Tiếng Việt | English

05/09/2018 - 14:23

Chào mừng Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2018 (từ ngày 05 đến 19/9/2018):

Cải lương Long An qua những bước thăng trầm: Bài 2: Sân khấu cải lương Long An qua các thời kỳ

Từ ngày 05 đến 19/9/2018, tại Đoàn Nghệ thuật Cải lương (CL) Long An (phường 4, TP.Tân An), Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) phối hợp Cục Nghệ thuật Biểu diễn tổ chức Liên hoan CL toàn quốc năm 2018. Đây là dịp hội tụ của 25 đơn vị biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp với 32 vở diễn về tranh tài tại vùng đất có truyền thống văn học - nghệ thuật và là một trong những chiếc nôi của nhạc lễ, nhạc tài tử Nam bộ, góp phần hình thành nghệ thuật CL ở miền Nam về sau này.

Các tiết mục biểu diễn trong ngày họp mặt ngành sân khấu

Các tiết mục biểu diễn trong ngày họp mặt ngành sân khấu

Dù khiêm tốn so với bề dày lịch sử 100 năm CL nhưng sân khấu CL Long An đã hòa quyện vào dòng chảy chung, để lại những dấu ấn nghệ thuật không thể nào quên, góp phần vào sự phát triển của bộ môn nghệ thuật dân tộc trải qua nhiều bước thăng trầm này.

Thời hoàng kim

Khi sân khấu CL chính thức ra đời ở Mỹ Tho (15/3/1918), Long An chưa có gánh CL nào, chỉ có vài gánh hát bội, nhưng như một số tỉnh, có xây rạp CL tại tỉnh lỵ (TP.Tân An ngày nay) để đón các đoàn CL của Sài Gòn về. Dù vậy, do chiến tranh, từ những năm 1940, nhiều nghệ sĩ (NS) tài danh của Long An rời quê lên Sài Gòn hoạt động, như đại danh cầm Văn Vĩ, Hai Biểu, Tư Huyện, Bảy Hàm, Ba Tu,..., các NS Út Bạch Lan, Minh Vương, Mỹ Châu..., đóng góp vào sự phát triển rực rỡ của CL miền Nam.

Tuy nhiên, sân khấu CL trong chiến khu cách mạng thì khá phát triển, khi từ năm 1960 đã có Đoàn Văn công tỉnh; đến năm 1963, có nhiều đoàn huyện làm nhiệm vụ “tay đờn, tay súng”, phục vụ bộ đội và người dân vùng giải phóng, khi có giặc thì chiến đấu như một đơn vị vũ trang. Đến giữa năm 1972, phân nửa lực lượng Văn công tỉnh ra miền Bắc tập huấn chuyên môn, lực lượng còn lại phục vụ kháng chiến đến ngày giải phóng miền Nam.

Sau năm 1975, thực hiện hình thức quản lý tập thể (ngành văn hóa cử cán bộ phụ trách tổ chức và chính trị, NS phụ trách nghệ thuật) và quốc doanh (Nhà nước quản lý), các đoàn CL tư nhân giải thể hoặc sáp nhập vào đoàn CL tập thể; năm 1976, Đoàn CL Tân Dạ Lý - một đoàn CL tư nhân không mấy tên tuổi đang đăng ký hoạt động ở Long An, được sáp nhập thành Đoàn CL Vàm Cỏ với lực lượng đào, kép và ban lãnh đạo đoàn được giữ nguyên từ Tân Dạ Lý chuyển sang, đến năm 1980 thì đổi tên là Đoàn CL tập thể Long An II, do cán bộ Ty Văn hóa - Thông tin (Nguyễn Minh Tuấn) làm Trưởng đoàn. Lực lượng đào, kép có thêm nhiều gương mặt mới, nhiều vở có cả NS tài danh Minh Vương về cộng tác. Kịch mục lúc đó là những vở: Bên cầu dệt lụa, Lâm Sanh - Xuân Nương, Người đẹp trong tranh, Tiếng gọi núi sông,...

