Tiếng Việt | English

31/08/2018 - 19:26

Cách mạng Tháng Tám và những dấu ấn không phai

Cách đây 73 năm, hòa trong khí thế sục sôi của cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân tỉnh nhà nhất tề vùng lên giành chính quyền, góp phần vào thành công của Cách mạng Tháng Tám - một trong những trang sử chói lọi của lịch sử dân tộc Việt Nam.

Mô hình phục dựng cuộc họp lần thứ 3 của Tỉnh ủy Tân An vào cuối tháng 9/1945 chuẩn bị kháng chiến khi thực dân Pháp quay trở lại

Mô hình phục dựng cuộc họp lần thứ 3 của Tỉnh ủy Tân An vào cuối tháng 9/1945 chuẩn bị kháng chiến khi thực dân Pháp quay trở lại

Hào khí Cách mạng Tháng Tám

Góp phần vào sự thành công của Cách mạng Tháng Tám, Đảng bộ Tân An thể hiện tinh thần năng động, sáng tạo, đoàn kết, thống nhất nội bộ, lãnh đạo nhân dân đi đầu trong cuộc tổng khởi nghĩa Tháng Tám ở Nam bộ. Theo Lịch sử Đảng bộ tỉnh Long An (1930-2000), ngày 19/8/1945, khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở thủ đô Hà Nội. Đêm 20 và sáng 21/8/1945, Xứ ủy Nam kỳ họp Hội nghị mở rộng lần thứ 2 và 3 tại Chợ Đệm, quyết định cho Tân An khởi nghĩa thí điểm. Đồng chí Nguyễn Văn Hoằng nhận mệnh lệnh của Xứ ủy về chỉ đạo khởi nghĩa tại Tân An. Khi đồng chí Hoằng chưa về đến Tân An thì bỗng có tin đàng Thổ dậy. Trước tình hình đó, Tỉnh ủy phán đoán chớp thời cơ hành động. Đến 15 giờ, ngày 21/8/1945, toàn bộ công sở, dinh cơ, trại lính, kho bạc, công xưởng,... về tay cách mạng. 

Sáng 22/8/1945, 4.000 người với tầm vông, giáo mác, mang dấu hiệu cờ đỏ sao vàng đổ về sân banh tỉnh lỵ tham gia cuộc míttinh chào mừng cách mạng thành công. Đoàn người vừa đi, vừa hô vang khẩu hiệu “Việt Nam độc lập muôn năm!”. Đại diện Ủy ban Hành chính lâm thời tỉnh Tân An - Chủ tịch Nguyễn Văn Trọng tuyên bố: “Chính quyền Tân An đã về tay nhân dân!”.

Lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công và nắm chính quyền trên toàn quốc; lật đổ ách thống trị của thực dân hơn 80 năm và chế độ phong kiến tồn tại hàng ngàn năm; mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc: Kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi này đặt cơ sở vững chắc cho chế độ dân chủ cộng hòa, tạo thế, lực mới để Việt Nam chiến đấu và chiến thắng thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc; nâng cao lòng tự hào, sự tự tin của dân tộc Việt Nam. Truyền thống trên tiếp tục được phát huy trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của cả nước sau 32 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng (1986-2018) có sự đóng góp tích cực của Đảng bộ, dân và quân Long An. Nhiều chủ trương, nghị quyết thể hiện sự năng động, sáng tạo của Đảng bộ tạo nên những bước phát triển khá toàn diện. Phát huy truyền thống trên, đảng bộ các cấp trong tỉnh kiên quyết khắc phục các hạn chế, yếu kém thuộc về chủ quan, tạo rào cản cho sự phát triển; đồng thời, xác định những đột phá trong điều kiện mới, chung tay đưa tỉnh nhà phát triển nhanh, bền vững. Đó là hành động thiết thực phát huy hào khí Cách mạng Tháng Tám cũng như thể hiện tính năng động, sáng tạo của Đảng bộ, dân và quân Long An trong thời kỳ mới. 

Di tích Nhà Tổng Thận - nơi khắc ghi dấu ấn lịch sử 

Gắn liền với sự kiện lịch sử Tân An đi đầu cuộc tổng khởi nghĩa tháng 8-1945 ở Nam bộ là di tích Nhà Tổng Thận (số 19, đường Ngô Quyền, phường 1, TP.Tân An). Cách mạng Tháng Tám thành công, Tỉnh ủy Tân An trưng dụng Nhà Tổng Thận làm tổng hành dinh, trụ sở công khai đầu tiên của chính quyền cách mạng ở Nam bộ. Tại đây, Tỉnh ủy Tân An tổ chức 3 hội nghị quan trọng để bàn bạc, quyết định những vấn đề về xây dựng, củng cố, bảo vệ chính quyền cách mạng vừa giành được. 

Di tích Nhà Tổng Thận (số 19, đường Ngô Quyền, phường 1, TP.Tân An) gắn liền với sự kiện lịch sử Tân An đi đầu trong cuộc tổng khởi nghĩa tháng 8 ở Nam bộ

Di tích Nhà Tổng Thận (số 19, đường Ngô Quyền, phường 1, TP.Tân An) gắn liền với sự kiện lịch sử Tân An đi đầu trong cuộc tổng khởi nghĩa tháng 8 ở Nam bộ

Thuyết minh viên di tích Nhà Tổng Thận - Nguyễn Thị Hồng Nhung cho biết: “Năm 1998, Nhà Tổng Thận được công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh. Từ năm 2009, nơi đây được trùng tu, tôn tạo với nhiều tư liệu, mô hình phục dựng cuộc họp quan trọng của Tỉnh ủy Tân An; các hình ảnh, hiện vật về lối sống, sinh hoạt của người dân Tân An xưa;... Đặc biệt, bên cạnh kiến trúc Pháp phía bên ngoài, nội thất được bài trí theo phong cách Việt. Hiện nay, di tích Nhà Tổng thận trở thành địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng của Đảng bộ, nhân dân tỉnh Long An nói riêng và Nam bộ nói chung.

Em Hồ Phước Duy - học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn, TP.Tân An, phấn khởi: “Em rất vui khi được Đoàn trường tạo điều kiện đến tham quan di tích Nhà Tổng Thận. Qua đây, giúp em hiểu sâu hơn về lịch sử quê hương và cảm thấy tự hào về truyền thống đấu tranh hào hùng của thế hệ cha ông”.

 Di tích Nhà Tổng Thận trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Long An nói riêng và Nam bộ nói chung

Di tích Nhà Tổng Thận trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Long An nói riêng và Nam bộ nói chung

73 mùa thu qua đi, Tân An ngày ấy đi đầu trong Cách mạng Tháng Tám ở Nam bộ, Long An hôm nay năng động, sáng tạo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tinh thần, hào khí và những thành quả vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám luôn là động lực to lớn cổ vũ Đảng bộ và nhân dân Long An vượt qua mọi khó khăn, thử thách, tiếp tục đưa sự nghiệp cách mạng đạt những thành tựu mới./.

Sông Măng

Chia sẻ bài viết