Tiếng Việt | English

04/11/2019 - 19:24

Cải cách hành chính, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

Thời gian qua, Long An quyết tâm đẩy mạnh công tác cải cách hành chính (CCHC), cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) cấp tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần dành cho phóng viên (PV) Báo Long An online cuộc phỏng vấn về công tác này.

Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần tặng bằng khen cho các tập thể tiêu biểu đạt thành tích trong công tác cải cách hành chính. Ảnh: Hữu Bằng

► PV: Thưa ông, việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC), cải thiện chỉ số PCI được Đảng bộ tỉnh xác định là một trong các nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ 2015-2020, xin ông thông tin một số kết quả của công tác này trong năm qua?

Ông Trần Văn Cần: Năm 2018, công tác CCHC của tỉnh có nhiều bước chuyển biến tích cực, đó là hoàn thành 100% Kế hoạch công tác CCHC năm 2018 với 7 nội dung, 51 nhiệm vụ do UBND tỉnh đề ra; tích cực lồng ghép chỉ đạo thực hiện công tác CCHC trong họp giao ban định kỳ; các huyện, thị xã, thành phố ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản chỉ đạo công tác CCHC như nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, đẩy mạnh thực hiện chương trình, kế hoạch CCHC nhà nước giai đoạn 2016-2020 và năm 2018; ban hành bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện CCHC đối với sở, ngành, UBND cấp huyện, quy định về thi đua - khen thưởng trong công tác CCHC,... Thực hiện Nghị định số 61/2018/NĐ-CP, ngày 23/4/2018 của Chính phủ, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 128/KH-UBND, ngày 03/8/2018 chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả các quy định về thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” nhằm không ngừng nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và hiểu biết của người dân; tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc tổ chức triển khai thực hiện các quy định tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP của Chính phủ.

UBND tỉnh ban hành Kế hoạch kiểm tra công tác CCHC năm 2018 trên địa bàn tỉnh đối với 57 đơn vị. Kết quả, kiểm tra 57/57 đơn vị, đạt 100% kế hoạch. Ngoài ra, tiến hành kiểm tra đột xuất về thực hiện công tác CCHC tại nhiều đơn vị cấp huyện, cấp xã. Qua kiểm tra, các đoàn có thông báo kết quả cho từng đơn vị, nêu rõ ưu điểm, hạn chế và đề xuất hướng khắc phục. Các cơ quan, đơn vị được kiểm tra đều có kế hoạch, văn bản chỉ đạo cụ thể để khắc phục hạn chế, báo cáo kết quả về UBND tỉnh. Công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm 

pháp luật (VBQPPL) tiếp tục thực hiện hiệu quả, chất lượng soạn thảo VBQPPL ngày càng được nâng cao; thường xuyên gắn kết công tác xây dựng với kiểm tra, rà soát VBQPPL và công tác theo dõi thi hành pháp luật, góp phần thúc đẩy công tác CCHC triển khai đồng bộ, hiệu quả, nâng cao năng lực quản lý nhà nước bằng pháp luật tại địa phương.

► PV: Thời gian qua, tỉnh nỗ lực như thế nào trong công tác CCHC, qua đó từng bước cải thiện về điểm số, thứ hạng chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI), thưa ông?

Ông Trần Văn Cần: Tỉnh đầu tư trang thiết bị hiện đại, đưa Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, 15/15 Trung tâm Hành chính công cấp huyện, 192/192 Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp xã vào hoạt động; thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ TTHC theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”, tạo sự thuận tiện, giảm chi phí, thời gian đi lại, nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp (DN) và tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng, trước hạn. 100% cơ quan hành chính và các đơn vị ngành dọc trên địa bàn tỉnh thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”. Ngoài ra, có 5/5 cơ quan ngành dọc tổ chức thực hiện cơ chế “một cửa” gồm: Hải quan Long An, Kho bạc Nhà nước tỉnh, Cục Thuế tỉnh, Công an tỉnh, Bảo hiểm Xã hội tỉnh. Toàn tỉnh có 1.785/1.785 TTHC (đạt 100%) được thực hiện theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”. Trong đó, có 1.386 TTHC thực hiện theo cơ chế “một cửa”, 399 TTHC thực hiện theo cơ chế  “một cửa liên thông” (93 TTHC thực hiện liên thông từ xã đến huyện, tỉnh; 306 TTHC thực hiện liên thông cùng cấp của các sở, ngành và liên thông thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh). UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”; ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử,... từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, góp phần nâng cao xếp hạng trên cả nước về các chỉ số CCHC (năm 2017, chỉ số PAR INDEX xếp thứ 12/63; chỉ số PCI xếp thứ 4/63 và chỉ số PAPI xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương).