Năm 1977, Đoàn Tiếng ca Trung Hiếu (thuộc Bộ Nội vụ) về đăng ký hoạt động ở Long An (vì Bộ Nội vụ không có chức năng quản lý đoàn CL) với danh nghĩa là Đoàn CL tập thể Long An I (Quyết định số 1523/UB-QĐ - 77, ngày 20/9/1977), là một đại bang chuyên nghiệp. Trong giai đoạn rực rỡ nhất của lịch sử CL miền Nam và cả nước (1975-1990), Đoàn CL tập thể Long An I với cơ sở vật chất, trang thiết bị quy mô, mỗi khi đoàn lưu diễn phải có từ 5-7 chiếc xe vận tải, nhiều xe ôtô đưa đón đào, kép và nhiều ngôi sao, NS tài danh đương thời như Út Bạch Lan, Minh Vương, Linh Vương, Lệ Trinh, Phương Tùng, Thanh Tâm, Kiều Lệ Tâm..., do NS Năm Vui làm Trưởng đoàn, soạn giả tài danh Hoa Phượng làm Phó Trưởng đoàn kiêm soạn giả thường trực, NS Phương Tùng là Phó Trưởng đoàn chỉ huy biểu diễn. Với những vở diễn ăn khách lâu dài như Trận tuyến thầm lặng, Khách sạn Hào Hoa, Tình ca biên giới, Bão tố
cuộc đời, Dòng sông và đầm lầy..., Đoàn CL tập thể Long An I là một trong những đơn vị CL tập thể mạnh nhất nhì ở miền Tây Nam bộ, có doanh thu cao, được khán giả đồng bằng mến mộ.

Năm 1989, hai Đoàn CL tập thể Long An I và II sáp nhập thành một mang tên Đoàn CL Quốc doanh Long An. Nhiều NS tài danh rời đoàn nhưng có số khác về như Ánh Hồng và Hữu Lộc (Phó Trưởng đoàn CL Tây Ninh), đào, kép lúc này vẫn còn nhiều ngôi sao tài danh: Út Bạch Lan, Ánh Hồng, Đoàn Dự, Phương Tùng, Lê Trinh, Thanh Tâm, Bảo Thanh, Như Phượng, Thúy Quyên, Minh Lắng, Minh Vũ, Tuyết Hoa, Thanh Long,... với những vở diễn như Trà Hoa Nữ, Đất và hoa, Cánh hoa trong bão táp, Bạch Viên - Tôn Cát, Dệt gấm, Ánh sáng phù du, Hoàng tử và tên ăn mày,... Đoàn diễn doanh thu chủ yếu ngoài tỉnh, tự thu, tự chi cho biểu diễn, được mệnh danh là “Anh hùng miền Trung”.

Giai đoạn mới

Tuy hoạt động khá tốt và giữ vững doanh thu nhưng đoàn phục vụ không nhiều cho người dân tỉnh nhà. Danh nghĩa là quốc doanh nhưng cán bộ lãnh đạo hưởng lương, lực lượng còn lại tự thu, tự chi, diễn viên tên tuổi hưởng theo suất diễn. Từ đó, năm 1993, lãnh đạo tỉnh giải thể Đoàn CL Quốc doanh, thành lập Đoàn Nghệ thuật CL Long An thuộc Nhà nước nhằm phù hợp với mục tiêu và nhiệm vụ chính trị của tỉnh nhà, do Sở Văn hóa - Thông tin trực tiếp quản lý, Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Hữu Lộc làm Trưởng đoàn. Đoàn bắt đầu có kế hoạch trẻ hóa đội ngũ bằng cách tìm kiếm nhân tố mới ở cơ sở, tuyển sinh và đào tạo tại chỗ, mời những thầy nghề nổi tiếng như Nghệ sĩ nhân dân (NSND), đạo diễn Huỳnh Nga; NSND, đạo diễn Trần Ngọc Giàu; đạo diễn Thanh Hạp;... về giảng dạy, mời NSƯT - danh cầm Hoàng Huệ làm nhạc trưởng. Đến cuối năm 1994, đoàn đào tạo và sở hữu đội ngũ đào, kép thanh xuân ra đời trong tình hình mới với khoảng 20 diễn viên ca diễn đồng đều, như Nguyên Tâm, Vương Tuấn, Ngân Cường, Tấn Hùng, Vương Sang, Duy Thanh, Kim Ngà, Huyền Châu, Kim Phụng, Thùy Trang, Thanh Thủy,...

bên cạnh một thế hệ NS dày dạn nghề nghiệp như Hữu Lộc, Ánh Hồng, Đoàn Dự, Phương Tùng, danh cầm Hoàng Huệ. Nhiều kịch bản mới ra đời có nội dung ca ngợi đất và người Long An trong kháng chiến và xây dựng Tổ quốc như Hãy yêu nhau thật lòng, Lửa thần, Ánh sáng phù du, Trà hoa nữ, Cánh hoa trong bão táp, Người đánh rơi hạnh phúc, Bà mẹ vùng ven,... Từ đây, Đoàn Nghệ thật CL Long An bám vào mục tiêu, nhiệm vụ chính là là phục vụ khán giả tỉnh nhà.

