Tiếng Việt | English

20/12/2022 - 13:20

Cam sành bén rễ trên vùng đất rốn phèn

Bằng kinh nghiệm tích lũy cùng sự nỗ lực, anh Huỳnh Thành Công (xã Tân Bình, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An) “thuần hóa” cây cam sành trên vùng đất rốn phèn Tân Bình, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế.

Vườn cam sành hơn 8.000m2 của anh Thành Công đang trĩu quả, nhân công thu hoạch trái chuẩn bị giao thương lái. Anh Thành Công chia sẻ: “Vùng đất Tân Bình bị nhiễm phèn nặng, trồng lúa năng suất thấp nên nông dân không có lãi nhiều. Từ đó, tôi tìm hiểu và quyết định trồng thử cây cam sành. Đây là loại cây mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng chỉ phát triển tốt ở vùng đất có nhiều phù sa nên đối với vùng đất nhiễm phèn nặng như Tân Bình, tỷ lệ thành công không cao. Với kinh nghiệm tư vấn kỹ thuật trồng cam ở các tỉnh miền Tây từ nhiều năm qua, tôi quyết tâm “thuần hóa” cây cam sành trên vùng đất rốn phèn Tân Bình”.

Anh Huỳnh Thành Công là người đầu tiên “thuần hóa” cam sành trên vùng đất rốn phèn Tân Bình, huyện Tân Thạnh

Dám nghĩ, dám làm, anh Thành Công bắt đầu nghiên cứu cách lên mô, đào mương, xử lý đất, nguồn nước, cải tạo vườn tạp, trồng thử nghiệm gần 200 gốc cam sành xung quanh nhà. Sau thời gian, cam phát triển tốt, năng suất và chất lượng trái đều đạt nên anh thuê thêm 0,8ha đất trồng cam sành. Anh lên liếp rộng 2,8-3m và cao 0,6m; mương rộng 1,2-1,4m và sâu 0,8-1m. Cam được trồng mật độ 200 cây/0,1ha. Để bảo đảm được nguồn nước và giúp rễ phát triển tốt, hàng tuần, anh bơm nước vào mương, rải phân lân, vôi để xử lý nguồn nước không bị dậy phèn và bảo đảm độ ngọt của nước khi tưới cho cây. Cây cam trồng được 2,5 năm bắt đầu cho trái, từ khi cho trái đến thu hoạch, chi phí trên 70 triệu đồng/0,1ha, bán với giá dao động từ 10.000-12.000 đồng/kg, nghịch mùa 18.000-20.000 đồng/kg. Năng suất năm đầu từ 7-8 tấn, tập trung thu hoạch 1 đợt, năm thứ 2 từ 5-6 tấn, thu hoạch 2-3 đợt, mỗi đợt kéo dài 1 tháng. Cam sành thu hoạch 1 năm là hoàn vốn, năm thứ 2 bắt đầu cho lợi nhuận.

Cây cam không chịu được ánh nắng trực tiếp vì dễ bị vàng da và năng suất thấp. Khắc phục tình trạng này, anh Thành Công chủ động trồng thêm cây tràm để tạo bóng mát cho cam. Cam sành thường bị bệnh vàng lá gân xanh, do đó, nhà vườn phải sử dụng nguồn giống sạch bệnh, vệ sinh vườn thường xuyên, khi xử lý ra đọt non phải phòng trừ đối tượng dịch hại và kiểm tra vườn để có biện pháp xử lý kịp thời. Để trái cam sành đẹp, chất lượng và được thị trường đón nhận, anh sử dụng các loại phân bón, men vi sinh thay vì phân bón, thuốc hóa học.

Anh Thành Công cho biết: “Nếu dùng phân bón, thuốc hóa học nhiều, tuổi thọ cây sẽ ngắn, trái không ngọt. Còn bón phân hữu cơ, men vi sinh, cây cam kéo dài được tuổi thọ, ít sâu, bệnh, đồng thời, có vị ngọt thanh, vỏ mỏng, trái to, không bị xơ khô. Trồng cam không khó nhưng không dễ, phải chọn được cây giống sạch bệnh và nắm vững kỹ thuật chăm sóc. Mỗi vùng đất khác nhau nên kỹ thuật chăm sóc khác nhau, phải cẩn thận từ khâu lên liếp với nhiều rãnh để giữ nước cho cây khi mùa nắng và thoát nhanh lúc ngập úng vào mùa mưa, bắt mô, bón phân hữu cơ cải tạo đất”.

Được biết, anh Thành Công là người đầu tiên “thuần hóa” cây cam sành trên vùng đất rốn phèn Tân Bình, mang lại thu nhập ổn định cho gia đình và mở ra hướng đi mới cho nông dân ở những vùng đất trồng lúa kém hiệu quả hoặc muốn tận dụng vườn tạp để cải thiện thu nhập./.

Kim Ngọc

Chia sẻ bài viết