Người dân đến giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Hành chính công huyện Tân Trụ

► PV: Thưa ông, việc đưa vào hoạt động Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh tạo bước đột phá ra sao đối với quá trình cải cách TTHC trên địa bàn?

Ông Trần Văn Cần: Năm 2018, HĐND và UBND tỉnh ban hành 71 VBQPPL, gồm 16 nghị quyết và 55 quyết định đúng quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL; bảo đảm chất lượng, tính khả thi, phù hợp với quy định pháp luật hiện hành. UBND tỉnh ban hành kế hoạch kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL trên địa bàn tỉnh năm 2018; thực hiện tự kiểm tra 130 quyết định của UBND tỉnh, 81 văn bản của HĐND, UBND cấp huyện; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thường xuyên thực hiện rà soát văn bản, công bố các VBQPPL hết hiệu lực và bãi bỏ văn bản không còn phù hợp. Về kiểm soát TTHC, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo rà soát, đánh giá và kiến nghị đơn giản hóa trên tất cả lĩnh vực nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, tổ chức. Năm 2018, tỉnh đề xuất, kiến nghị Trung ương phương án đơn giản hóa 10 TTHC của 5 sở, ngành, tiết kiệm chi phí hơn 70 triệu đồng/năm nếu các phương án được thực thi, đạt 16,6%. UBND tỉnh ban hành 43 quyết định công bố 1.823 TTHC (ban hành mới 750 TTHC; sửa đổi, bổ sung 367 TTHC; thay thế 4 TTHC; bãi bỏ 702 TTHC) thuộc thẩm quyền giải quyết của 17 sở, ngành; cập nhật, đăng tải trên Cơ sở dữ liệu Quốc gia về TTHC, trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh theo Quyết định công bố của Chủ tịch UBND tỉnh (công khai 1.120 TTHC, không công khai 705 TTHC).

Thực hiện nghiêm túc việc niêm yết, công khai TTHC, niêm yết địa chỉ tiếp nhận phản ánh, kiến nghị về quy định TTHC, thu phí, lệ phí tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Trung tâm Hành chính công cấp huyện và Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp xã. Lắp đặt, bố trí máy vi tính kết nối mạng để hỗ trợ cá nhân, tổ chức, DN tra cứu, tìm hiểu thông tin TTHC và tình trạng tiếp nhận, giải quyết hồ sơ, góp phần công khai, minh bạch TTHC, tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận TTHC, thực hiện quyền giám sát đối với cơ quan hành chính nhà nước. Hiện tại, trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh niêm yết 1.783 TTHC (cấp tỉnh 1.375 TTHC, cấp huyện 273 TTHC, cấp xã 135 TTHC). Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, 15/15 UBND cấp huyện, 192/192 UBND cấp xã, 17/19 sở, ngành triển khai, nâng cấp phần mềm “một cửa” điện tử theo hướng hiện đại, luân chuyển và xử lý hồ sơ điện tử không phụ thuộc vào hồ sơ giấy. Dữ liệu được đồng bộ về Hệ thống tra cứu thông tin hồ sơ trực tuyến của tỉnh (phục vụ tra cứu qua Internet, tin nhắn SMS, gọi điện đến tổng đài). Tính đến ngày 02/11/2018, hồ sơ giải quyết đúng hạn đạt 95,5%. Có 43/43 cơ quan hành chính nhà nước thực hiện đúng quy định về công bố và duy trì hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2008. Có 192/192 UBND cấp xã (là đối tượng khuyến khích áp dụng) thực hiện việc xây dựng, áp dụng, duy trì và công bố, đạt 100%. Trong đó, có 101 UBND cấp xã công bố theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008; 91 UBND cấp xã công bố theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015.

Chuyển biến quan trọng nhất trong công tác CCHC năm 2018 của tỉnh là việc thực hiện cải cách tổ chức bộ máy, sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong đối với 18 cơ quan chuyên môn và tương đương của tỉnh; hoàn thành theo nội dung và lộ trình thực hiện của Đề án số 02-ĐA/TU của Tỉnh ủy. Cụ thể, toàn tỉnh giảm được 95 đơn vị trực thuộc (cấp tỉnh: 80, cấp huyện: 15), giảm 49 vị trí cấp trưởng (cấp tỉnh: 34, cấp huyện: 15), giảm 35 vị trí cấp phó (cấp tỉnh: 18, cấp huyện: 17), giảm 40 biên chế so với năm 2017. Việc sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập thuộc sở, ngành về cơ bản hoàn thành theo lộ trình; sáp nhập 53 trường, vượt 5 trường so với chỉ tiêu đề ra. Sau khi sắp xếp, toàn tỉnh giảm 192 đầu mối, trong đó cấp tỉnh giảm 114 đơn vị, cấp huyện giảm 78 đơn vị; giảm 128 vị trí cấp trưởng (cấp tỉnh: 52, cấp huyện: 76), giảm 47 vị trí cấp phó (cấp tỉnh: 26, cấp huyện: 21); giảm 592 biên chế so với năm 2017. Bố trí kiêm nhiệm chức danh không chuyên trách cấp xã giảm 42,77%, tương ứng giảm 1.661 người so với quy định. Bố trí chức danh ở ấp, khu phố giảm 30,89%, tương ứng giảm 1.701 người.

► PV: Ông có thể cho biết, tỉnh tạo điều kiện như thế nào đối với các DN, nhà đầu tư trên địa bàn?

Ông Trần Văn Cần: Long An luôn nhận thức rõ, cộng đồng DN là nhân tố quan trọng góp phần vào quá trình phát triển KT-XH; lãnh đạo tỉnh và các cấp, ngành tổ chức các cuộc gặp gỡ, đối thoại để lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của nhà đầu tư, DN để có giải pháp phù hợp nhằm tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư. Tỉnh cũng mong muốn các DN, nhà đầu tư tiếp tục chủ động trong sản xuất, kinh doanh và chia sẻ vướng mắc, khó khăn, không ngừng đổi mới công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động; tăng cường liên kết sản xuất, đẩy mạnh hoạt động an sinh xã hội. Với quyết tâm, nỗ lực lớn nhất, tỉnh cam kết nhất quán trong chính sách, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN, luôn đồng hành cùng DN trong quá trình xây dựng và phát triển tại địa phương.

Chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung công tác tuyên truyền để cán bộ, công chức, viên chức nhận thức rõ tầm quan trọng của việc cải thiện, nâng cao chỉ số PCI và chỉ số PAR Index. Tiếp tục tăng cường rà soát, kiến nghị đơn giản hóa TTHC, cắt giảm các yêu cầu, điều kiện, rút ngắn thời gian thực hiện TTHC; tiếp tục thực hiện tốt công tác phối hợp giữa Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh với Trung tâm Hành chính công cấp huyện và cơ quan, đơn vị liên quan. Nâng cao đạo đức công vụ, tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, xây dựng chính quyền kiến tạo, liêm chính, hành động, hướng đến nền hành chính hiện đại phục vụ nhân dân; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu và cán bộ, công chức chuyên trách. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải nghiêm túc nhìn nhận hạn chế ở lĩnh vực, ngành, địa phương quản lý trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao, xác định nguyên nhân để có biện pháp khắc phục. Tiếp tục giữ vững và phát huy hơn nữa các chỉ số CCHC đạt kết quả tốt.

Đối với các chỉ số còn hạn chế, cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, khẩn trương đề ra các giải pháp hiệu quả để khắc phục. Chủ động phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, linh hoạt hơn trong giải quyết các vấn đề liên quan đến DN; công khai, minh bạch tất cả các TTHC, quy hoạch chuyên ngành bằng nhiều hình thức như Cổng thông tin điện tử của tỉnh, trang thông tin điện tử của cơ quan hoặc thông qua MTTQ, các đoàn thể nhân dân, các phương tiện thông tin đại chúng,... Tăng cường đối thoại, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc, củng cố, nâng cao niềm tin của người dân, DN đối với chính quyền. Tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ theo Chương trình tổng thể CCHC giai đoạn 2016-2020; xây dựng kế hoạch CCHC năm 2019; khắc phục những hạn chế năm 2018; chỉ đạo nâng cao chỉ số PAR Index, chỉ số PCI, chỉ số PAPI; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, ứng xử và thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức; thường xuyên đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC...

► PV: Xin cảm ơn ông!

Song Hồng

Chia sẻ bài viết