Trong bối cảnh tình hình CL cả nước gặp nhiều khó khăn, ngay cả như trung tâm CL là TP.HCM, nhiều đoàn lớn cũng thất thu, một số tạm ngừng hoạt động,... để tìm hướng đi mới trong quá trình chuyển giao, thì Long An là đơn vị đi đầu. Từ năm 1998 về sau, đoàn luôn có nhiều nỗ lực nâng cao chất lượng nghệ thuật phục vụ nhân dân, có thêm nhiều đào, kép chính: Tuyết Ngân, Thanh Dũng, Mỹ Thu, Mai Thắm, Hồng Hạnh...; dàn nhạc ngoài nhạc sĩ Hoàng Huệ, có thêm Văn Đuộc, Lê Kiệt, Quốc Tú, Thanh Nguyệt; ngoài những vở diễn cũ, nay có thêm Vụ án chàng Trương, Võ Văn Tần một dấu son, Hồn đàn, Hương tràm, Nghĩa sĩ Cần Giuộc,... Thời điểm này, đoàn còn phục vụ miễn phí mỗi năm từ 60-80 suất phục vụ người dân vùng sâu, vùng xa và từ năm 2000, đoàn diễn không doanh thu hoàn toàn với 120-150 suất diễn/năm với mục đích ý nghĩa “đền ơn đáp nghĩa”. Ngoài nhiệm vụ chính trị tỉnh giao, đoàn còn được đầu tư cho những cuộc liên hoan, hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, nhiều cá nhân đoạt huy chương vàng, bạc và có người trưởng thành, nghề vững vàng như Hồ Ngọc Trinh, Nguyên Tâm, Vương Sang, Vương Tuấn,... Từ năm 2005, Đoàn tiếp tục được bổ sung nhiều diễn viên triển vọng được đào tạo chính quy như Mai Thắm, Chí Thanh, Hoàng Oanh, Trần Minh, Khánh Quỳnh, Phương Nhi, Trọng Tánh,... để tiếp tục duy trì hai thế hệ, tiếp tục khẳng định là một trong những đơn vị nghệ thuật mạnh, thanh xuân của khu vực phía Nam. Về nghệ thuật, đoàn còn được rộng rãi khán giả biết đến qua màn ảnh nhỏ của nhiều đài truyền hình phía Nam như Đài Phát thanh và Truyền hình Long An, VTV Cần Thơ, Đài Truyền hình TP.HCM,... với những vở: Người đánh rơi hạnh phúc, Lửa thần, Nghĩa sĩ Cần Giuộc, Bà mẹ vùng ven, Võ Văn Tần một dấu son, Trở lại chiến trường xưa, Hồi xuân dược, Hãy yêu nhau thật lòng,...

Kể từ khi ổn định cơ cấu tổ chức và “thanh xuân hóa” lực lượng (1994) đến nay, Đoàn Nghệ thuật CL Long An luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tỉnh giao, được các cấp chính quyền, ngành từ Trung ương đến địa phương tặng nhiều bằng khen, giấy khen cho tập thể và cá nhân; tham dự nhiều lần liên hoan, hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, giành nhiều huy chương vàng, bạc, đồng. Đặc biệt, đoàn có 8 NS được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT là các NS: Ánh Hồng (Huy chương Vàng giải Thanh Tâm, 1962), Hữu Lộc, Đoàn Dự, Mỹ Thu, Hồ Ngọc Trinh, Phương Tùng, Tuyết Ngân và Nguyên Tâm.

Thành công lớn nhất và đáng quý nhất của Đoàn Nghệ thuật CL Long An chính là để lại tình cảm, dấu ấn sâu đậm trong lòng công chúng tỉnh nhà. Đó chính là thành tựu lớn lao của Đoàn Nghệ thuật CL Long An tạo dựng nên dù phải trải qua những bước thăng trầm của CL cả nước nói chung./.

(còn tiếp)

ThS. Nguyễn Tấn Quốc

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích