Một cảnh trong vở cải lương Thầy Ba Ðợi. Ảnh: Phương Phương
Trong hành trang văn hóa của cha ông ta đến Long An có cả một vốn liếng văn học - nghệ thuật được hun đúc qua bao thế hệ ở vùng đất cũ, trong điều kiện mới hình thành nên những giá trị mới, đa dạng về loại hình, phong phú về số lượng và đặc sắc về nội dung, từ ca dao, tục ngữ, vè, truyện kể đến các hình thức diễn xướng dân gian như hò, lý, hát bội, ca nhạc tài tử,... Nghệ thuật dân gian trong thời kỳ đầu có bóng rỗi. Hát bội có mặt cũng rất sớm từ cuối thế kỷ XIX được biết qua các tư liệu về gánh hát bội đầu tiên của các ông Huỳnh Duy Ngạn (xã Nhơn Thạnh Trung, TP.Tân An), Huỳnh Văn Xem (xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước), Nguyễn Văn Nhị (xã Long Sơn, huyện Cần Đước),... Nhạc lễ, nhạc tài tử Nam bộ sớm được hình thành với sự có mặt của Đức nghệ nhân Nguyễn Quang Đại (Ba Đợi) đào tạo nên nhiều nhạc sĩ tài năng.
Truyền thống văn học - nghệ thuật
Từ cuối thế kỷ XIX, việc học hành ở Long An dần phát triển, hình thành giới trí thức nho học có khả năng sáng tác và thưởng thức văn học viết. Từ khoa thi hương đầu tiên của triều Nguyễn tổ chức ở Nam kỳ (đầu thế kỷ XIX) đến khi Pháp xâm lược, Long An có 29 người đỗ hương cống, cử nhân. Tầng lớp trí thức này dùng ngòi bút của mình làm vũ khí chiến đấu chống kẻ thù xâm lược và ca ngợi những tấm gương vì nước hy sinh của các anh hùng, liệt sĩ, phản ánh sinh động cuộc chiến đấu của nhân dân Long An, hòa tiếng nói của mình vào cuộc chiến đấu chống xâm lăng của dân tộc. Đó là Chạy Tây (1859), Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc (1861), Cáo thị, Thảo thử hịch, Thư gửi cho em, Mười hai bài thơ điếu Trương Định và Văn tế Trương Định (1864), Mười bài thơ điếu Phan Tòng (1868), Văn tế nghĩa sĩ trận vong Lục tỉnh (1874), Dương Từ - Hà Mậu và Ngư tiều y thuật vấn đáp của Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888); Việt sử thông giám cương mục khảo lược, Kỳ Xuyên văn sao, Kỳ Xuyên công độc, Độn Am thi văn tập, Ngọa du sào tập, Dưỡng chính lục của Nguyễn Thông (1827-1884); Hịch kêu gọi nhân dân của Phan Văn Đạt (1828-1861); những bài thơ chữ Nôm thể hiện tâm trạng đau xót trước cảnh nước mất, nhà tan của Cù Khắc Kiệm; tập thơ chữ Hán của Trà Quý Bình (1828-1894) được Nguyễn Thượng Hiền đánh giá là tuy chưa có phong cách của bậc đại gia nhưng đã hơn đời; những bài thơ Nôm lên án triều đình cắt đất cầu hòa và thể hiện ý chí bất khuất trước quân xâm lược Pháp của Lê Tăng Quýnh; bài thơ tứ tuyệt của Đoàn Ngọc Thơ (1806-1876) gửi Nguyễn Đình Chiểu bày tỏ tình bằng hữu và nỗi ưu tư thời cuộc của một sĩ phu trước vận nước lúc bấy giờ; bài thơ lục bát Cuộc nổi dậy giết Đốc Phủ Ca và bài vè Côn Lôn truyện của Lê Doãn Hài; bài Lễ phong gia huấn viết bằng thể lục bát, dài hơn 1.000 câu, có nội dung khuyên răn con cháu về lễ nghĩa ở đời và một số bài thơ Nôm hóm hỉnh, trào phúng của Lê Hoằng Diễn (1882-1933);...
Sang đầu thế kỷ XX, đất Long An có dịch giả Trần Phong Sắc với vốn Hán học uyên thâm, sành cầm kỳ thi họa, dịch hơn 40 bộ truyện Tàu được phát hành rộng rãi trên toàn quốc, trở thành người nổi tiếng trong nền văn học trước Cách mạng Tháng Tám. Tân An còn có Đào Văn Hội, tác giả sách Tân An Ngày Xưa - một dạng địa phương chí xuất bản đầu tiên ở Nam kỳ,...
Một trong những chiếc nôi của nhạc tài tử Nam bộ
Dù vẫn còn nhiều điều cần tiếp tục nghiên cứu làm sáng tỏ thêm về thân thế, sự nghiệp của Nguyễn Quang Đại bởi quan niệm “xướng ca vô loài” ngày xưa làm cho các văn sĩ hay sử gia ít khi chép lại nghệ thuật cầm ca, nhưng không thể phủ nhận sự có mặt của ông đã làm cho Long An trở thành nơi sớm phát triển bộ môn đờn ca tài tử (ĐCTT) với việc cải cách và giản dị hóa lối ấn nhịp, sáng tác mới bài bản, hệ thống hóa hơi điệu nhạc tài tử Nam bộ, đào tạo học trò với những tên tuổi được biết qua tài liệu và lưu truyền trong giới nhạc tài tử, CL như Chín Láo, Sáu Thoàn, Chín Chiêu, Năm Tịnh, cô Sáu Giỏi, cô Bảy Lung, ông Xã Năm, Hai Bầu, Năm Khiết, Năm Xem (ông ngoại cố nhạc sĩ Hai Biểu), Ba Đống, Mười Hai Duơn, Năm Quýnh..., rồi nối tiếp sau đó như Chín Kỳ, Hai Phát, Hai Biểu, Tư Huyện, Sáu Quý, Bảy Hàm, Bảy Quế, Năm Giai, Mười Lăng, Tư Bi, Út Nghiêm, Hai Khá, Tám Nhứt, Tư Tụi, Ba Lựa, Văn Vĩ,... Đó là những người truyền bá và phát triển bộ môn ĐCTT ở Long An mà tài năng của họ còn vượt ra khỏi địa phương qua hoạt động giao lưu liên tỉnh và thu đĩa ở Sài Gòn, góp phần tạo nên phong trào yêu thích ĐCTT, CL khắp Nam bộ.
Nguyễn Quang Đại còn lập ra gánh hát bội do ông Cả Cương, xã Tân Lân chu cấp để diễn cho dân xem. Hai tuồng được ông Ba Đợi dựng là San Hậu và Trần Tráo Hôn. Những câu truyền tụng trong giới ĐCTT như:
“Tiếng đồn Cần Đước xuân xanh
Giai kìm, Quýnh gáo, Quế tranh, Lòng cò”,
hay “Nhứt Bạc Liêu, nhì Cần Đước”, ít nhiều phản ánh phong trào và đóng góp của giới ĐCTT ở Long An lúc bấy giờ. Cũng cần nói rõ thêm, nhứt nhì ở đây không phải ai giỏi hơn ai về bộ môn ĐCTT mà phải hiểu là thứ nhất nếu nói về ca, sáng tác là Bạc Liêu, thứ hai còn nói về đờn thì là Cần Đước. Ở khu vực Thủ Thừa - Tân An - Châu Thành, bộ môn ĐCTT cũng sớm hình thành và ít nhiều chịu ảnh hưởng của nhóm nhạc tài tử miền Tây Nam bộ.
Không những thế, đây còn là quê hương của hai tác giả sách Cầm ca tân điệu - một sưu tập gần như đầy đủ các bài bản đờn và lời ca cổ, đó là Lê Văn Tiếng (Thủ Thừa) thu thập phần nhạc và Trần Phong Sắc (Tân An) soạn phần lời; của Ác-măng (Arment) Thiều (Tân Trụ) - người đầu tiên sử dụng nhạc khí guitar vào cổ nhạc; của nhạc sĩ Cao Văn Lầu (quê Thuận Mỹ, huyện Châu Thành) - tác giả của bản Dạ cổ hoài lang, tiền thân của bài vọng cổ ngày nay. Cũng cần nhấn mạnh, yếu tố miền Đông, miền Tây ở đây là về phương diện đất Long An tiếp nhận và hình thành bộ môn nghệ thuật này trong lịch sử, không còn giá trị về âm nhạc qua thời gian và quá trình giao thoa, giao lưu. Trải qua bao thăng trầm lịch sử cùng biến thiên xã hội, nhạc tài tử Nam bộ ở Long An tiếp tục phát triển mạnh mẽ, sâu rộng, nhất là từ sau năm 1975. Nhiều thế hệ nhạc sĩ tài danh tiếp nối, xứng đáng là hậu duệ của lớp tiền bối của vùng đất có truyền thống ĐCTT này như Nghệ sĩ ưu tú Ba Tu (Trương Văn Tự), Nghệ sĩ ưu tú Huỳnh Khải, Mười Út (Nguyễn Hữu Hinh), Nghệ nhân ưu tú Tư Bền (Võ Văn Chuẩn), Nghệ nhân ưu tú Bảy Vân (Đặng Quất Vân), Tấn Khoa (Nguyễn Tấn Khoa), Út Bù (Nguyễn Văn Út),... và còn nhiều người khác nữa. Đó là những bông hoa trong vườn hoa nghệ thuật nước nhà, tiếp tục góp phần truyền bá và phát triển bộ môn ĐCTT Nam bộ, làm nền móng cho thế hệ hôm nay tiếp tục phát huy, đóng góp vào gia sản dòng nhạc này ngày càng đồ sộ, phong phú và lan tỏa, xứng đáng với vị trí của nó trong đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân.
Đến nay, Long An có 23 nghệ nhân ĐCTT được truy tặng và phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian, trong đó có 3 nghệ nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.
Dù tính chung nhất của âm nhạc CL là mối quan hệ tổng hòa giữa những dòng nhạc cùng tham gia trong một tác phẩm sân khấu nhưng chúng ta muốn nhấn mạnh tính nền tảng là phần chính hay gọi là phần “hồn” của CL là từ nhạc tài tử chuyển sang trên cơ sở biến thể các thể điệu để phục vụ sân khấu ca kịch. Chính vì vậy, bề dày lịch sử và truyền thống văn học - nghệ thuật nói chung, đặc biệt là nhạc tài tử Nam bộ nói riêng ở vùng đất này chính là nền tảng cho sự hình thành và phát triển của thể loại nghệ thuật CL về sau ở Long An./.
ThS. Nguyễn Tấn Quốc