Tiếng Việt | English

29/05/2023 - 17:44

Cải thiện PCI thông qua giải quyết tận gốc các 'nút thắt, điểm nghẽn' cho doanh nghiệp

Qua 18 năm Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố báo cáo thường niên, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trở thành phương tiện hữu hiệu truyền tải những thông điệp và kỳ vọng của doanh nghiệp (DN) đến các cấp chính quyền. Ngược lại, PCI cũng là biểu tượng của sự cầu thị, lắng nghe và tinh thần hợp tác của chính quyền với nhà đầu tư, DN.

Giữ vị trí tốp 10 trong cả nước

Theo kết quả điều tra khảo sát do VCCI công bố, PCI năm 2022 của tỉnh Long An có cải thiện về điểm số và thứ bậc, đạt mục tiêu trong tốp 10 trên bảng xếp hạng cả nước, 68,45 điểm (tăng 1,87 điểm so với năm 2021); xếp thứ 2 Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (tăng 1 bậc). Trong 10 chỉ số thành phần, có 5 chỉ số tăng điểm, gồm: Tính minh bạch (tăng 0,45 điểm); chi phí thời gian (tăng 0,3 điểm); chi phí không chính thức (tăng 0,47 điểm); cạnh tranh bình đẳng (tăng 0,79 điểm); tính năng động (tăng 0,14 điểm). Bên cạnh đó, PCI năm 2022 của tỉnh có 5 chỉ số thành phần giảm điểm, gồm: Gia nhập thị trường; tiếp cận đất đai; chính sách hỗ trợ DN; đào tạo lao động; thiết chế pháp lý.

UBND tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá PCI và các chỉ số khác

Thông tin từ VCCI, qua đánh giá từ DN, chính quyền tỉnh đã nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, quyết liệt chỉ đạo, điều hành, triển khai các giải pháp, chính sách nhằm khuyến khích, hỗ trợ DN. Chất lượng giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) có chuyển biến tích cực khi giúp các DN tiết kiệm chi phí, thời gian. Tình trạng trả chi phí không chính thức duy trì xu hướng giảm. Việc cải thiện tính minh bạch, tính năng động và cạnh tranh bình đẳng có những chuyển biến tích cực. Điều này cho thấy, chất lượng điều hành kinh tế của tỉnh ngày càng tốt hơn nhằm đạt mục tiêu tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng DN.

Bến Lức là huyện phát triển kinh tế công nghiệp, tập trung nhiều khu, cụm công nghiệp (K,CCN) và thực hiện nhiều dự án (DA) về giao thông, hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế như Đường tỉnh 830E, DA giải phóng mặt bằng (GPMB) tạo quỹ đất sạch để bố trí tái định cư Đường tỉnh 830E, phát triển đô thị tại xã Thanh Phú,… Để thực hiện tốt công tác bồi thường, GPMB, UBND huyện quan tâm đến công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về cơ chế, chính sách, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Đồng thời, MTTQ, các đoàn thể huyện phối hợp UBND các xã, thị trấn tiếp xúc, tuyên truyền các chủ trương, chính sách về bồi thường, GPMB cho đoàn viên, hội viên và người dân thông suốt. Từ đó, một bộ phận lớn nhân dân chấp hành tốt, đồng thuận khi chính quyền triển khai, thực hiện công tác bồi thường, GPMB các DA.

Huyện Bến Lức cũng thường xuyên thực hiện các hoạt động đối thoại với DN bằng nhiều hình thức để tiếp nhận yêu cầu hỗ trợ chính đáng của DN, đặc biệt liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, chính sách thuế, sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm cơ hội, giải quyết TTHC. Huyện còn chủ động tổ chức đi cơ sở, thăm DN là nhà đầu tư hạ tầng các K,CCN, nhà đầu tư thứ cấp để nắm bắt thông tin và kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc của DN.

Tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Trong 10 chỉ số thành phần PCI, tỉnh có 5 chỉ số thành phần giảm điểm, gồm: Gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, chính sách hỗ trợ DN, đào tạo lao động, thiết chế pháp lý. Điều này cho thấy, PCI năm 2022 của tỉnh vẫn còn những điểm chưa như kỳ vọng, cần nhiều cố gắng hơn nữa để có kết quả đồng bộ và bền vững hơn.

Kết quả điều tra PCI năm 2022 từ VCCI tại Long An, việc tiếp cận đất đai vẫn đang là "điểm nghẽn" lớn với nhiều DN, là nguyên nhân khiến nhiều kế hoạch kinh doanh bị hủy bỏ hoặc trì hoãn. Trong một vài trường hợp, tình trạng phiền hà, nhũng nhiễu vẫn xảy ra với một số lĩnh vực TTHC. Theo cảm nhận của DN, tình trạng này vẫn còn ở một số lĩnh vực: Thuế/phí, GPMB, bảo hiểm xã hội, phòng cháy, chữa cháy và xây dựng. Bên cạnh đó, nếu phân theo khu vực kinh tế thì DN khối tư nhân quy mô từ vừa đến lớn có xu hướng đánh giá việc tiếp cận chính sách thuận lợi hơn,... Tất cả những điều này ảnh hưởng trực tiếp đến các chỉ số thành phần PCI.

Tỉnh luôn tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh

Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) - Võ Minh Thành, chỉ số tiếp cận đất đai năm 2022 đạt 7,17 điểm (giảm 0,32 điểm so với năm 2021). Đây cũng là chỉ số thành phần có sự giảm điểm 2 năm liên tiếp. Nguyên nhân là các quy định về sử dụng đất và chỉ tiêu sử dụng đất trong quy hoạch; việc xác định giá đất ở các K,CCN, khu dân cư mất nhiều thời gian, gây khó khăn trong thu hút nhà đầu tư thứ cấp; việc giải quyết các TTHC vẫn còn chậm trong chuyển quyền sử dụng đất. Năm 2023, Sở TN&MT phối hợp các đơn vị liên quan tập trung cải thiện chỉ số tiếp cận đất đai thông qua tập trung thực hiện xác định giá đất. Đây cũng là nguyên nhân gây chậm trễ cho DN, kìm hãm phát triển kinh tế. Sở cũng tập trung thực hiện công tác GPMB, phấn đấu hoàn thành bồi thường, GPMB 900ha. Qua đó, tạo điều kiện cho DN triển khai các DA, nhất là các DA K,CCN nhằm mục tiêu phát triển kinh tế.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Út cho biết, mục tiêu của tỉnh là luôn duy trì trong tốp đầu bảng xếp hạng PCI. Để môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh ngày càng thông thoáng hơn, các chỉ số thành phần của PCI tăng dần qua từng năm, UBND tỉnh khẩn trương triển khai những giải pháp thiết thực với quyết tâm cao hơn, giải quyết tận gốc các "nút thắt, điểm nghẽn".

UBND tỉnh yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp đơn vị liên quan khẩn trương đẩy nhanh tiến độ xây dựng và triển khai, thực hiện hiệu quả Đề án triển khai Bộ Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố (DDCI) và Kế hoạch đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện, nâng cao PCI năm 2023. Trong đó, tập trung đẩy mạnh cải cách TTHC, hỗ trợ pháp lý cho DN, đi sâu vào các nội dung: Đơn giản hóa và rút ngắn thời gian giải quyết TTHC; công khai, minh bạch thông tin, phát huy hiệu quả chính quyền điện tử; tăng cường tiếp xúc, đối thoại với DN qua nhiều kênh giao tiếp nhằm lắng nghe ý kiến đề xuất, kịp thời giải quyết phản ánh, kiến nghị của nhà đầu tư một cách thiết thực, hiệu quả; thủ trưởng các sở, ban, ngành và các địa phương tiếp tục nâng cao vai trò, chủ động giải quyết công việc theo thẩm quyền, không đùn đẩy trách nhiệm, phát huy tính năng động, tiên phong sáng tạo, thường xuyên quán triệt cán bộ, công chức, viên chức tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ.

Đặc biệt, tỉnh sẽ chủ động rà soát, xác định giá đất cụ thể, sát với thị trường, góp phần thực hiện tốt việc GPMB; tiếp tục tháo gỡ những vướng mắc, hỗ trợ tái định cư để các DA sớm được triển khai và đi vào hoạt động; thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về trình tự giải quyết các tranh chấp về đất đai./.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết