể hiện vai trò đầu tàu quyết định tốc độ tăng trưởng chung và làm chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế của tỉnh, trong đó, các thành phần kinh tế có nhiều đóng góp tích cực, đặc biệt là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Thu ngân sách đạt trên 12.000 tỉ đồng, vượt kế hoạch. Lĩnh vực giáo dục, y tế, giảm nghèo có nhiều tiến bộ; quốc phòng - an ninh được tăng cường; hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn theo hướng trong sạch, vững mạnh, đủ sức đảm đương nhiệm vụ.
Năm 2018 là năm thứ 3 thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X và nghị quyết đại hội Đảng các cấp. Đây là năm bản lề có ý nghĩa quan trọng làm chuyển biến căn bản để tạo đà, tạo lực cho những năm tiếp theo hoàn thành thắng lợi nghị quyết đại hội Đảng.
Tuy nhiên, tình hình quốc tế, khu vực hiện nay diễn biến phức tạp, các thế lực thù địch ráo riết chống phá Việt Nam bằng chiến lược Diễn biến hòa bình, bạo loạn, lật đổ từ bên trong, xuyên tạc lịch sử, phủ nhận những thành quả cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng, kích động gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Long An với vị trí chiến lược quan trọng đang đón nhận cả thời cơ, thuận lợi và thách thức. Với truyền thống “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc” và hào khí Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, hơn lúc nào hết, chúng ta phải chăm lo xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao lòng yêu nước, chủ nghĩa xã hội, ý chí tự lực, tự cường, vượt qua khó khăn, thử thách, tranh thủ thời cơ, phát huy nội lực đưa sự nghiệp đổi mới trên địa bàn tỉnh giành những thắng lợi mới.
Ôn lại truyền thống 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, chúng ta bày tỏ lòng tri ân đến các anh hùng liệt sĩ, đồng bào, đồng chí hy sinh anh dũng trong Mậu Thân 1968 và sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Chúng ta nguyện xứng đáng với sự hy sinh đó, tiếp tục kế thừa truyền thống hào hùng, phát huy những thành tích to lớn đã đạt, phấn đấu vượt bậc với tinh thần cách mạng tiến công; kiên quyết đấu tranh bảo vệ nền độc lập thiêng liêng của Tổ quốc, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Phạm Văn Rạnh