Tiếng Việt | English

19/08/2019 - 08:38

Cách mạng Tháng Tám - Mốc son chói lọi

Những ngày này, cả nước kỷ niệm 74 năm Cách mạng Tháng Tám thành công. Dẫu thời gian có nhiều đổi thay nhưng giá trị vĩ đại của cuộc cách mạng làm thay đổi vận mệnh của dân tộc Việt Nam vẫn mãi mãi trường tồn.

Bài học về sự đoàn kết

Cách đây 74 năm, dưới sự lãnh đạo sáng suốt và tài tình của Ðảng, nhân dân ta từ Bắc chí Nam, từ đồng bằng đến miền núi, từ thành thị về nông thôn, chớp thời cơ “ngàn năm có một” đoàn kết đứng dậy tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, chấm dứt kiếp nô lệ, mở ra kỷ nguyên mới độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Từ đây, nhân dân Việt Nam thoát khỏi thân phận nô lệ, trở thành người chủ của đất nước.

Với bản lĩnh chính trị sắc bén, sự lãnh đạo sáng suốt, tư duy tổ chức cách mạng linh hoạt, nghệ thuật chỉ đạo khởi nghĩa tài tình, Đảng ta chỉ với khoảng 5.000 đảng viên, đã huy động được sức mạnh quật khởi của toàn dân, khôn khéo cô lập 10 vạn quân phát-xít Nhật, vô hiệu hóa tất cả các phe phái chính trị phản động, lãnh đạo hàng triệu quần chúng khởi nghĩa giành chính quyền.

Cuộc mít-tinh phát động khởi nghĩa giành chính quyền do Mặt trận Việt Minh tổ chức tại Nhà hát lớn Hà Nội ngày 19/8/1945 (Ảnh tư liệu)

Cuộc mít-tinh phát động khởi nghĩa giành chính quyền do Mặt trận Việt Minh tổ chức tại Nhà hát lớn Hà Nội ngày 19/8/1945 (Ảnh tư liệu)

Tại Long An, cuối năm 1943, Tỉnh ủy lâm thời Tân An thành lập gồm các đồng chí: Nguyễn Văn Trọng, Nguyễn Văn Hoằng, Lê Minh Xuân và Phạm Văn Trạch. Tháng 3/1944, Tỉnh ủy mở hội nghị bàn kế hoạch phát triển phong trào cho kịp tình hình mới và bầu đồng chí Nguyễn Văn Trọng làm Bí thư Tỉnh ủy. Tháng 5/1945, Đảng bộ Tân An có lực lượng bố trí ở nhiều làng, tổ chức cách mạng phát triển nhanh trong quần chúng.

Ngày 15/8/1945, được tin phát-xít Nhật đầu hàng đồng minh không điều kiện, Xứ ủy Nam kỳ liền triệu tập nhiều cuộc họp từ ngày 17 đến 20/8 tại Chợ Đệm, quyết định đưa Việt Minh ra công khai, đồng thời lấy ngày 23/8/1945 tiến hành khởi nghĩa thí điểm ở Tân An. Chấp hành quyết định của Xứ ủy, Tỉnh ủy Tân An họp khẩn cấp, ra “Nghị quyết đỏ”. Đồng chí Nguyễn Văn Hoằng nhận mệnh lệnh về chỉ đạo khởi nghĩa tại tỉnh Tân An.

Khi đồng chí Hoằng chưa về đến Tân An thì bỗng có tin đàng Thổ dậy. Trước tình hình đó, Tỉnh ủy phán đoán chớp thời cơ hành động. Đến 15 giờ, ngày 21/8/1945, toàn bộ công sở, dinh cơ, trại lính, kho bạc, công xưởng,... về tay cách mạng. Sáng 22/8/1945, 4.000 người với tầm vông, giáo mác, mang dấu hiệu cờ đỏ sao vàng đổ về sân banh tỉnh lỵ tham gia cuộc mít-tinh chào mừng cách mạng thành công. Đoàn người vừa đi, vừa hô vang khẩu hiệu “Việt Nam độc lập muôn năm!”.

Chỉ trong 1 tuần, cuộc tổng khởi nghĩa diễn ra và giành thắng lợi khắp Bắc, Trung, Nam. Trong vòng nửa tháng, toàn bộ chính quyền trên phạm vi cả nước về tay nhân dân. Ách thống trị của thực dân hơn 80 năm và chế độ phong kiến tồn tại hàng ngàn năm bị lật đổ. Ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á. 

74 năm đổi mới

Thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là minh chứng hùng hồn, rõ nét nhất về lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng. Nhờ có lòng tin ấy, nhân dân ta chấp nhận gian khổ, hy sinh đi theo con đường cách mạng của Đảng. Kỷ niệm 74 năm Cách mạng Tháng Tám thành công cũng là năm thứ tư thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ X. Kế thừa truyền thống của cha ông, phát huy những kết quả đã đạt, Đảng bộ, dân và quân Long An tiếp tục đoàn kết, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu nghị quyết.

