Tiếng Việt | English

15/08/2017 - 00:30

Bình Hòa Tây: Đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân

Là xã thuần nông, năm 2017, xã Bình Hòa Tây, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An xác định “Đẩy mạnh phát triển kinh tế, nhất là sản xuất nông nghiệp toàn diện theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn...”. Ðây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được địa phương tập trung.

Tham gia vào vùng lúa chất lượng cao giúp nông dân nâng cao thu nhập

Ý thức được những khó khăn cũng như tiềm năng, thế mạnh của địa phương, Đảng bộ xã xác định con đường phát triển kinh tế bằng những bước đi chậm nhưng vững chắc. Do vậy, những tháng đầu năm 2017, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và nhân dân, Bình Hòa Tây cơ bản thực hiện đạt các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra.

Chỉ tiêu phấn đấu chủ yếu của Bình Hòa Tây trong năm 2017: Diện tích gieo trồng lúa đạt 7.303ha, tổng sản lượng lương thực đạt 45.000 tấn, tiếp tục thực hiện 2.991ha vùng lúa chất lượng cao trên địa bàn xã, xây dựng vùng lúa ứng dụng công nghệ cao 500ha ở ấp Gò Dồ,...

Đến nay, xã thực hiện thắng lợi vụ Đông Xuân 2016-2017. Toàn xã gieo sạ 3.802/3.800ha, năng suất bình quân 6,2 tấn/ha, sản lượng 23.572 tấn. Với giá lúa từ 4.700-6.000 đồng/kg, nông dân thu lợi nhuận từ 10-15 triệu đồng/ha.

Đối với vụ Hè Thu, toàn xã gieo sạ 3.488/3.400ha, dự kiến thu hoạch trong nửa cuối tháng 8/2017. Tuy nhiên, năm nay lũ về sớm và mực nước cao hơn mọi năm, dù có hệ thống đê bao lửng kép kín nhưng gần 2.000ha lúa nằm trong vùng trũng của xã vẫn có nguy cơ bị thiệt hại. Vì vậy, những ngày qua, chính quyền địa phương khẩn trương vận động người dân chung sức bơm nước ra cứu lúa, bảo đảm thu hoạch đúng lịch thời vụ, giảm thiệt hại đến mức thấp nhất.

Ông Trần Văn Chắc, SN 1951, ngụ ấp Bình Tây 1, phấn khởi thông tin: “Nhờ áp dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất mà năng suất, chất lượng lúa không ngừng nâng lên. Những năm gần đây, vụ Đông Xuân, nhiều hộ dân thu hoạch từ 9-10 tấn lúa/ha. Nhờ có hệ thống đê bao khép kín, những diện tích lúa chuẩn bị thu hoạch vẫn được bảo vệ tốt, nông dân không còn lo lắng mỗi khi lũ về”.

Bên cạnh duy trì, phát triển vùng lúa chất lượng cao, xã còn vận động nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết. Thời gian qua, nhiều hộ nông dân trên địa bàn áp dụng hiệu quả mô hình “2 lúa, 1 màu”, chủ yếu là bí đỏ và dưa hấu, vừa giúp cải tạo đất, vừa tăng thu nhập đáng kể. Trong lĩnh vực chăn nuôi, hiện nay, tổng số lượng gia súc, gia cầm trên toàn xã là 22.509 con. Công tác phòng, chống dịch bệnh được kiểm soát tốt, giúp nông dân an tâm chăn nuôi.

Phó Bí thư Đảng ủy xã - Hoàng Thị Thùy Như cho biết: “Để nghị quyết đi vào cuộc sống và thực hiện đạt hiệu quả cao, xã đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt các định hướng phát triển trên lĩnh vực nông nghiệp, tạo sự đồng thuận trong nhân dân về Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo quy hoạch của huyện. Đồng thời, thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi cho các hộ nông dân trên địa bàn”.

Ngoài ra, xã tập trung xây dựng hợp tác xã trong năm 2017, củng cố hoạt động các tổ hợp tác làm đầu mối giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm, hạn chế trường hợp bị thương lái ép giá. Mặt trận và các đoàn thể vận động nhân dân xây dựng các trạm bơm điện, tiến hành nạo vét các tuyến kênh, rạch, vừa phục vụ tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp, vừa kết hợp làm đường giao thông, góp phần thực hiện các tiêu chí xã văn hóa, nông thôn mới.

Với những bước đi dù chậm nhưng hiệu quả, cho chúng ta thấy những tín hiệu đáng mừng, là nền tảng vững chắc để địa phương hoàn thành các chỉ tiêu phát triển KT-XH, xây dựng bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc./.

An Kỳ

Chia sẻ bài viết