Long An hôm nay tiếp tục vượt qua khó khăn, thử thách, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Thời gian qua, với tư duy sáng tạo, tỉnh thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm, chương trình đột phá, công trình trọng điểm theo nghị quyết đại hội. Tốc độ phát triển kinh tế (GRDP) 6 tháng đầu năm 2019 đạt 9,89%. Chỉ số năng lực canh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018 đạt 68,09 điểm, xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Thu nhập bình quân đầu người cuối năm 2018 đạt 68,62 triệu đồng/năm. Toàn tỉnh chỉ còn 9.108 hộ nghèo, chiếm 2,22%.

Nông nghiệp - kinh tế chủ lực của tỉnh tiếp tục có những bước phát triển quan trọng. Sản lượng lương thực hàng năm đạt trên 2,6 triệu tấn, trong đó lúa chất lượng cao trên 1,2 triệu tấn. Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới được thực hiện theo lộ trình, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. 6 tháng đầu năm 2019, tỉnh công nhận thêm 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn lên 77 xã, chiếm 46,3% tổng số xã toàn tỉnh.

Phấn khởi trước sự đổi mới của quê hương, ông Phan Văn Bích (SN 1944), ngụ ấp 3, xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa, bộc bạch: “Vùng này trước đây là đồng bưng, sản xuất lúa gặp nhiều khó khăn do đất bị nhiễm phèn và chuột phá hại. Việc đi lại cũng không thuận lợi như bây giờ, chủ yếu dùng ghe, xuồng vì chưa có đường bộ. Trải qua 3 thập niên khai phá, đặc biệt là từ khi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, bộ mặt địa phương đổi thay vượt bậc”.

Hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, góp phần phát triển KT-XH của tỉnh

Cũng như ông Bích, ông Nguyễn Công Thái, ngụ ấp 1, xã Phước Đông, huyện Cần Đước, vui mừng khi địa phương vừa được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới. Ông nói: “Những năm qua, với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, người dân trong xã tích cực đóng góp cùng địa phương thực hiện nhiều công trình. Hệ thống điện, nước, đường giao thông, điểm sinh hoạt văn hóa đều được quan tâm đầu tư xây dựng đạt chuẩn. Bộ mặt nông thôn đổi thay, đời sống người dân được nâng lên đáng kể”.
74 năm trôi qua nhưng tinh thần và ý chí quật cường cùng những bài học lớn lao từ Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vẫn mãi là ngọn đuốc soi đường, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, giành những thắng lợi to lớn trong công cuộc xây dựng, đổi mới quê hương./.

► Lê Thị Diễm Huỳnh, ngụ xã Hòa Phú, huyện Châu Thành: 

74 năm trôi qua kể từ ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, đất nước ta dần thoát khỏi tình trạng nghèo nàn, kém phát triển, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, có vị thế ngày càng quan trọng trong khu vực và trên thế giới. Riêng Long An những năm qua cũng không ngừng phát triển, đời sống người dân được cải thiện rõ rệt, nhất là từ khi địa phương phát động chương trình xây dựng xã văn hóa, nông thôn mới. Tự hào trước những đổi thay của quê hương, tôi và gia đình luôn nỗ lực lao động, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và đổi mới đất nước với mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

► Lê Minh Khôi, ngụ xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ: 

Xã Nhựt Ninh nói riêng và huyện Tân Trụ nói chung từng là một trong những địa phương bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh. Tuy nhiên, nhờ có sự quan tâm đầu tư của các cấp lãnh đạo, bộ mặt địa phương không ngừng đổi mới. Hiện nay, đường bêtông trải dài về tận các xóm, ấp, người dân có thể đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận tiện. Việc sản xuất, kinh doanh cũng thuận lợi hơn, nhà cửa khang trang mọc lên ngày càng nhiều. Là một người trẻ, được sinh ra và lớn lên trong thời bình, tôi rất trân trọng, ghi nhớ công ơn của các thế hệ cha ông không tiếc máu xương đấu tranh giành độc lập dân tộc để chúng ta có cuộc sống thanh bình như hôm nay.

► Nguyễn Văn Cai, ngụ xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa:

Phát huy bài học của Cách mạng Tháng Tám, cùng với cả nước, nhân dân Long An tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, sáng tạo, khắc phục những khó khăn, góp sức xây dựng quê hương. Những năm qua, từ huy động sức dân, nhiều công trình được thực hiện, hoàn thành, mang lại diện mạo khang trang hơn cho địa phương. Tiếp nối truyền thống anh hùng của quê hương Long An “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”, gia đình tôi luôn tích cực tham gia các phong trào thi đua do địa phương phát động, giáo dục con cháu cố gắng chăm chỉ lao động, học hành, trở thành người có ích cho xã hội.

Kỳ Nam (ghi)

An Kỳ

Chia sẻ bài viết